(VietNamNet) - Một trong những chỉ số đánh giá trình độ phát triển KH-CN của một quốc gia là tỷ lệ số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế, và số bằng sáng chế được cấp trên dân số của quốc gia đó. Vậy mà lâu nay, hầu hết các sáng chế công nghệ ở Việt Nam đều nằm trong tay nước ngoài. Trong khi đó, từ năm 1976 đến nay chỉ có 21 sáng chế của người Việt Nam được cấp bằng sáng chế của Mỹ (phần lớn là người Việt đứng tên đồng tác giả). Trao đổi với nhà khoa học đầu tiên trong nước được Mỹ cấp bằng sáng chế.
Vì sao đăng ký sáng chế ở Mỹ?
Đó là ông VXM, hiện đang công tác tại Viện Khoa học - Công nghệ Quốc gia. Bằng sáng chế về "Nhà máy năng lượng gió có hệ gia tốc tổng hợp" (Wind power plant with an integrated acceleration system) của ông được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office - viết tắt là USPTO) cấp ngày 9/11/1999, với mã số 5 982 046.
|
Trang web của USPTO về bằng sáng chế số 5 982 046 của ông VXM. | Theo ông VXM, sáng chế này sẽ giúp tăng hiệu suất của nhà máy tạo năng lượng điện từ gió lên hàng trăm lần (hiệu suất của các động cơ loại này hiện nay chỉ ở mức dưới 59%). Tuy vậy, con đường để ông VXM đạt được bằng sáng chế do USPTO cấp quả thật đầy vất vả, chông gai... như lời ông kể khi chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở ngõ 24, phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Nhà khoa học trạc ngoài 60 tuổi yêu cầu chúng tôi không đăng ảnh, cũng không đăng nguyên họ tên đầy đủ của ông trong bài. Xin phép ghi lại câu chuyện của ông, để bạn đọc cùng theo dõi:
"... Vào thời điểm những năm 1990, tôi có một đề tài nghiên cứu về năng lượng gió. Thế nhưng ở chỗ tôi làm việc, người ta không xem nghiên cứu đó của tôi xứng đáng là một đề tài nghiên cứu khoa học! Quá bức xúc, tôi có ý muốn đăng ký sáng chế của mình. Qua tìm hiểu ở người quen, tôi được biết việc đăng ký sáng chế ở trong nước có nhiều phức tạp. Vì vậy, tôi muốn thử đăng ký sáng chế ở Mỹ. Hồi ấy, ở ta Internet chưa phổ biến nên việc đăng ký một sáng chế ở Mỹ thật không dễ dàng chút nào...
TS Phạm Đình Chướng, cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ: |
Cho đến nay, hầu hết các sáng chế công nghệ ở Việt Nam đều nằm trong tay nước ngoài.
Kết quả đăng ký công nghệ tại Việt Nam giai đoạn 1995-2003 cho thấy: Tỷ lệ đơn sáng chế của người Việt Nam trung bình chỉ chiếm 3,4% trong tổng số đơn sáng chế nộp tại Việt Nam (còn lại là của nước ngoài - 96,6%).
Số sáng chế của người Việt còn thấp hơn nữa, chỉ chiếm 1,3% tổng số sáng chế được cấp bằng.
Số đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 1981-2001 ở Việt Nam
Năm |
Số đơn sáng chế |
Của người Việt Nam |
Của người nước ngoài |
Tổng số |
1981-1988 |
453 |
7 |
460 |
1989 |
53 |
18 |
71 |
1990 |
62 |
17 |
79 |
1991 |
39 |
25 |
64 |
1992 |
34 |
49 |
83 |
1993 |
33 |
194 |
227 |
1994 |
22 |
270 |
292 |
1995 |
23 |
659 |
682 |
1996 |
37 |
971 |
1008 |
1997 |
30 |
1234 |
1264 |
1998 |
25 |
1080 |
1105 |
1999 |
35 |
1107 |
1142 |
2000 |
34 |
1205 |
1239 |
2001 |
52 |
1234 |
1286 |
1981-2001 |
932 (11%) |
8070 (89%) |
9002 (100%) | |
(Nguồn: Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH-CN) |
Tôi tìm đến một công ty luật nước ngoài có văn phòng đại diện ở Hà Nội. Ở đó, người ta bảo không thấy có khách hàng Việt Nam có nhu cầu đăng ký sáng chế ở Mỹ, song họ cũng đồng ý giúp tôi. Theo bảng chiết tính các khoản dịch vụ mà họ gởi cho tôi, giá lên đến cả chục ngàn đô-la Mỹ. Làm sao tôi có thể kham nỗi một số tiền lớn như vậy? Chỉ còn cách tự lực đăng ký.
Vậy là tôi quay sang tìm tài liệu về thủ tục đăng ký sáng chế ở Mỹ. Tôi đến Cục Sở hữu Công nghiệp, đến thư viện lục tìm tài liệu. Vào thời điểm này, mới bắt đầu có Internet nên tôi cũng cố gắng xoay xở để tìm tài liệu qua Internet. Đọc, đọc, đọc và nghiên cứu các quy định của Mỹ về việc cấp bằng sáng chế...
Tất nhiên, rất khó khăn khi phải đọc trực tiếp từ tiếng Anh những thuật ngữ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên ngành sở hữu công nghiệp. Sau khi đã hiểu được quy định, thủ tục của Mỹ về vấn đề cấp bằng sáng chế, tôi tự mình làm hồ sơ và gởi trực tiếp đến USPTO ở Mỹ theo đường bưu điện. Thế rồi, tôi cũng nhận được hướng dẫn của họ về việc sửa chữa, bổ sung tài liệu. Khi đã hoàn thiện hồ sơ, tôi lại liên lạc với họ để gởi hồ sơ sang USPTO ở Mỹ. Đồng thời, nộp lệ phí ngay lúc nộp đơn là hơn 500 USD. Lúc đó là vào ngày 29/4/1999.
Đến tháng 11/1999, tôi được USPTO chấp thuận cấp bằng sáng chế. Khi họ thông báo chấp thuận cấp bằng, tôi đóng lệ phí khoảng 700 USD nữa. Như vậy, thời gian cấp bằng kể từ ngày nộp đơn chỉ mất có sáu tháng! Hiện tại, do đã khá rành quy định, thủ tục của Mỹ về việc cấp bằng sáng chế nên tôi đang làm hồ sơ để đăng ký USPTO cấp bằng sáng chế cho một nghiên cứu mới của tôi...".
"Bao nhiêu tỷ đồng nghiên cứu KH-CN, sao ít bằng sáng chế thế?!"
Ông có thể nêu rõ hơn các quy định, thủ tục khi đăng ký cấp bằng sáng chế với USPTO?
- Ông VXM: Theo tôi, việc đăng ký sáng chế ở Mỹ không phải là việc quá phức tạp bởi luật lệ của họ rõ ràng, minh bạch. Cũng không đòi hỏi phải công chứng, chứng thực... khá phiền toái. Yêu cầu của họ là chữ ký của người nộp đơn. Điều đó đồng nghĩa với việc người nộp đơn đăng ký sáng chế tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Trong hồ sơ, người nộp đơn đăng ký cũng phải tra cứu và cho biết xem đã có những công trình nào trong lĩnh vực đề tài mà mình định đăng ký sáng chế, đặc điểm của những công trình đó và so sánh để chứng minh nghiên cứu của mình có đặc điểm gì mới, ưu việt hơn những công trình trước đó. Tất cả đều có mẫu biểu rõ ràng.
Hồ sơ gồm một bản thuyết minh kỹ thuật để mô tả chi tiết sáng chế của mình (bao gồm cả sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh... nếu có), đơn đăng ký cấp bằng sáng chế (ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người sáng chế, số trang thuyết minh kỹ thuật, số bản vẽ...), đơn tuyên thệ (khẳng định sáng chế mà mình định xin cấp bằng là do mình tự nghĩ và làm ra), đơn xác nhận mình thuộc thực thể nào (nhà sáng chế độc lập, đơn vị nhỏ (dưới 500 nhân viên), hay là đơn vị lớn, và do mình tự khai, tự chịu trách nhiệm, đơn tự kê khai các khoản lệ phí phải nộp.
Về lệ phí đăng ký, USPTO công bố hàng năm. Đối với những nhà sáng chế độc lập và những đơn vị nhỏ (có dưới 500 nhân viên), USPTO giảm lệ phí 50%. Nhưng trường hợp sáng chế đó được các đơn vị lớn (có trên 500 nhân viên) mua và ứng dụng vào thực tế, người được USPTO cấp bằng sáng chế phải hoàn lại 50% số tiền mà họ đã giảm khi ta đăng ký sáng chế. Định kỳ cứ ba năm rưỡi một lần, người được USPTO cấp bằng sáng chế phải đóng tiền duy trì hiệu lực của bằng. Trong trường hợp của tôi, vừa qua, sau 3,5 năm kể từ khi nộp đơn , tôi đã đóng khoảng 400 USD để duy trì hiệu lực bảo hộ bằng sáng chế.
Thế nhưng tại sao ông lại chọn nước Mỹ để đăng ký sáng chế của mình mà không phải là nước nào khác?
|
Mỹ chiếm 47% công suất năng lượng gió trên thế giới. |
- Đó là vì sáng chế của tôi thuộc ngành năng lượng gió, một ngành công nghiệp rất phát triển ở Mỹ (Mỹ chiếm 47% công suất năng lượng gió trên thế giới). Bản thân nước Mỹ cũng là một nước công nghiệp phát triển và coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, do đó có nhiều khả năng ứng dụng sáng chế của tôi, vốn đòi hỏi đầu tư lớn, lên đến hàng triệu USD. Mặt khác, việc cấp bằng sáng chế ở Mỹ rất chặt chẽ, khắt khe nên qua đó, bằng sáng chế được Mỹ cấp có một giá trị uy tín lớn.
Qua theo dõi tình hình đăng ký cấp bằng sáng chế, ông hẳn nghiệm ra nhiều điều có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN)?
- Theo tôi, hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất chú trọng đến vấn đề bằng sáng chế. Lý do là vì tỷ lệ số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế, số bằng sáng chế được cấp trên dân số một nước cho thấy trình độ phát triển KH-CN của một nước.
Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2001, tổng số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế và bằng sáng chế được cấp của Mỹ là 190.907 đơn, bằng; Nhật:388.390 đơn, bằng; Hàn Quốc: 74.001 đơn, bằng; Trung Quốc: 30.320 đơn, bằng.
Qua đó, ta có thể thấy Trung Quốc đã bắt đầu chú trọng đến vấn đề phát minh, sáng chế. Nhờ vào những sáng chế của mình, Trung Quốc có thể cải tiến chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng cường cạnh tranh trên thế giới. Đáng tiếc là ở ta, nhiều người vẫn cứ ngộ nhận Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh chỉ là nhờ vào giá nhân công thấp.
Cũng theo số liệu nói trên của WIPO, thì số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế và bằng sáng chế của người Việt Nam được cấp ở nước ngoài là... 0 đơn, bằng! Cứ như thế này, đến năm 2050, Việt Nam làm sao có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển được!
Đâu là kết luận của ông về mối liên quan giữa quản lý Kh-CN với vấn đề nghiên cứu và cấp bằng sáng chế ở Việt Nam?
- Mỗi năm, Nhà nước chi bao nhiêu tỷ đồng cho nghiên cứu KH-CN nhưng thử hỏi có bao nhiêu bằng sáng chế được cấp ở trong và ngoài nước? Tôi e rằng với cung cách lãnh đạo, quản lý KH-CN như hiện nay thì thật là... lãng phí.
Theo thống kê trên thế giới, cứ mười sáng chế thì sẽ có một được ứng dụng vào thực tế. Vậy mà không hiểu vì sao Nhà nước ta vẫn chưa tích cực đẩy mạnh vấn đề này. Lẽ ra, Nhà nước cần có chế độ, chính sách khuyến khích các các nhà khoa học đăng ký sáng chế, kể cả hỗ trợ kinh phí cho nhà khoa học đăng ký sáng chế ở trong và ngoài nước...
Trong bối cảnh đó, những cố gắng của tôi chỉ là nỗ lực tự thân và tôi không muốn nói nhiều về mình. Bởi đã có quá nhiều người chỉ thích “hữu danh” nhưng lại “vô thực”. Còn tôi, tôi chỉ muốn lặng lẽ để làm một điều gì đó “có thực”, chứ không phải để được “nổi tiếng”!
● Nông Khắc Ý (thực hiện)
Tin, bài liên quan:
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu?
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính...
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! |