Động đất và sóng thần - cặp 'sát thủ' huỷ diệt
Năng lượng được giải phóng từ một đường đứt gãy dài 1.000km trong vỏ trái đất đã gây ra trận động đất mạnh nhất trong vòng 40 năm qua ở Indonesia. Tệ hại hơn, nó gây ra sóng thần phá huỷ các vùng ven biển ở Nam và Đông Nam Á.
Theo một nhà địa chấn Italia, sức mạnh của trận động đất tương đương với việc phát nổ 1 triệu quả bom nguyên tử có kích cỡ bằng những quả bom được thả xuống Nhật Bản năm 1945. |
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất xảy ra lúc 7h59 phút (ngày 26/12, giờ Hà Nội) với cường độ 8,9 độ Richter. Tâm chấn nằm ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia. Đây là trận động đất mạnh nhất kể từ năm 1964 khi trận động đất mạnh 9,2 độ Richter xảy ra ở Prince William Sound của Alaska. Nó cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất kể từ khi con người đo động đất vào năm 1900. Trận động đất xảy ra trên một đường đứt gãy sâu, dài 1.000km, ngoài khơi đảo Sumatra. Tại đó, khối thạch quyển Australia dần bị đẩy xuống bên dưới Sumatra (Sumatra lại là một bộ phận của khối thạch quyển Á Âu) với tốc độ bằng tốc độ sinh trưởng của móng tay người.
Nhà địa chấn David Booth của Anh cho biết, các cơn sóng thần hôm 26/12 có vận tốc 500km/giờ. Mặc dù có tốc độ lớn như vậy song con người có thể biết trước được nếu có một hệ thống dự báo tinh vi, có thể cảnh báo vài giờ trước khi sóng thần xảy ra. Một hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế đã được thành lập năm 1965. 25 thành viên là các quốc gia nằm bên rìa Thái Bình Dương, trong đó có Bắc Mỹ, châu Á, Nam Mỹ, các đảo Thái Bình Dương, Australia và New Zealand. Ấn Độ và Sri Lanka không phải là thành viên do có ít động đất xảy ra ở Ấn Độ Dương.
Phần lớn sóng thần bắt nguồn từ các trận động đất lớn. Tuy nhiên, lở đất, núi lửa và thiên thạch cũng gây ra sóng thần. Sóng thần không phải là một con sóng duy nhất mà là một loạt sóng di chuyển trong đại dương. Chúng được tạo ra khi có biến động địa chất ở gần hoặc bên dưới đáy đại dương. Khi đó, lực địa chất sẽ thế chỗ nước biển, làm nước dâng lên phía trên. Động đất càng lớn, vỏ trái đất dịch chuyển càng nhiều và lượng nước biển lớn hơn bắt đầu dịch chuyển. Do không có gì ngăn cản nên các con sóng này có thể di chuyển khắp đại dương. Càng di chuyển, chúng càng mạnh lên.
Phần lớn sóng thần xảy ra ở Thái Bình Dương bởi khu vực này được bao quanh bởi "Vành đai lửa" - một chuỗi các điểm có hoạt động địa chấn và động đất mạnh nhất trên trái đất. Nơi đây là điểm va chạm của bốn khối thạch quyển nên động đất và núi lửa xảy ra thường xuyên. Từ tâm chấn của động đất, sóng thần toả ra mọi hướng và di chuyển với tốc độ hơn hàng trăm kilomet mỗi giờ. Trong trường hợp động đất ở Indonesia, đường đứt gãy chạy từ bắc tới nam, bên dưới đáy đại dương. Trong khi đó, các con sóng thần lan toả về phía tây và phía đông.
Các con sóng thần lớn với sức phá huỷ như hôm 26/12 chỉ xuất hiện vài lần trong một thế kỷ. Tháng 5/1960, một con sóng thần với tốc độ 750km/giờ ập vào Nhật Bản khiến hàng trăm người chết. Một loạt các trận động đất mạnh 9,5 độ Richter (trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay) tại Chile, phía bên kia của Thái Bình Dương, là thủ phạm gây ra con sóng này.
Tháng 9/1992, một con sóng thần đã phá huỷ nhà cửa của 13.000 người trên bờ biển Nicaragua. Hai tháng sau, người dân ở Bali (Indonesia) bị một loạt sóng thần cuốn trôi, hàng nghìn người thiệt mạng. Tháng 7/1998, hai trận động đất mạnh 7 độ Richter gây ra các con sóng thần cao 10m, huỷ hoại một di bờ biển dài 30km ở Papua New Guinea. 7 ngôi làng bị phá huỷ và hơn 2.100 người thiệt mạng.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)