Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới
21:57' 07/06/2004 (GMT+7)

Người mua, người bán, nhà môi giới, luật sư và nhiều chuyên gia sẽ tụ họp trên bờ sông Rhine, Đức vào thứ tư tới (9/6) để khai trương ngành kinh doanh mới của một thế giới đang ấm dần lên: khí thải carbon.

Tổng lượng khí CO2 mà con người phát thải hàng ngày trên thế giới, do đốt than, dầu và những loại nhiên liệu hoá thạch khác, cao hơn 11% so với cách đây mười năm.

Hội chợ Carbon Expo, kéo dài ba ngày ở Cologne, dành cho những người buôn bán carbon dioxide, hay nói đúng hơn là mua và bán giấy phép thải loại khí bị quy là gây ấm hoá toàn cầu này. Buôn bán khí CO2 là nỗ lực của toàn châu Âu nhằm sử dụng cung - cầu để kiểm soát khí thải, cũng như bảo vệ khí hậu theo tinh thần của Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, cung đang vượt xa cầu tại châu Âu và giá cả đã giảm một nửa.

Hơn sáu năm sau khi các chính phủ đàm phán Nghị định thư mang tính lịch sử này tại Kyoto (Nhật Bản), thế giới đang... dừng bước. Trên thực tế, Nghị định thư Kyoto vẫn chưa có hiệu lực vì nó chưa được phê chuẩn bởi các nước công nghiệp vốn phát thải đến 55% lượng khí nhà kính như CO- loại khí bẫy nhiệt trong khí quyển. Sự phê chuẩn của Nga vào cuối năm nay sẽ làm Nghị định thư có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay cả lúc đó, Nghị định thư vẫn sẽ có ít tác động bởi lượng khí thải bị cắt giảm hầu như không làm chậm tốc độ gia tăng của khí nhà kính và nước phát thải nhiều nhất là Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc.

Các nhà khoa học ngày càng lo lắng. Nhà khí hậu học David Pierce thuộc Viện Hải dương học Scripps tại San Diego cho biết: ''Giá mà COcó... màu và mọi người nhìn thấy bầu trời ngày càng tối hơn, họ sẽ nhận thấy điều đang diễn ra''. Điều đang diễn ra là tổng lượng COmà con người phát thải hàng ngày trên thế giới, do đốt than, dầu và những loại nhiên liệu hoá thạch khác, cao hơn 11% so với cách đây mười năm. Theo Nghị định thư Kyoto, tới năm 2012, các nước công nghiệp sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức thấp hơn 8% so với năm 1990.

Trong khi đó, hành tinh của chúng ta đang ấm dần lên. Theo báo cáo của các nhà khoa học NASA, nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ F từ năm 1981 tới năm 1998. Theo Tiểu ban Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu, nếu lượng khí phát thải nhà kính không được cắt giảm sớm, nhiệt độ có thể tăng thêm vài độ nữa, làm mở rộng đại dương, gây hạn hán, làm thay đổi thời tiết theo cách không thể dự đoán được.

Những năm gần đây, người ta đã chứng kiến sự gia tăng lượng thuỷ ngân và sự phản đối chính trị ở Mỹ về giảm lượng khí thải từ ô-tô và nhà máy điện, buộc áp đặt thuế năng lượng hoặc tiến hành những biện pháp khác để ổn định mức khí thải. Lý do đưa ra là chi phí năng lượng cao sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ. Các phân tích kinh tế cho thấy mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm 112-2.700 USD/năm để tuân thủ Nghị định thư Kyoto và nhiều người sẽ mất việc làm. Các nhà môi trường lại lập luận những dự đoán trên không tính tới sự tăng trưởng của năng lượng mới cũng như chi phí chẳng làm gì cả.

Theo nhà kinh tế Mỹ Jeffrey D. Sachs và một số chuyên gia khác, mọi kế hoạch phải đưa vào cơ chế ''hạn chế và buôn bán''. Theo đó, mức phát thải khí nhà kính được áp đặt và các công ty phát thải ít khí hơn so với mức cho phép có thể bán phần chưa sử dụng cho những công ty vượt mức, nhằm thúc đẩy nỗ lực và công nghệ kiềm chế khí thải. Cơ chế của châu Âu là lớn nhất và nhiều tham vọng nhất cho tới nay. Margot Wallstrom, uỷ viên môi trường của EU, cho biết: ''Chúng tôi muốn chứng tỏ cơ chế đó khả thi bằng cách sử dụng các công cụ thị trường''.

25 quốc gia thành viên của EU đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào năm 2002 và đưa các điều khoản của nó vào Luật châu Âu. Như vậy, dù Nghị định thư có hiệu lực ở nơi khác hay không thì tới năm 2012, châu Âu vẫn phải giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức thấp hơn 8% so với năm 1990 thông qua công thức chia sẻ gánh nặng cho mỗi nước thành viên. EU đã đạt được tiến bộ mặc dù khá chậm chạp. Lượng khí phát thải hiện giờ thấp hơn 2% so với năm 1990, chủ yếu nhờ sự giảm lớn ở Đức và Anh. Để thúc đẩy hoạt động buôn bán, chính phủ các nước đang phân bổ hạn ngạch COcho khoảng 12.000 nhà máy khắp lục địa châu Âu, từ nhà máy điện, lọc dầu cho tới nhà máy giấy và xi măng.

Những giấy phép đó và khả năng buôn bán chúng kể từ ngày 1/1/2005 chính là thứ thu hút đại diện của các công ty, thương gia công nghệ, chuyên gia luật pháp và thương nhân tương lai tới Cologne tham dự Carbon Expo. Tuy nhiên, khi kế hoạch phân bổ hạn ngạch quốc gia được tuyên bố, thị trường COđã mất đi một số sức bật của nó. Kế hoạch này làm tan vỡ mọi kỳ vọng: Trong giai đoạn đầu, Berlin chỉ cắt giảm hai triệu tấn CO2 trong tổng số 505 triệu tấn CO2 phát thải hàng năm của Đức. Tiếp theo Đức, các nước EU khác cũng soạn thảo kế hoạch tương tự. Với hàng trăm triệu tấn CO2 được giao dịch như vậy song có rất ít người muốn mua, giá cả đầu cơ trên thị trường CO2 giảm gần 50%, từ mức gần 16 USD/tấn CO2 vào tháng 1.

Stephan Singer, nhà môi trường hàng đầu của châu Âu, phàn nàn rằng chính phủ Đức đầu hàng trước sự vận động của ngành than. Wallstrom cho biết: ''Với sự suy thoái kinh tế tại châu Âu và tình hình chính trị khó khăn, chúng ta không mong đợi họ sẽ đưa ra những kế hoạch cực kỳ tham vọng. Về tương lai của ngành kinh doanh CO2, chúng ta không di chuyển một bước duy nhất. Một số bước khích lệ cũng đang được thực hiện ở phía bên kia của Đại Tây dương''. Với sự ủng hộ của các thống đốc thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hoà, mười bang tại vùng Đông Bắc của Mỹ đang soạn thảo kế hoạch ''hạn chế và buôn bán'' của họ đối với nhà máy điện và CO2. Kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng 4/2005.

Một số người coi kế hoạch trên là ''Kyoto cửa hậu'' tiềm năng, một hạt giống chống lại chính quyền của Tổng thống Bush. Nó có thể mở ra việc buôn bán CO2 giữa châu Âu và các bang của Mỹ. Trong khí đó tại Washington, một "Nghị định thư Kyoto cửa trước" đang được đề xuất tại Thượng nghị viện. Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman, D-Conn, John McCain, R-Ariz, đã đưa ra dự luật hạn chế mức khí thải nhà kính của Mỹ tới năm 2010 còn ở mức năm 2000, và thành lập hệ thống buôn bán khí thải. Dự luật tương tự không được thông qua tại Thượng viện năm ngoái song một nhóm nghị sĩ tại Hạ viện, gồm cả hai đảng, hiện ủng hộ dự luật này. Thượng nghị sĩ John Kerry, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng ủng hộ dự luật.

Nghị định thư Kyoto yêu cầu Mỹ tới năm 2012, nước chiếm 5% dân số thế giới song lại phát thải 25% lượng khí CO2, giảm lượng khí nhà kính xuống mức thấp hơn 7% so với năm 1990. Tổng thống Bush bác bỏ Nghị định thư này, coi nó là không đủ bằng chứng khoa học và là mối đe doạ đối với nền kinh tế Mỹ. Thay vào đó, chính phủ Mỹ kêu gọi ngành công nghiệp tự nguyện giảm lượng khí phát thải và tiếp tục tài trợ để nghiên cứu khí hậu cũng như công nghệ năng lượng sạch. Ông Bush cũng phàn nàn rằng Nghị định thư Kyoto không áp đặt hạn ngạch đối với Trung Quốc. một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác và các nước nghèo.

Trung Quốc đang dần trở thành một nước đốt nhiều than đá. Một số người gợi ý nước này phải tuân thủ những tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc chịu hạn ngạch thải khí nhà kính như các nước công nghiệp. Những người khác lại gợi ý phương Tây cung cấp cho ngành điện hạt nhân của Trung Quốc những công nghệ tiên tiến hơn để giúp họ loại bỏ sử dụng than đá.

  • Minh Sơn (tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang