,
221
2123
Vấn đề
vande
/khoahoc/vande/
497462
Mỹ: Cạn kiệt nhân tài cho công nghệ tương lai?
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Mỹ: Cạn kiệt nhân tài cho công nghệ tương lai?

Cập nhật lúc 17:30, Thứ Tư, 11/08/2004 (GMT+7)
,

Miano là một nhà lập trình trầy trật hàng năm trời không lấy nổi tấm bằng tiến sĩ về khoa học máy tính, dẫu cho anh đã tốt nghiệp đại học loại B và xuất bản được hai cuốn sách kỹ thuật. Mệt mỏi và chán nản, Miano đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Luật và giành được một học bổng toàn phần của Seton Hall. Kết quả: Nước Mỹ mất đi một nhà khoa học máy tính, thêm một luật sư cho đội ngũ luật sư đã quá đông đảo!

Trường hợp của John Miano không phải là hiếm, nếu không muốn nói là ngày một nhiều ở Mỹ. Và đó cũng chính là nguyên nhân làm cho giới lãnh đạo của ngành công nghệ thông tin chau mày ủ mặt lo lắng cho lực lượng lao động tương lai của mình.

Nhầm quan niệm: thực trạng và nỗi lo

Cạn kiệt nhân tài cho ngành công nghệ tương lai?

Tất nhiên họ phải lo thôi, bởi có vẻ như các trường đại học tại nước Mỹ đang chỉ chú trọng tới số lượng mà cho "chất lượng vào xó". Trong khi đó, số lượng tiến sĩ của những ngành liên quan tới công nghệ lại ngày một ít đi. Số lượng học viên nước ngoài đến Mỹ theo học tiến sĩ, vốn chiếm số đông trong các khoa kỹ sư và khoa học tại các trường đại học Mỹ cũng giảm nốt.

Hai năm trước, cả nước Mỹ có 24.550 tiến sĩ khoa học và kỹ sư máy tính, giảm so với mức 25.500 của năm 2001 và đỉnh cao 27.300 vào năm 1998. Sự sụt giảm này không chỉ vì số lượng học viên nước ngoài đến Mỹ theo học tiến sĩ giảm đi, mà ngay cả sự nhiệt tình người dân Mỹ dành cho khoa học cũng đang mai một vì những thay đổi trên thị trường lao động và các vấn đề về tài chính. 

Nhưng kỳ lạ thay, thực tế này chẳng làm ai lo lắng, ngoài các vị lãnh đạo tập đoàn công nghệ kể trên. Một số nhà quan sát nhún vai: "Lo gì, nước Mỹ đã có quá nhiều tiến sĩ rồi. Tỷ lệ sinh viên nước ngoài theo học tiến sĩ giảm thì có gì mà đáng báo động''. Thậm chí trên thực tế, nhiều người còn coi dòng sinh viên nước khác đổ về Mỹ học tập là "nguồn cơn rắc rối'', chẳng hạn như tranh suất làm và suất học của chính người Mỹ vậy. 

Quan niệm sai lầm này đã khiến các vị đầu não trong ngành công nghiệp máy tính "nóng đầu''. Họ lên tiếng bảo vệ việc sử dụng các tài năng ngoại quốc và cho rằng: số lượng bằng tiến sĩ được cấp giảm sút là một dấu hiệu cho thấy vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ đang bị lung lay. Giám đốc điều hành Craig Barrett của Intel còn gay gắt hơn khi cho rằng nước Mỹ đang quá tự mãn và bằng lòng với nền giáo dục, nghiên cứu của mình.

Hội đồng Khoa học Quốc gia, một tổ chức độc lập chuyên tư vấn cho Quốc hội gần đây cũng đã phải lên tiếng cảnh báo về một sự "suy giảm đáng lo" về số công dân Mỹ theo đuổi khoa học và kỹ thuật, mặc dù ngày càng có nhiều nghề đòi hỏi phải có bằng cấp về hai lĩnh vực này. "Xu hướng này đang đe doạ đến sự thịnh vượng của nền kinh tế cũng như an ninh của nước Mỹ.'' - Hội đồng kết luận. 

James Foley, chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Điện toán, kiêm giáo sư của Viện Công nghệ Georgia cũng tỏ ra sốt ruột không kém. Không chỉ có cùng mối lo với Hội đồng Khoa học Quốc gia, ông còn mong muốn chính phủ sẽ rót thêm tiền cho các hoạt động khoa học máy tính. Theo một phân tích mới đây của Hiệp Hội Phát triển Khoa học Mỹ, tất cả các văn phòng cấp vốn phát triển và nghiên cứu thuộc chính quyền liên bang đều phải đối mặt với tình trạng tiền rót về dậm chân tại chỗ trong năm tới. 

Bài học lịch sử

Số lượng tiến sĩ khoa học và kỹ sư điện tử tại Mỹ liên tục sụt giảm

Nhận định rằng nước Mỹ không chuẩn bị đủ lực lượng tiến sĩ trong các ngành liên quan đến công nghệ không phải đến lúc này mới được đưa ra. Năm 1989, Quỹ Khoa học Quốc gia NSF đã cảnh báo về khả năng thiếu hụt cả cử nhân lẫn tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ sư điện tử.

Tuy nhiên, những dự báo này đã nhanh chóng bị phủ nhận và bác bỏ. Những quan chức hữu trách của chính quyền vẫn một mực khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy nguồn nhân lực dồi dào của nước Mỹ đang thiếu nhân tài về khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán học. Họ cho rằng "nguy cơ ấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và vẫn còn đang nằm đâu đó ở đường chân trời chứ không phải trên đất Mỹ''.

Một nghịch lý đang tồn tại là nước Mỹ ngày càng phải dựa dẫm vào nguồn du học sinh nước ngoài để duy trì vị trí số một về giáo dục khoa học của mình! Từ năm 1990 đến năm 2000, tỷ lệ tiến sĩ nước ngoài tăng từ 24% lên 38%. Thế nhưng kể từ sau cơn sốt dot-com, số lượng visa cấp cho học viên nước ngoài đã giảm tới 20%. Theo Hội đồng Khoa học Quốc gia thì trong khi Mỹ vẫn bình chân như vại, một loạt quốc gia khác đang ráo riết thu hút những bộ óc thông minh nhất về với các trường đại học của họ. Còn Mỹ, một cách vô tình, đang khiến người ta xa lánh mình vì những quy định ngặt nghèo trong cấp visa, đặc biệt là sau sự kiện 11/9.

Hơn nữa, cơ hội làm việc tại Mỹ sau khi học xong, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, không cao. "Lý do quan trọng nhất để người ta đổ đến Mỹ học không phải là chất lượng giáo dục, mà là có được một giấy thông hành vào Mỹ, xin được một việc làm tốt ở Mỹ, có một cuộc sống sung túc tại Mỹ. Nói cách khác, không có thị trường việc làm công nghệ, sẽ không có sinh viên nước ngoài nào cả''.

Tiền là tất cả vấn đề?

Tiền là tất cả vấn đề?

Sinh viên nước ngoài có thể lý giải như vậy, nhưng còn sinh viên Mỹ, tại sao họ không theo học tiến sĩ như các bậc cha chú ngày xưa nữa? Trong một phân tích gần đây về lao động công nghệ cao, Eric Weistein - chuyên gia của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cho rằng chung quy chỉ xoay quanh một chữ "tiền": Người Mỹ không còn hứng thú với các chương trình đào tạo tiến sĩ vì lương thấp và triển vọng sự nghiệp u ám. Sinh viên tốt nghiệp đại học phải mất từ năm-mười năm để kiếm được tấm bằng tiến sĩ, với chi phí học tập lên tới 15.000 -20.000 USD/năm. Vậy mà sau đó, họ chỉ được nhận mức lương 30.000 USD. Sở dĩ mức lương thấp đến như vậy là do nó chịu sự hạn chế của Luật Nhập cư áp dụng cho lực lượng lao dộng khoa học tự do đang dồi dào quá mức. Tại các nước khác, mức lương xứng đáng mà một sinh viên tốt nghiệp đại học ở lại giảng dạy hoặc nghiên cứu là từ  40.000 -60.000 USD/năm, còn tiến sĩ mới ra trường cũng được ít nhất là 100.000 USD.

Weinstein không phải là người duy nhất nghĩ đến lý do tài chính đứng đằng sau ác cảm mà người Mỹ dành cho khoá học tiến sĩ. Một công trình nghiên cứu vào năm 2000 của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã cho biết: một sinh viên mất năm năm để kiếm tấm bằng tiến sĩ về khoa học điện toán - kể cả không mất một xu học phí nào - cũng cần phải mất... 50 năm mới đuổi kịp được mức thu nhập của một cử nhân học xong đi làm ngay (!)

Tất nhiên, không phải ai cũng tán thành với quan điểm "người Mỹ quá thực dụng'' này. "Họ theo đuổi  khoa học không phải vì tiền, mà là vì sự đam mê và yêu thích thực sự. Lý do để họ xa rời nó chính là vì những thay đổi trong cơ cấu của nền kinh tế.'' - Eleanor Babco, giám đốc điều hành Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Chuyên nghiệp nói. 

Vậy thì sao, thưa các tiến sĩ?

Không kém phần gay gắt là cuộc tranh luận về tầm quan trọng của bằng cấp và các vị tiến sĩ đối với tương lai của ngành công nghệ nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Những bước đột phá về công nghệ và máy tính có thể dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Các học viên lấy bằng tiến sĩ thường theo đuổi những đề tài quan trọng như bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ và mối quan hệ giữa con người với máy tính. Các hãng công nghệ hãng đầu, hơn ai hết, chính là người nhận thức rõ điều này. Chẳng hạn như Hewlett-Packard (HP) đã mở một chương trình thực tập dành cho 50 tiến sĩ và sinh viên đang theo học lấy bằng tiến sĩ. Chiến lược nhân sự của công ty cũng là tiếp tục tuyển dụng các tiến sĩ máy tính, đặc biệt là cho bộ phận nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. 

Mặc dù vậy, vẫn có không ít người tỏ ra nghi ngờ việc cần phải có thêm nhiều tiến sĩ: "Học vị chỉ là một phần. Thực tế đã chứng minh phần lớn những vị trí quan trọng trong các hãng công nghệ có thể do những người không được đào tạo cao lắm nắm giữ. Còn trong số người thất nghiệp vẫn có đầy các ông tiến sĩ đấy thôi".

Hơn nữa, nếu chỉ nhìn vào số lượng mà kết luận là cạn kiệt nhân tài thí quả thật là có phần phiến diện, giáo sư chính sách Ron Hira của Viện Công nghệ Rochester nói. 

Một số phương án và giải pháp đã được đề xuất để khắc phục phần nào xu hướng suy giảm tiến sĩ công nghệ và khoa học tại Mỹ. Hội đồng Khoa học Quốc gia kêu gọi dành ưu tiên cho giáo dục chất lượng cao về toán học và khoa học. Nhiều tổ chức khác lại kiến nghị cải cách quá trình cấp visa để thu hút sinh viên , giới khoa học và học giả nước ngoài.

Với Weinstein, chìa khoá để thuyết phục được số đông sinh viên Mỹ theo học tiến sĩ khoa học và công nghệ thay vì luật học hay kinh tế chính là lương cao và triển vọng nghề nghiệp. Sự nghiệp của chính ông cũng tuân theo logic này. Sau khi kiếm tấm bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Harvard và giành được học bổng nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts, Weinstein đã chọn một công việc hấp dẫn hơn là giám đốc nghiên cứu định lượng của một hãng dịch vụ tài chính. "Hãy trả cho các nhà khoa học đồng lương xứng đáng mà thị trường yêu cầu, và bạn sẽ thấy thế nào là "có thực mới vực được đạo..." - ông nói.

Cầm Thi (Theo CNET) 

,
,