Thế gới đã có ''giấy điện tử'' linh hoạt nhất
Các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn điện tử Philips, Hà Lan, vừa phát triển thành công màn hình điện tử linh hoạt nhất thế giới. Họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt loại ''giấy điện tử'' mới này trong vài năm tới.
Đã có nhiều dự án nhằm phát triển giấy điện tử. Một màn hình như vậy có thể sử dụng để tạo một tờ báo được cập nhật đầy đủ, và cũng có thể được... cuộn để nhét vào túi áo. Màn hình linh hoạt cũng được sử dụng để tạo ra những máy điện thoại di động mới và các thiết bị khác có thể gập lại được.
Để tạo ra màn hình linh hoạt, Philips đã phát triển phương pháp in điện tử hữu cơ lên nhiều loại màng chất dẻo mỏng (trước kia chỉ có thể in những thành phần đó lên thuỷ tinh). Sau khi thí nghiệm với nhiều loại chất dẻo khác nhau, Philips đã chọn được màng polyimide. Chi tiết chính xác về loại màn hình này vẫn chưa được tiết lộ vì lý do... nhạy cảm về thương mại.
Với loại màn hình do Philips tạo ra, bạn có thể cuộn chúng lại thành ống với đường kính 2cm. Việc sử dụng điện tử hữu cơ cũng sẽ làm cho màn hình rẻ tiền hơn. Đường chéo của màn hình vuông này là 12cm, bao gồm 80.000 ảnh điểm. Màn hình cho hình ảnh màu xám và có thể "làm tươi" (refresh) trong khoảng 1 giây - quá chậm để hiển thị hình ảnh động.
Một công ty mới với tên gọi Polymer Vision đã được thành lập để sản xuất màn hình mới. Tổng Giám đốc Polymer Vision cho biết màn hình linh hoạt này hiện đại hơn so với các màn hình dẻo khác về kích cỡ, độ rõ nét và tính phức tạp của điện tử hữu cơ. Màn hình của Philips gồm một bản mạch hữu cơ được in lên một lớp polyimide dày 25 micron. Đằng trước nó là một lớp dày 200 micron chứa ''mực điện tử'' do Công ty E ink phát triển.
Mực điện tử bao gồm hàng nghìn bao tí hon chứa các phần tử trắng nhiễm điện dương và đen nhiễm điện âm. Tác dụng một điện trường qua mạch hữu cơ tới một khu vực nào đó trên màn hình sẽ thu hút các phần tử trắng hoặc đen, làm cho phần màn hình đó biến thành các màu tương ứng.
Joe Jacobson, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts lưu ý: Giấy điện tử phải mỏng, linh hoạt, tiêu thụ ít năng lượng và có giá thành rẻ mới có thể được sử dụng rộng rãi. Dù sao, sản phẩm mới của Philips là một sự kiện quan trọng và là một bước tiến nữa hướng tới ''một loại giấy điện tử thực sự''.
Minh Sơn (Theo NewScientist)