"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES
06:11' 10/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Từ ngày 15/5/2004, việc buôn bán cá ngựa trên phạm vi toàn cầu được kiểm soát theo Công ước CITES về buôn bán quốc tế đối với các loài động - thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thắng lợi này bắt nguồn từ nhiều phía, song đáng kể nhất là từ hành  trình xuyên suốt của "Bà Cá ngựa": TS Amanda Vincent.

Từ tháng 11/2002, theo đề nghị của Mỹ, hội nghị 161 nước thành viên của Công ước CITES đã thống nhất bổ sung vào Phụ lục II CITES tất cả 33 loài cá ngựa được biết đến cho đến nay trên Trái đất.

Điều này hàm nghĩa: Từ ngày 15/5/2004, khi quyết định này bắt đầu có hiệu lực, 161 nước tham gia Công ước CITES phải đảm bảo việc mua bán cá ngựa vì mục đích thương mại sẽ không gây thiệt hại cho sự tồn tại và phát triển bền vững của cá ngựa trong tự nhiên.

Tuy vậy, đã có bốn nước là Indonesia, Nhật, Na Uy, và Hàn Quốc chống lại quy định này của CITES về buôn bán cá ngựa!

Sức ép chủ yếu: Từ nhu cầu... "cường dương, bổ thận"

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc từ giữa những năm 1980 có thể là nguyên nhân chính tạo ra một nhu cầu lớn về tiêu thụ cá ngựa ở nhiều nước. Qua hơn 400 cuộc phỏng vấn khắp châu Á và dựa vào con số thống kê của Hải quan ở một số nước, sơ bộ có thể nêu con số tối thiểu 25 triệu cá ngựa (hơn 70 tấn) được tiêu thụ trên toàn thế giới trong năm 2001. Mặc dù thị trường chủ yếu là châu Á song vẫn có nhiều nước ngoài châu lục này cũng nhập khẩu cá ngựa khô để làm thuốc, cùng cá ngựa sống cho các bể cá cảnh.

Trong YHCT Trung Hoa, nhiều y văn cổ có đề cập đến việc sử dụng cá ngựa từ khoảng sáu thế kỷ trước.

Bản thảo Cương mục thập di của Triệu Học Mẫn (1765, Trung Quốc) ghi: Có thể chế biến cá ngựa theo nhiều cách như sấy rồi tán nhỏ, uống ngày ba lần theo dạng bột hay viên; hoặc ngâm ba cặp cá ngựa - ba cá cái và ba cá đực - vào rượu có hồi, quế và một số dược liệu có tinh dầu...

Cá ngựa cũng được sử dụng trong các hệ YHCT khác như Jamu (Indonesia), Hanyak (Hàn Quốc), Kanpo (Nhật Bản) và trong YHCT của Việt Nam, Malaysia, Brazil. Tuy vậy, cho tới nay người ta vẫn chưa biết được chất hoạt tính nào trong cơ thể cá ngựa có tác dụng về y dược.

Theo GS Đỗ Tất Lợi, cá ngựa là một vị thuốc bổ có tác dụng kích thích về sinh dục, thường dùng cho người giá yếu, phụ nữ vô sinh hoặc thai ra khó; trong nhiều trường hợp có thể trị bệnh hen suyễn.

Cá ngựa phơi khô ở Philippines.

Từ  Ecuador tới Italia, từ Mozambique đến Mỹ... có ít nhất  77 nước và lãnh thổ tham gia mua bán cá ngựa để cung cấp chủ yếu cho các cộng đồng người Hoa trên thế giới. Nhập khẩu nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Xuất khẩu cá ngựa nhiều nhất: Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, và Philippines. (Đặc biệt, Mozambique được xem là "quốc gia đánh bắt cá ngựa", do ngư dân nước này có thể bắt cá ngựa bằng... tay và bằng giã cào kéo lưới sát tận đáy, từng đạt mức kỷ lục 1kg/ngày cho mỗi thuyền!)

Theo cuốn phim video do Viện Nuôi trồng Xiamen thực hiện, người Trung Quốc nói: "Bắc nhân sâm, Nam hải mã" (Bắc: sâm Cao Ly; Nam: Trung Quốc xếp cá ngựa vào một trong bốn thứ vật báu của biển - "hải bảo").

Theo TS Amanda Vincent (ĐH British Columbia, Canada), mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tối thiểu 20 tấn cá ngựa khô (khoảng năm - sáu triệu con), nên nhu cầu đã vượt quá khả năng của nguồn đánh bắt nội địa. Tại Trung Quốc, có nhiều công ty sản xuất các loại dược phẩm theo y học cổ truyền (YHCT) cần một - hai tấn cá ngựa khô mỗi năm cho từng doanh nghiệp trong số này. Thậm chí một nhà nhập khẩu ở Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) từng tuyên bố có một cơ quan cấp Bộ của Việt Nam (?) đã hứa cung cấp... 500kg cá ngựa khô hàng năm. Tuy vậy, ông ta cho rằng số lượng này chưa thấm thía gì nên đã tìm sang tận Hà Nội để "dàn xếp" mua thêm!

Với YHCT Trung Hoa: Cá ngựa = Hải bảo!
Qua 57 cuộc phỏng vấn được tiến hành ở miền Nam Trung Quốc hồi những năm 1993-1995, TS Amanda Vincent cho biết người Trung Quốc đánh giá cao cá ngựa khô Việt Nam do có màu sáng, lớn và nhẵn. Trong khi đó, loại cá ngựa đen, ốm và có nhiều gai được nhập từ Malaysia hay một số nước Đông Nam Á khác, hay từ Nhật Bản sang, đã bị xếp vào "cấp thấp" và thu mua với giá rẻ hơn nhiều.

TS Amanda Vincent cũng cho biết: Nhu cầu cá ngựa khô tại Trung Quốc tăng mỗi năm khoảng 8-10%, song cá ngựa của họ ngày càng ít và... nhỏ vì nguồn lợi này đang tiếp tục suy giảm nhanh ở Trung Quốc vì nạn đánh cá bằng mìn, vì hệ sinh thái rừng ngập mặn bị giảm mất trên 30.000ha, và cũng vì phương thức đánh bắt thuỷ sản bằng giã cào đã làm cạn kiệt nhiều loài...

Một nhà sản xuất quốc doanh lớn của Trung Quốc nói rằng 80-90% số lượng cá ngựa sử dụng hàng năm để chế dược phẩm YHCT tại công ty mình đều lấy từ nguồn nhập khẩu. "Việt Nam gần, giá cá ngựa Việt Nam rẻ và chất lượng lại tốt, đặc biệt loại lớn cỡ 250mmm chỉ còn tìm thấy ở Việt Nam dù số lượng ngày càng giảm. Những điều đó làm chúng tôi... ái mộ cá ngựa khô của Việt Nam!" - nhiều nhà sản xuất dược phẩm YHCT đã trả lời như vậy. Còn Luo Z., một nhà sinh học lớn tuổi ở Nam Trung Quốc, thì tin rằng ít ra cá ngựa Việt Nam cũng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường ở tỉnh Quảng Tây để làm nguyên liệu chế thuốc trị bệnh suy hô hấp và bệnh hen suyễn, nhất là để chế loại thuốc tráng dương (aphrodisiac)! Vì vậy, ngày nay cho dù cá ngựa khô của Việt Nam có bị "sự cố" khi vận chuyển vẫn được thị trường Trung Quốc chấp nhận: Họ thu mua để đưa vào các... xưởng bào chế, thay vì ngâm ruợu nguyên con...

Ngoài thị trường dược phẩm YHCT kiểu Trung Quốc thu hút lớn việc đánh bắt và buôn bán cá ngựa trên toàn thế giới, mỗi năm còn có hàng trăm ngàn cá ngựa sống được bán cho các bể cá gia đình tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan,...

Trang trí cây thông Giáng sinh với... cá ngựa khô.

Tại Indonesia, trẻ em ở Molucca lặn xuống biển hay chờ thuỷ triều rút để bắt cá ngựa mà đổi... kẹo. Các tay thu mua sẵn sàng đổi mọi con cá ngựa do trẻ bắt (sống thì đem bán cho các bể cá xuất sang tận Los Angeles - Mỹ qua đường hàng không, còn chết thì đem phơi khô bán làm thuốc).

Tính ra, Indonesia có thể xuất mỗi năm khoảng 65.000 cá ngựa sống cho Úc, bắc Mỹ, châu Âu và Đài loan. Tối thiểu có 14 nhà xuất khẩu loại này hoạt động từ Denpasar tới đảo Bali, song tậ trung hầu hết ở Denpasar và thủ đô Jakarta vì những nơi này có sân bay quốc tế. Nổi đình nổi đám nhất là một doanh nghiệp với trên 100 nhân viên, công bố nguồn thu nhập quan trọng của họ là từ xuất khẩu cá ngựa sống (khoảng 50 con/tuần)!

"Bà Cá ngựa" đến Việt Nam...

Cá ngựa đực đang "sinh" con!

Do có cái đầu tựa đầu ngựa nên loài cá biển này được mang tên "cá ngựa". Tất cả các loài cá ngựa đều mang cùng tên gốc là Hippocampus, được tạo bởi các từ nguyên Hy Lạp hippos  (ngựa) và campus (quỷ biển). Tiếng Trung Quốc cũng gọi loài cá này là hải mã (ngựa biển).

Trên thế giới, có khoảng 35 loài cá ngựa nhưng có tới... 150 tên gọi được ghi nhận (nhiều tên chỉ trùng một số  loài, trong khi một số loài chưa có tên). Thật sự, dù đã bước sang thế kỷ XXI song loài người vẫn chưa hề có những hiểu biết đầy đủ về cá ngựa, cũng như chưa phát hiện đầy đủ số loài cá ngựa trên hành tinh này.

Tại Việt Nam, có tối thiểu tám loài cá ngựa được tìm thấy, sống chủ yếu ở các rạn san hô, các thảm cỏ biển và ở cửa sông dọc theo bờ biển. Trong đó, Sách Đỏ Việt Nam đã nêu tới bốn loài cá ngựa thuộc loại "dễ bị tổn thương" do không còn nhiều ở biển Việt Nam: Hippocampus hytrix, H. kuda, H. kelloggiH. trimaculatus.

Một "bà đầm" cao to, tóc màu vàng rơm thường kẹp kiểu đuôi gà. Đó là hình ảnh quen thuộc của bà Amanda Vincent trong con mắt của ngư dân ở một số làng chài tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Nhiều lúc, họ còn gọi bà tiến sĩ này là... "Bà Cá ngựa"!

TS Amanda Vincent hiện là giáo sư về bảo tồn biển tại Trung tâm Nghề Cá, thuộc ĐH British Columbia (Canada). Bà là người đầu tiên nghiên cứu cá ngựa ngoài biển khơi, người đầu tiên thu thập tư liệu về sự gia tăng buôn bán cá ngựa trên thế giới, và cũng là người đầu tiên nêu lên sáng kiến về một dự án bảo tồn cá ngựa. Trong những năm 1993-1995, bà đã đi khắp Đài Loan, Philippines, Hong Kong, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ để tìm hiểu về tình hình đánh bắt và buôn bán cá ngựa. Năm 1999, báo TIME (Canada) đã xếp bà vào hàng một trong các nhà tiên phong vì thế kỷ XXI, còn báo La Presse thì gọi bà là "Nhân vật trong năm", trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 

Qua hơn 400 cuộc khảo sát và phỏng vấn ở khắp nơi, bà đã báo động về tình trạng đánh bắt cá ngựa quá mức trên thế giới. "Tôi ghét nhất hình ảnh ngư dân treo cá ngựa lên để phơi khô chúng trong ánh nắng mặt trời."- TS Amanda nói - "Tôi bắt đầu đến với cá ngựa từ năm 1986, khi làm luận án tiến sĩ tại Đại học Cambridge ở nước Anh. Lúc ấy, chưa có ai thực sự nghiên cứu cá ngựa ngay trong thiên nhiên. Thuở đó, tôi bắt đầu công việc nghiên cứu với giống cá ngựa vịnh Florida ở Mỹ. Hồi đó, nuôi cá ngựa trong phòng thí nghiệm để quan sát và nghiên cứu chúng thật là gian nan. Tôi phải lo cho cả bữa ăn của chúng, vì cá ngựa chỉ ăn mồi sống, mà phải là những loại con mồi vừa với... cái miệng nhỏ như ống hút của cá ngựa. Vì vậy, tôi đã phải mất một nửa thời gian để... nuôi các con cá nhỏ hay một số loài giáp xác (tôm, cua) nhỏ đủ cung cấp cho cá ngựa xơi. Rồi lại còn nhiều khó khăn khác nữa: Phải vận dụng khoa học về thủy sản để chữa bệnh cho chúng, nhất là với những cá ngựa còn non (cá ngựa rất dễ bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn, dễ bị bệnh nấm, dễ bị các bệnh do vật ký sinh gây ra)...".

TS Amanda Vincent trao đổi về bảo tồn cá ngựa Việt Nam với TS Trương Sĩ Kỳ tại Viện Hải dương học Nha Trang (Ảnh: Hữu Thiện)

Tất cả những việc ấy, TS Amanda Vincent thực hiện ròng rã suốt ba năm liền trong phòng thí nghiệm do chính tay mình dựng nên. Và bà còn lặn ở vùng ven biển Florida, ở cả Úc để quan sát cá ngựa sống trong hệ sinh thái thảm cỏ biển tại những nơi ấy. Đến năm 1993, bà bắt đầu tìm đến Philippines để nghiên cứu về cá ngựa tại các rạn san hô. Chính ở đảo Jandaya tại miền Trung Philippines, TS Amanda Vincent đã vận động ngư dân tại đây chấm dứt dần việc đánh bắt cá ngựa bừa bãi, để bảo tồn nguồn lợi cá ngựa và cũng là bảo vệ lợi ích lâu dài của họ. Nhờ đó, sau một năm, số lượng cá ngựa trong vùng biển Jandaya đã tăng lên rõ rệt...

TS Amanda cũng đã giúp Viện Hải dương học Việt Nam (tại Nha Trang) tiếp tục nghiên cứu và phát triển việc nuôi cá ngựa đen (H. kuda) cá ngựa ba chấm (H. trimaculatus) để chuyển giao công nghệ nuôi này từ phòng thí nghiệm ra các hộ ngư dân. TS Trương Sĩ Kỳ, chuyên gia về cá ngựa tại Viện Hải dương học Nha Trang, nói: "Dự án này rất có ý nghĩa, giúp bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá ngựa ở Việt Nam tốt hơn một khi chúng ta có thể thả mỗi năm một số lượng lớn cá ngựa nuôi ra biển để phục hồi số lượng trong tự nhiên. Cũng nhờ tự nuôi được cá ngựa, nên ngư dân chúng ta rồi đây cũng sẽ giảm bớt việc đánh bắt cá ngựa trong thiên nhiên".

"Bà Cá ngựa" kể: "Nhớ lần lặn ở cảng Sidney bên Úc để nghiên cứu cá ngựa, tôi chú ý nhất tới "chàng" cá ngựa được đánh số 35 (tôi đã nhẹ nhàng gỡ chú ra khỏi những cành rong và để cho đuôi của chú quấn vào ngón tay của tôi, mang lên bờ để cân và đo, rồi đeo vào cổ chú một vòng chỉ có mang bảng số 35). Có những lúc, tôi tìm lại được "anh chàng" 35 này dưới biển, và chúng tôi - tôi cùng chú ta - cứ dập dềnh trong làn nước. Chú ta thì ẩn mình phục kích để chờ bắt những con tôm, cua nhỏ đi ngang; còn tôi thì vừa ngắm chú, vừa thả cho những suy tưởng của mình phát triển dưới lòng biển...

TS Amanda Vincent quan sát cặp cá ngựa "35" và "10" trong vùng biển Sidnay (Úc).
Có những lúc, tôi gặp cả vợ của chú, cô cá ngựa mang số 10 bơi ngoằn ngoèo đến thăm chú. Khi bơi ngang những chú cá ngựa khác, "cô nàng" số 10 này làm như không hề thấy chúng. Vì cá ngựa sống rất chung thủy với chế độ "một chồng một vợ". Cũng vì vậy, các loài cá ngựa cũng dễ bị rơi vào tình trạng tuyệt chủng khi chúng bị đánh bắt quá mức; nhất là trong từng cặp cá ngựa, nếu bạn đời bị đánh bắt thì con còn lại rất khó tìm được... kẻ thay thế!

... Cô cá ngựa trong ảnh đang chuyển trứng (khoảng 200 trứng) sang túi ấp của "chồng" để cá ngựa đực ấp trứng và đẻ giúp mình. Mỗi sáng, cô ta lại bơi đến thăm "chồng" cho tới khi cá ngựa đực đẻ trứng dần dần trong suốt 21 ngày...".

Theo TS Trương Sĩ Kỳ, ở Việt Nam, cá ngựa được đánh bắt nhiều nhất ở Kiên Giang, Khánh Hoà và năm tỉnh ven biển miền Trung khác: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thị trường trong nước chỉ tiêu thụ bình quân khoảng 50-100kg cá ngựa khô mỗi năm ở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh, chủ yếu để làm thuốc bổ thận và trị chứng bất lực. Trên đường Hải Thượng Lãn Ông ở Quận 5, TP.HCM có khoảng 25-30 tiệm có bán cá ngựa khô, chủ yếu là loài cá ngựa ba chấm H. trimaculatus. Mỗi tiệm bán khoảng 0,5-1kg mỗi năm, nên tổng cộng hàng năm chỉ có khoảng 12,5-30kg. Người bán cho biết khách hàng chủ yếu là những người trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Trong khi đó, ước tính trong khoảng chục năm nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng năm tấn cá ngựa khô cho thị trường châu Á. Một kg có khoảng 300-400 con, tức mỗi năm trung bình có hơn 1,7 triệu con cá ngựa của biển Việt Nam được xuất khẩu, chủ yếu là sang Trung Quốc. "Cá ngựa ngày càng hiếm hơn và nhỏ hơn so với những năm trước đây." - các ngư dân và người thu mua ở Nha Trang đều nói vậy. Cỡ cá lớn (200-250mmm) nay đã rất hiếm...

Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi hai loài cá ngựa đen và cá ngựa ba chấm khoảng vài trăm con ở quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm từ những năm 1990-1994. Sau những năm đó, đề tài nghiên cứu này được tài trợ từ Quỹ "Sáng kiến Darwin về sự sống sót của các loài", trở thành Dự án bảo vệ nguồn lợi cá ngựa ở biển Việt Nam, do chính TS Amanda Vincent chủ trì. Dự án không chỉ tập trung hoàn thiện quy trình nuôi cá ngựa và phổ biến cho ngư dân, mà còn học tập kinh nghiệm của Philippines về giáo dục cộng đồng bảo vệ nguồn lợi cá ngựa. Tiếp đến năm 1998, Dự án này đã được IRDC (International Development Research Council - Hội đồng Nghiên cứu Phát triển Quốc tế) do Quỹ Canada thuộc Đại sứ quán Canada ở Hà Nội tài trợ 15.000 USD/năm với mục tiêu: Nuôi cá ngựa qua... kỹ thuật thấp (nhưng tỷ lệ sống cao) để huấn luyện cho ngư dân nuôi được!

Các nỗ lực của "Nhóm cá ngựa" ở Viện Hải dương học Nha Trang đã được quốc tế công nhận, do hiện nay hầu như chỉ có rất ít nước thành công trong việc nuôi cá ngựa: Việt Nam, Thái Lan và Anh. Ngay tại Trung Quốc, các nhà sinh học đã thử nuôi cá ngựa tại bảy trại ở Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam... từ những năm 1950 nhưng không thành công do vấp phải những khó khăn cả về kinh tế và sinh học...

Trong thành công của Nhóm, có sự hỗ trợ rất lớn về nhiều mặt của "Bà Cá ngựa" Amanda Vincent. Còn nhớ trong một lần gặp gỡ TS Amanda, lúc ấy mới 37 tuổi, tại Viện Hải dương học Nha Trang, tôi hỏi: "Vì sao cô lại gắn bó đến như vậy với cá ngựa?". TS Amanda đáp thật tự nhiên:"Vì từ nhỏ, tôi đã... mê giống sinh vật biển này. Trong khi hãy còn không ít người ở các nước châu Âu vẫn xem cá ngựa là sinh vật "huyền thoại" (vì trông chúng giống những... con rồng, hay kỳ lân một sừng trong truyền thuyết phương Tây), tôi lại dành nhiều sự chú ý cho cá ngựa và muốn làm điều mà con người còn... mắc nợ với chúng: Hiểu biết sâu về cá ngựa và bảo tồn chúng, cho sự đa dạng sinh học của mai sau"!

Và Dự án Cá ngựa đang phát triển...

"Hãy còn quá nhiều điều chúng ta chưa hiểu biết về cá ngựa. Chẳng hạn, các bạn có tin rằng đến nay chúng ta vẫn chưa biết cá ngựa sống bao lâu trong tự nhiên?! Chúng ta cũng chưa biết liệu có phải cá ngựa đực và cá ngựa cái có chế độ ăn khác nhau, hay cá ngựa đực lúc mang thai thì sẽ ăn khác hơn. Chúng ta cũng không rõ chúng chọn bạn đời như thế nào, trong các điều kiện nào sẽ kích thích cá ngựa sinh tốt hơn và nhiều con hơn...." - bà nói - "Cũng do số lượng toàn cầu của cá ngựa vẫn chưa được biết đến, sự phân loại và phân bố địa lý của tất cả các loài cá ngựa vẫn chưa rõ ràng, đồng thời vì các số liệu đánh bắt cá ngựa thực sự từ các ngư dân ở các nước cũng không được ghi nhận nên tác hại của việc đánh bắt hàng chục triệu cá ngựa khỏi các hệ sinh thái biển ven bờ chỉ có thể được định giá một cách gián tiếp...". 

Dù sao thì các nghiên cứu sơ khởi, cùng các báo cáo về khai thác hải sản, đã cho thấy số lượng cá ngựa sụt giảm khoảng 50% trong vòng năm năm qua ở nhiều nước. Đó cũng là lý do thức đẩy bà lập nên Dự án Bảo tồn Cá ngựa, trụ sở đặt tại Vancouver (Canada). Dự án này mang tính quốc tế, liên quan đến nhiều tổ chức bảo tồn biển.

Năm 2000, khoảng 2.900 học sinh ở Nha Trang, thuộc bốn trường THCS và THPT, ba trường tiểu học và Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hoà đã tham gia chương trình tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn biển và cá ngựa.

Tại Philippines, TS Amanda Vincent đã hợp tác với Quỹ Haribon - một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, để phát động một chương trình cho ngư dân vay để bảo toàn dân số cá ngựa trong thiên nhiên. Chương trình này dựa vào thực tế sau: Ngư dân cho biết nếu họ không đánh bắt cả cá ngựa con thì ngư dân nơi khác cũng sẽ đến làm việc này. Do đó, chương trình đề xuất: Thay vì đem bán các cá ngựa còn nhỏ với giá không cao, ngư dân sẽ nộp chúng để đổi lại việc được vay một món tiền nhỏ, tạo thu nhập để nuôi gia đình. Số cá ngựa con này được thả vào các "bãi quây" ở biển, làm bằng các lưới cá tịch thu từ những người đánh bắt cá trái phép. Năm tháng sau, đến kỳ hạn trả khoản vay cũng là lúc ngư dân được quyền đánh bắt số cá ngựa đã thả ở "bãi quây" để bán chúng với giá cao hơn, do chúng đã lớn. Cũng trong năm tháng ấy, bọn cá ngựa trong "bãi quây" đã kịp sinh sản và lũ cá con đã kịp thoát ra biển qua các mắt lưới nhỏ của "bãi quây", góp phần phát triển bền vững dân số cá ngựa trong khu vực...

"Chúng tôi đã nhận ra nguyên nhân khiến ngư dân đánh bắt quá mức cá ngựa: Họ thiếu trình độ văn hoá và khả năng để tìm các phương cách sinh kế khác thay thế cho việc này. Do đó, chúng tôi đã xây trường học cho họ, đồng thời thu hút bọn trẻ vào những ngày nghỉ đến với chúng tôi để học hỏi về biển. Sau đó, chúng tham gia tuyên truyền rộng dần ra trong dân làng về việc bảo tồn cá ngựa vì các lợi ích kinh tế, sinh thái..." - TS Amanda Vincent kể.

Một thành công bước đầu khác của bà: Qua thoả thuận hợp tác với Dự án, Hiệp hội các nhà buôn dược phẩm Trung Hoa ở Hong Kong đã kêu gọi các thành viên và các tổ chức liên quan tự nguyện tuân thủ ba biện pháp sau để giảm bớt sức ép lên cá ngựa: Tránh mua bán cá ngựa nhỏ, cá ngựa có thai, và tìm kiếm các dược liệu thay thế trong khả năng có thể được.

Linh Chi

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang