,
221
479
Xu hướng
xuhuong
/khoahoc/xuhuong/
96456
Phôi thai lai giữa người và thỏ - nguồn tế bào gốc tương lai
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,
Nhân bản chéo loài

Phôi thai lai giữa người và thỏ - nguồn tế bào gốc tương lai

Cập nhật lúc 08:20, Thứ Hai, 18/08/2003 (GMT+7)
,
Phôi thai người và thỏ
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa thu hoạch tế bào gốc phôi ''người'' từ một số phôi thai nhân bản. Điều đặc biệt là những phôi đó được tạo ra bằng cách kết hợp tế bào người với trứng của thỏ.

Mục đích của thí nghiệm do bà Hui Zhen Sheng thuộc ĐH Y Thượng Hải tiến hành là tạo ra một nguồn tế bào gốc phôi người mới (ESC). Tế bào từ phôi lai giữa người và thỏ chỉ chứa một lượng nhỏ ADN của thỏ trong ty lạp thể. Do đó, chúng có thể hữu ích khi được sử dụng trong các liệu pháp chữa bệnh cho người. Những tế bào này có khả năng biến thành mọi loại mô, phục vụ việc điều trị nhiều chứng bệnh. 

Hiện chỉ có thể lấy tế bào gốc từ phôi người đã được thụ tinh. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi do để phân lập ESC, bác sĩ phải phá huỷ phôi - hành động mà một số người cho là kết liễu một mạng sống tiềm năng.

Tin đồn về công trình nghiên cứu của Sheng đã lan truyền 2 năm qua trong giới khoa học. Bà phải mất một thời gian dài mới thuyết phục được giới khoa học chấp nhận nó. Một lý do để họ nghi ngờ là các nhà nghiên cứu khác chưa gặt hái được thành công trong những thí nghiệm liên quan tới kỹ thuật nhân bản chéo loài (giữa các loài khác nhau)

Nhân bản chéo loài đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu bởi khó có thể lấy được trứng của người hoặc động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thay vào đó, họ sử dụng trứng của một loài khác chẳng hạn như bò, rút nhân và tiêm ADN của người hoặc động vật cần nhân bản vào trứng rỗng. Kỹ thuật này ''lập trình lại'' vật liệu di truyền và tạo ra một phôi có gene giống hệt người hoặc động vật cần nhân bản.

Ngoại trừ một vài thí nghiệm nhân bản động vật mà trong đó 2 loài có họ gần (một loài cung cấp trứng và một loài cung cấp ADN), cho tới nay mọi thí nghiệm nhân bản chéo loài đều thất bại. Tuy nhiên, nhà khoa học Trung Quốc này đã thành công. Bà tiêm ADN từ tế bào bao quy đầu của một cậu bé 5 tuổi và 2 nam giới, mô mặt của một phụ nữ vào trứng thỏ đã được rút nhân để tạo ra phôi lai giữa thỏ và người. Tế bào gốc từ những phôi này có khả năng biến thành nhiều loại mô khác nhau.

Giới khoa học nói gì?

Một số chuyên gia coi thành công này là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác lại chỉ ra những thiếu sót. Chẳng hạn như mẩu ADN nhỏ bé của thỏ trong tế bào gốc vẫn có thể là một trở ngại đối với các ứng dụng y học. Một số gene của thỏ trong ESC có thể tạo ra các protein. Những protein đó sẽ bị hệ miễn dịch của người nhanh chóng tấn công - quá trình được gọi là đào thải.

Robert Lanza thuộc Công ty công nghệ sinh học Advanced Cell Technology, Massachusetts, Mỹ, nhận xét: ''Nếu thành công này được khẳng định, nó có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, thật khó có thể tin được''. Nhóm nghiên cứu của Lanza đã thử song không lấy được tế bào gốc từ phôi lai giữa thỏ và người cũng như giữa người và bò. Ông cho rằng Sheng có thể xoá tan nghi ngờ bằng cách cung cấp tế bào lai để các phòng thí nghiệm ESC kiểm tra.

(Minh Sơn - Theo NewScientist)

,
,