Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển
13:38' 01/06/2004 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, vấn đề đánh cá quá mức đã xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo trên khắp thế giới. Mặc dù các chính phủ và tổ chức thương mại đã bắt đầu giải quyết vấn đề này song họ vẫn gặp khó khăn lớn trong việc đối phó với những con tàu được xây dựng nhằm tránh các thoả thuận quốc tế.

Lợi nhuận lớn, còn tiền phạt thì... nhỏ!

Cá toothfish được coi là "vàng trắng" trên thị trường cá quốc tế.

Trong thương mại, biện pháp đó được gọi là đánh cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được thông báo. Đa số các đoàn thuyền đánh cá trên thế giới chịu một mức độ kiểm soát nhất định song những con tàu đánh cá kiểu ''cướp biển'' này vẫn tiếp tục tàn phá các đại dương, khai thác quá mức nguồn cá vốn dễ bị tổn thương và giết hàng nghìn con chim biển cũng như cá heo. Đánh cá bất hợp pháp đã trở thành một vấn đề lớn mang tính toàn cầu.

Đánh cá bất hợp pháp là hoạt động đánh bắt vi phạm các điều khoản về lãnh hải thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia có chủ quyền. Việc đánh bắt bất hợp pháp được tiến hành tại các vùng biển sâu cũng vi phạm những quy ước giữa các quốc gia, chẳng hạn như Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), hoặc Công ước Bảo vệ Tài nguyên Sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR).

Đánh bắt cá bất hợp pháp không phải là mới. Thậm chí tại Hy Lạp cổ đại, ngư dân từ bán đảo Tây Á xâm nhập vào khu vực đánh cá của Athens, gây ra các cuộc xung đột giữa Athens với các nước láng giềng. Tuy nhiên, ngày nay hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp diễn ra trên quy mô hoàn toàn mới. Họ đánh bắt sạch sành sanh nguồn cá sinh trưởng chậm cho tới khi chúng tuyệt chủng về mặt thương mại rồi tiếp tục di chuyển tới ngư trường tiếp theo.

Giống như mọi hoạt động trái phép khác, đánh bắt cá bất hợp pháp ngày nay mang lại lợi nhuận cao. Các tàu đánh cá loại này không cần mua bảo hiểm, thiết bị an toàn hoặc các chương trình bảo dưỡng như ở tàu đánh cá hợp pháp. Chủ sở hữu không mua giấy phép đánh cá, không trả tiền cho giám sát viên ngư nghiệp trên tàu hoặc tham gia vào các chương trình giám sát thương mại tốn kém chẳng hạn như kế hoạch chứng minh bằng tư liệu lượng cá đánh bắt được.

Nếu bị bắt, chủ sở hữu tàu thường chỉ phải trả một khoản tiền phạt nhỏ. Đây chính là lý do tại sao đánh bắt cá bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan, làm suy giảm nguồn cá vốn đã bị ảnh hưởng của thế giới nếu các hiệp ước đa phương không được sửa đổi và mọi lỗ hổng trong mạng lưới luật pháp đánh cá biển sâu không được vá lại.

Khó có thể đánh giá được quy mô của hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Ngày nay, chúng ta có lẽ chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên, rõ ràng sự gia tăng mạnh hoạt động đánh bắt biển sâu, cả hợp pháp và bất hợp pháp trong 20 năm qua, đã gây áp lực lớn đối với nguồn cá toàn cầu, buộc đóng cửa nhiều ngư trường dồi dào trước đây. Ngoài ra, cá và đồ biển là những sản phẩm được buôn bán nhiều nhất trên toàn thế giới. Một số loài cá như cá toothfish Patagonia mang lại lợi nhuận cao trên thị trường cá thế giới.

Huỷ hoại hệ sinh thái

Một cách xác định lượng cá bị đánh bắt trái phép là so sánh tổng lượng cá buôn bán trên thị trường với sản lượng cá được đánh bắt hợp pháp. Những so sánh như vậy cho thấy lượng cá toothfish Patagonia được đánh bắt bất hợp pháp có lẽ đã tăng tới 400% trong vòng ba năm qua!

Uỷ ban Bảo vệ Tài nguyên Sinh vật biển Nam Cực ước tính: Nạn đánh bắt cá trái phép trong vùng biên giới của Nam Cực chiếm 39% tổng lượng cá đánh bắt vào các năm 2000/2001. Ngoài ra, trong một số vùng của Nam Cực, lượng cá bị đánh bắt trái phép còn cao hơn nhiều, nên nguồn cá đã giảm tới 90% trong vòng ba năm.

Tình hình tương tự cũng diễn ra trên khắp thế giới. Uỷ ban Đánh bắt Cá Đông Bắc Đại Tây dương thông báo có tới 20% tổng lượng cá hồi đỏ được buôn bán trên toàn thế giới năm 2001 có nguồn gốc bất hợp pháp.

Lưới dây.

Đánh bắt bất hợp pháp còn gây tác động lớn tới các loài sinh vật biển khác cũng như các hệ sinh thái biển. Khi người đánh bắt nhằm vào những loại cá lớn, số lượng chúng ít đi và điều đó làm thay đổi cân bằng tự nhiên giữa động vật săn mồi và con mồi trong hệ sinh thái biển. Số lượng cá lớn suy giảm buộc các tàu đánh cá bất hợp pháp nhằm vào cá nhỏ hơn vốn không thể sinh sản trước khi bị bắt, làm số lượng cá suy giảm nhanh hơn. Chẳng hạn, trong một báo cáo gần đây, các nhà khoa học Canada tiết lộ mức khai thác nguồn cá biển sâu hiện nay sẽ làm cho chúng suy giảm và biến mất trong một vài năm tới.

Hoạt động đánh bắt loài cá roughy da cam ở Madagascar Ridge, Ấn Độ dương bắt đầu vào năm 1999. Các tàu đánh bắt từ ít nhất chín quốc gia đã hoạt động trên ngư trường này và nhiều quốc gia đã ký kết hoặc phê chuẩn các thoả thuận đánh bắt quốc tế. Tuy nhiên, các quốc gia đó không áp đặt hạn chế mang tính phòng ngừa đối với tàu thuyền hoạt động dọc theo Madagascar Ridge, do đó ấn định số mệnh của loài cá này chỉ trong vài năm. Vào cuối mùa đánh bắt 2003, tàu thuyền chỉ đánh bắt được một lượng nhỏ cá roughy da cam và nhiều tàu đã quay sang đánh bắt những loài cá biển sâu dễ bị tổn thương khác.

Cuộc chiến chống đánh bắt trái phép

Một số quốc gia đã bắt đầu mạnh tay chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp bằng cách tăng cường các cơ chế quản lý. Đầu năm nay, Hải quan Australia và Nam Phi đã rượt đuổi con tàu Viarsa của Uruguay với quãng đường 4.000 hải lý, luồn lách qua những tảng băng và vùng biển động trước khi bắt được nó ở giữa Nam Đại Tây dương. Con tàu này đã đánh bắt cá toothfish Patagonia bất hợp pháp ở gần ranh giới đảo Heard và đảo McDonald - khu vực biển được bảo vệ. Chi phí rượt đuổi là năm triệu đô-la Australia. Tàu Viarsa mang lượng cá toothfish trị giá hai triệu USD trong hầm chứa.

Tàu Viarsa bị bắt.

Các hiệp ước quốc tế về chủ quyền quốc gia cũng như quyền tiếp cận của tàu đánh cá đối với tài nguyên ở vùng biển sâu làm cho vấn đề đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp ngày càng phức tạp. Công ước LHQ về Luật Biển khẳng định quyền tự do tại các vùng biển sâu. Điều đó có nghĩa là tài nguyên ở vùng biển sâu không nằm trong chủ quyền quốc gia và mọi người đều có thể tiếp cận. Nguồn tài nguyên biển sâu chịu sự quy định của các điều khoản nhất định chẳng hạn nhu cầu hợp tác giữa các chính phủ, việc thiết lập những tổ chức ngư nghiệp khu vực, tối thiểu hoá tác động tới hệ sinh thái cũng như nhu cầu phục hồi và bảo vệ nguồn tài nguyên được khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, những điều khoản này thường bị phớt lờ.

Các con tàu phải được đăng ký tại một quốc gia, được gọi là ''nước treo cờ''. Nơi một con tàu được treo cờ là phần trung tâm của vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp. Một số nước không ký các thoả thuận đánh bắt và những nước ký kết không thể gây áp lực đối với các chủ tàu thuộc nước không ký kết tuân thủ các thoả thuận. Các nước không ký kết là chỗ dựa lý tưởng cho các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp.

Năm ngoái, Hải quan Australia đã tóm gọn hai tàu đánh cá toothfish bất hợp pháp bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Australia. Sau khi thẩm vấn, một bức tranh về hoạt động đánh bắt có hệ thống trên quy mô lớn chưa từng thấy đã lộ ra:

Tài liệu trên tàu cho thấy danh sách của các con tàu (tên của chúng là Austin, Boston, Champion cho tới Jackson và các con tàu K, L và M đang được đóng). Chúng là một phần của mạng lưới đánh bắt có tổ chức chuyên nghiệp với hoạt động chuyển tải, cấp nhiên liệu và trao đổi thuỷ thủ, lương thực trên biển cũng như kỹ thuật hoạt động nhằm tránh bị phát hiện. Sự phối hợp phức tạp như vậy bảo đảm rằng các con tàu đánh cá có thể ở lại vĩnh viễn trên ngư trường, trong khi lượng cá đánh bắt được cập cảng an toàn. Việc thành lập những công ty như vậy nguỵ trang nguồn gốc của cá và các sản phẩm cá để bán chúng hợp pháp trên thị trường. Cơ cấu sở hữu, nước treo cờ, cơ sở hoạt động và tên của những con tàu đó được thay đổi nhiều lần trong năm qua để che giấu mục đích và thân nhân của chúng.

Một công ty của Nga, với tên được sơn ở đằng sau hai con tàu bị bắt, là không hề tồn tại. Tàu được treo cờ tại các nước nơi quyền sở hữu công ty không phải là thông tin công khai, do vậy là bức màn hoàn chỉnh cho hoạt động bất hợp pháp, giúp chủ tàu trốn đằng sau. Jenny Hodder thuộc Liên minh Các Chủ Tàu Đánh Cá Toothfish Hợp pháp cho biết: ''Nếu hoạt động đánh cá quy mô lớn như vậy được phép tiếp tục, chắc chắn nó sẽ dẫn tới sự tuyệt chủng về thương mại của loài cá này trong vài năm tới. Những con tàu như vậy đã đánh bắt toàn bộ cá toothfish tại quần đảo Hoàng tử Edward ở Nam Phi. Ngoài ra, các lưới đánh cá dài hàng km với móc câu dính mồi cũng đe doạ tới các loài chim biển có nguy cơ tuyệt chủng do chúng mắc vào lưới''.

Quốc tế cần hành động

Vấn đề đánh cá bất hợp pháp lớn tới mức cộng đồng quốc tế phải hành động ngay từ bây giờ. Các hiệp ước song phương về hợp tác giám sát đang được thảo luận giữa Nam Phi với Pháp, giữa Nam Phi với Australia.

Theo TS Deon Nel thuộc Quỹ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) tại Nam Phi, những thoả thuận này sẽ giúp giám sát tốt hơn trong các vùng kinh tế đặc quyền xa xôi. TS Nel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trợ giúp các nước đang phát triển tăng cường giám sát ngư trường của họ. Các nước nghèo hơn thường không đủ lực để chống hoạt động đánh bắt cá trái phép, đặc biệt là tài chính và tàu tuần tra. Chẳng hạn, vào năm 2003, nhân viên bảo vệ Công viên Biển ở quần đảo Bazaruto ở Mozambique đành bất lực đứng nhìn ngư dân bất hợp pháp từ châu Á chặt đầu rùa biển bị mắc kẹt vào lưới dây và đánh bắt cá trong đường biên giới của công viên này.

Một lực lượng đặc nhiệm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã được thành lập để soạn thảo những đề xuất khả thi về cách ngăn chặn cũng như loại trừ hoạt động đánh cá bất hợp pháp, đồng thời bảo đảm rằng những đề xuất đó được thực hiện. Simon Upton, trưởng nhóm soạn thảo, tuyên bố chừng nào thế giới còn chưa sẵn sàng vén bức màn chủ quyền quanh các tàu đánh cá, chúng ta sẽ vẫn chỉ chống hoạt động đánh cá bất hợp pháp với một tay bị buộc chặt đằng sau lưng!

Chìa khoá ở đây là tìm kiếm những sáng kiến có thể liên kết các Công ước, thoả thuận, chẳng hạn như CCAMLR, để chúng bao trùm phạm vi quyết định đối với các vùng biển sâu.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang