Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy!
23:14' 04/06/2004 (GMT+7)

Với chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay: "Chúng ta muốn biển và đại dương sống hay chết?", LHQ đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khoẻ của các đại dương trên Trái đất, khuyến cáo hoạt động đánh cá không lành mạnh đang đe doạ nghiêm trọng tới san hô nước lạnh.

Dấu vết của lưới rê trên một dải đá ngầm san hô nước lạnh.

Theo báo cáo của Chương trình môi trường LHQ (UNEP) được công bố hôm nay (4/6), san hô nước lạnh - họ hàng của những loài san hô nước ấm tạo nên các dải đá ngầm nhiệt đới nổi tiếng hơn - sống ở các vùng biển không có ánh sáng mặt trời tại độ sâu 5,6km song bị đe doạ nghiêm trọng bởi hoạt động đánh bắt cá biển sâu. Các con tàu đánh cá sử dụng lưới rê đặc biệt gây hại. Giống như lưỡi hái của Thần Chết, lưới rê được kéo dọc đáy biển, tóm gọn mọi sinh vật biển trên đường đi, từ cá có giá trị cho tới những loài không thể ăn được và san hô nhạy cảm.

Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được đánh dấu bằng nhiều sự kiện từ hoạt động thu dọn rác tại cảng  Athens (Hy Lạp) và nhiều bãi biển quanh thành phố này, cho tới lễ phát động cuộc thi ảnh môi trường quốc tế tại Tokyo (Nhật Bản)và Barcelona (Tây Ban Nha).

Klaus Toefer, giám đốc UNEP, cho biết: ''Cho tới nay, hành động chính của chúng ta đối với san hô là bảo tồn và quản lý tốt hơn những loài được tìm thấy trong các vùng biển nhiệt đới ấm áp. Việc phát hiện rằng san hô nước lạnh có số lượng nhiều hơn và phân bố rộng hơn cho thấy thế giới tự nhiên vẫn đầy những ngạc nhiên. Chúng ta chỉ mới chập chững hiểu san hô nước lạnh ở đâu và vai trò của chúng như bổ sung nguồn cá biển sâu và nuôi dưỡng các sinh vật biển khác. San hô nước lạnh có thể chứa các hợp chất quan trọng và nhiều chất mà có thể là nguồn thuốc mới hay các sản phẩm công nghiệp lạ''.

Ông Toepfer nói thêm: ''Tất cả những lợi ích này có thể mất đi nếu chúng ta không quản lý tốt nguồn tài nguyên mới được khám phá này. Rõ ràng là bảo vệ san hô nhiệt đới vẫn phải là mục tiêu chính của chúng ta bởi chúng có tầm quan trọng đối với hàng triệu người nghèo tại các nước đang phát triển. Những mối đe doạ đối với san hô nước ấm còn phức tạp hơn, do sự thay đổi khí hậu và nước thải độc hại từ đất liền. Tuy nhiên, mối đe doạ lớn nhất đối với cả san hô nước lạnh và nước ấm là hoạt động đánh cá không bền vững này. Do vậy, chúng ta không chỉ có nghĩa vụ quản lý tốt ngành đánh cá biển sâu mà còn phải quản lý mọi hoạt động ngư nghiệp để gây ít áp lực hơn đối với các vùng biển nông, sâu''.

Một loài san hô nước lạnh.

Giáo sư Friewald, người vừa trở về từ một chuyến khảo sát khoa học nhằm tìm kiếm nhiều dải đá ngầm san hô nước lạnh hơn, cho biết: ''Chúng tôi tìm kiếm không chỉ các loài san hô nước lạnh mới tại các địa điểm mới mà còn cả những sinh vật liên quan chẳng hạn như ốc sên và trai. Các nhà cổ sinh vật cho rằng chúng đã tuyệt chủng cách đây chừng hai triệu năm. Quả là ngạc nhiên khi chúng tôi tìm thấy chúng vẫn còn tồn tại và mong đợi khám phá nhiều điều ngạc nhiên hơn nữa trong tương lai''!

Các nhà môi trường, những người đang thuyết phục các chính phủ giảm hoạt động đánh bắt để bảo vệ đá ngầm san hô cũng như nguồn cá mong manh, đã chỉ trích một kẻ thù đáng sợ: Nhu cầu tiêu dùng hải sản quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng đã tạo ra một thị trường hải sản lớn trị giá chừng 75 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các vùng ven bờ của nhiều quốc gia nơi những việc làm khác bị hạn chế. Theo LHQ, trên 70% nguồn cá có tầm quan trọng về thương mại bị khai thác quá mức, suy kiệt, bị đánh bắt hoàn toàn hoặc đang phục hồi chậm.

Cá và san hô.

Sự suy giảm của các loài hải sản truyền thống, được mọi người ưa thích, chẳng hạn như cá tuyết, đã khuyến khích một số ngư dân chuyển sang đánh bắt các loài cá biển sâu kỳ lạ hơn, như cá tuyết xanh hoặc cá roughey da cam. Số phận của những loài cá trên cột chặt với số phận của các loài san hô nước lạnh vốn sinh trưởng chậm, mà chúng cư ngụ ở trong và xung quanh các rạn san hô này. Thật khó có thể bắt được các loài cá biển sâu này nếu không làm tổn hại hoặc huỷ hoại dải đá ngầm san hô.

Ngay cả khi hoạt động đánh bắt cá biển sâu bị hạn chế thì khai thác dầu, đổ chất thải và các tuyến cáp viễn thông dưới biển vẫn đe doạ những dải san hô mong manh ở vùng biển lạnh. Được tìm thấy tại các vùng biển từ Na Uy cho tới New Zealand, một số dải san hô nước lạnh ở Đông Đại Tây dương đã bị huỷ hoại. Có ít hy vọng rằng chúng sẽ phục hồi trong một thời gian ngắn vì san hô nước lạnh sinh trưởng chỉ bằng 1/10 tốc độ của san hô nước ấm - họ hàng nhiệt đới của chúng.

Đôi  điều về san nước lạnh

Không giống như họ hàng nước ấm ở vùng nhiệt đới, được con người biết tới nhiều hơn, san hô nước lạnh thường được tìm thấy ở những vùng biển sâu và lạnh hơn, dọc theo các mép thềm lục địa, tại các vịnh hẹp, quanh miệng phun nhiệt và núi trên đáy biển. Sống tại các vùng nước có nhiệt độ từ 4-13 độ C, san hô nước lạnh sinh trưởng dưới độ sâu 200-1.000m. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có thể tìm ra chúng ở độ sâu 40-6.300m.

San hô nước lạnh là một phần của một nhóm các sinh vật tên là Cnidaria, nghĩa là cây tầm ma có ngòi châm. Cnidaria bao gồm cả cỏ chân ngỗng và bút biển. Chúng có họ gần với các loài san hô hình thành nên những dải đá ngầm ở các vùng biển nhiệt đới ấm áp. Sống trong bóng tối, san hô nuowsc lạnh ăn sinh vật phù du hoặc các chất hữu cơ khác. Chúng không có tảo cộng sinh như san hô ở các vùng biển nông được mặt trời sưởi ấm.

Một loại trai sống trong dải đá ngầm san hô nước lạnh.

Phương pháp xác định niên đại bằng các-bon cho thấy nhiều dải đá ngầm san hô nước lạnh thọ tới 8.000 năm. Các loài giáp xác, cá, nhím biển và sao biển hình thành nên một phần cộng đồng đa dạng, phong phú, được dải đá ngầm san hô nước lạnh hỗ trợ. Sự phát triển của công nghệ camera phức tạp dưới nước và thiết bị thăm dò biển sâu đã làm sáng tỏ vị trí của san hô nước lạnh. So với hơn 700 loài san hô nước ấm, chỉ có sáu loài san hô nước lạnh chủ yếu tạo nên các dải đá ngầm. Một số dải đá ngầm san hô khi được kết hợp lại còn lớn hơn cả dải đá ngầm san hô nhiệt đới Great Barrier nổi tiếng hơn của Australia.

San hô trắng Lophelia tồn tại khắp Đại Tây dương, bao gồm ngoài khơi Galicia (Tây Ban Nha), vịnh Biscay, biển Caribbean và nhiều vùng ở Địa Trung Hải (biển Alboran, Ligurian và Ionian, eo biển Gibraltar). Một vành đai san hô trắng dày đặc sinh trưởng từ vùng Đông Nam biển Barents, dọc Đông Đại Tây dương, tới Tây Phi và Mauritania. Một vành đai khác đang được khám phá dọc Tây Đại Tây dương, từ Nova Scotia tới eo biển Florida và vịnh Mexico. San hô trắng sống ở vùng nước nông chừng 40m tại Trondheimsfjord, Na Uy. San hô trắng sống ở vùng nước sâu nhất, trên 3.300m, tại New England Seamount Chain, Bắc Đại Tây dương. Ngoài ra, san hô trắng còn được phát hiện tại New Zealand. Dải đá ngầm san hô trắng lớn nhất, được phát hiện vào năm 2002 ở Tây Nam quần đảo Lofoten, Na Uy, có diện tích gần 100km2.

Một loài san hô nước lạnh khác là Madrepora, được tìm thấy ở Đông Bắc và Tây Đại Tây dương cũng như Địa Trung Hải. Người ta dò thấy chúng ở Na Uy và Drake Passage gần Nam Cực. San hô Madrepora sống ở độ sâu nông nhất (60-120m) ngoài khơi bờ biển Brazil và chừng 1.700m ngoài khơi quần đảo Cape Verde.

San hô Oculina tồn tại ở biển Caribbean, vịnh Mexico và Đại Tây dương. Khu bảo tồn Oculina, được thiết lập vào năm 1984 ngoài khơi Florida, là một trong những dải san hô nước lạnh đầu tiên được bảo vệ khỏi lưới rê và mỏ neo của tàu thuyền. San hô Enallopsammia tồn tại ở Antilles (Caribbean) tới các vùng nước ngoài khơi Massachusetts, Miami, Florida và Nam Carolina.

Goniocorella và Solenosmilia là nhóm san hô nước lạnh ít được nghiên cứu. Goniocorella tồn tại ở ngoài khơi các quốc gia như New Zealand, miền Nam châu Phi và Indonesia. Solenosmilia tồn tại ở Nam Thái Bình dương, Đại Tây dương.

Ngoài ra, còn có san hô quý (được gọi như vậy bởi chúng được sử dụng phổ biến làm trang sức) tồn tại ở các núi dưới đáy biển tại quần đảo Hawaii, Brazil. San hô nước lạnh được tìm thấy ở quần đảo Galapagos, Bắc Thái Bình dương và Tây Đại Tây dương.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhạy cảm san hô: Lời kêu cứu từ biển
Săn cá san hô: Sinh nghề tử nghiệp!
Cá cảnh trốn thoát đe doạ hệ sinh thái biển
Những khoản vay nhỏ để... sống và bảo tồn biển
Đà Nẵng: Các rạn san hô vùng ven bờ bị đe dọa
Dải đá ngầm san hô Caribbean sắp biến mất?
CÁC TIN KHÁC:
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang