Săn cá san hô: Sinh nghề tử nghiệp!
Đằng sau bờ biển khúc khuỷu của đảo Busuanga (Philippines), nơi nổi tiếng vì những vụ đắm tàu, có hai anh em đang ra tìm cách ghép những mảnh đời của họ lại với nhau. Một thời là trụ cột của gia đình, giờ đây hai ngư dân này chỉ còn biết ngồi suốt ngày ở nhà, không thể nào tiếp tục làm việc để nuôi vợ con nữa. Cả hai đều bị liệt vì lặn - một thời, họ đã bơi thật xa ra khơi, lặn thật sâu xuống đáy biển để tìm bắt cá san hô để phục vụ cho nhu cầu của những nhà hàng hải sản ở Hong Kong và Trung Quốc.
Khi ngư dân mờ mắt vì tiền
Vào những năm 1990, khi ngành thu mua cá sống tràn vào Busuanga, ngư dân địa phương đã giàu lên nhanh chóng. Họ trở về với với những mẻ cá san hô sống có giá cao hơn nhiều so với cái giá mà trước đây họ vẫn bán - nhờ bắt cá garoupa sống để xuất khẩu sang Hong Kong, mỗi chú cá bắt được mang lại cho họ số tiền cao gấp năm lần trước đây.
Tuy nhiên, sau một thời gian thì đàn cá ít dần đi, và ngư dân phải cố gắng hết sức mới bắt được những chú cá bé hơn. Cái khó ló cái "khôn" (?), họ bắt đầu dùng hookah - ống khí nối liền với bình khí nén trên mặt biển - để lặn sâu hơn và ở dưới nước lâu hơn. Họ không hề biết trước những nguy hiểm đang đón đợi mình, và hậu quả là nay, cả hai anh em nhà này đều bị liệt vì bệnh khí ép.
Sau khi đến thăm và phỏng vấn hai anh em bất hạnh này, TS Yvonne Sadovy, nhà sinh vật biển thuộc ĐH Hong Kong, cho biết: "Cả hai đều đang ở vào giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời. Giờ đây, thậm chí họ còn không thể đi lại trong nhà nếu không được giúp đỡ. Dường như họ không hề biết gì về mối nguy hiểm gây ra khi lặn bằng bình khí nén. Họ chỉ muốn ở dưới nước lâu hơn và bắt được nhiều cá hơn, bởi vì họ thực sự cần tiền. Chúng tôi nhận thấy rằng những người nào cố gắng bắt được thật nhiều cá thường là những người phải nuôi cả một gia đình."
Không chỉ ở Busuanga mới có hiện tượng tử vong khi đang bắt cá san hô sống. Tại một cộng đồng đánh cá Philippines có khoảng 200 thợ lặn thì có tới 30 trường hợp bị bệnh khí ép, trong đó có mười người chết. Tỷ lệ tử vong tương tự cũng được ghi nhận ở Indonesia, nơi phần lớn thợ lặn chẳng biết gì về căn bệnh giảm sức ép và cho rằng nguyên nhân gây ra hiện tượng chết và liệt do khí ép chính là... "quỷ biển"!
Cái giá phải trả
Hong Kong - "cái giỏ" đựng cá san hô |
Khoảng 60% các thương vụ cá san hô sống được đưa qua Hong Kong - ước tính mỗi năm khoảng 18.000 tấn. Trong số đó, 60% được đưa vào các nhà hàng tại Trung Quốc và phần còn lại ở Hong Kong, nơi nhu cầu đã gia tăng nhanh chóng trong một thập kỷ qua. Ban đầu, cá được đánh bắt tại biển Hong Kong hoặc các vùng phụ cận, nhưng khi cung không đủ cầu, hoạt động được mở rộng hơn. Ngày nay, khoảng 90% lượng cá tiêu thụ ở Hong Kong được đánh bắt bên ngoài vùng biển của nó, thậm chí mở rộng ra tận Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. |
Việc sử dụng xianua (cyanide) rộng rãi một cách bất hợp pháp - phun xianua vào cá san hô cho chúng choáng để dễ bắt hơn - cũng gây ra hậu quả nặng nề (chúng tôi sẽ có bài riêng về việc dùng xianua đánh cá).
GS Jose Padilla, tác giả của một bản báo cáo năm 2003 về tác động của ngành đánh bắt cá san hô sống ở Palawan, kiêm điều phối viên Chương trình Chính sách Đông Nam Á của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) tại Manila, Philippines, cho biết: "Đã có nhiều trường hợp trẻ em nuốt phải xianua, và có ít nhất một em đã chết vì chất độc này. Ngoài ra, ngư dân phơi nhiễm xianua với liều lượng lớn cũng bị đe doạ đến sức khỏe và tính mạng."
Cái giá mà chúng ta phải trả cho sinh thái cũng không hề rẻ. Theo ước tính của Sam Mamauag, nhà sinh học thuộc Liên minh Động vật biển Quốc tế tại Philippines, để bắt được một con cá sống bằng xianua, chúng ta phải đánh đổi bằng một mét vuông san hô. Nếu như tình trạng khó xử giữa xã hội và môi trường có vẻ như không dính dáng gì đến bàn tiệc tại những nhà hàng hải sản ở Hong Kong và Nam Trung Quốc, nơi cá san hô được bán với giá... trên trời, thì GS Padilla lại nêu lên một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: "Có người cho rằng giới lái buôn đã tự tay cung cấp xianua cho thợ lặn để bắt cá càng nhanh càng tốt, bởi vì họ có... thị thực từ những nhà nhập khẩu Hong Kong!".
Giữ đàn cá cho muôn đời sau
Theo TS Sadovy, ngành đánh bắt cá san hô thực sự phát triển vào những năm 1990. Nền kinh tế tăng trưởng, hàng không được cải thiện, và mọi người bắt đầu ăn ở ngoài nhiều hơn.
Đầu tháng 3/2004, TS Sadovy và tám chuyên gia hàng hải khác đã trình lên chính quyền Hong Kong một bản báo cáo về những nguy cơ của việc mở rộng ngành đánh bắt cá san hô sống. Cô nói: "Một trong những điều mà chúng tôi quan sát thấy là nơi nào ngành đánh bắt cá sống tồn tại lâu hơn, ngư dân nơi đấy chuyển sang dùng hookah nhiều hơn thay vì lưỡi câu và dây cước. Khi số lượng cá giảm xuống, bạn cần phải lặn sâu hơn và dài hơi hơn, vì thế điều này cho thấy hoạt động đánh bắt ngày càng tràn lan. Hầu như không thợ lặn nào được huấn luyện lặn bằng bình khí nén trong khi, để lặn được, người ta cần phải qua huấn luyện. Và họ bắt đầu chết vì khí ép hoặc mang tật vì hookah. Ngư dân đang phải đi xa hơn, có khi mất hàng 3-4 giờ mới tìm được một điểm đánh cá, trong khi trước đây chỉ mất khoảng 1 giờ. Hơn nữa, kích thước cá càng ngày càng trở nên bé hơn...".
Các nhà môi trường học nhấn mạnh: Về mặt nguyên tắc, ăn cá san hô sống không có gì là sai trái cả. Bởi vì nếu được quản lý tốt, ngành này sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các cộng đồng ngư dân nghèo. Tuy nhiên, cần phải tăng cường kiểm soát và kiểm tra đối với ngành đánh bắt cá san hô sống nhằm hạn chế những vấn đề xã hội nghiêm trọng như ở Philippines và Indonesia, đồng thời bảo vệ các loài quý hiếm khỏi bị tuyệt chủng.
Quản lý tốt ngư nghiệp, Australia là một ví dụ điển hình về việc biến đánh bắt cá san hô thành một nguồn lợi bền vững. Chính phủ nước này đã áp dụng những quy định về kích cỡ mẻ lưới cùng một số biện pháp kiểm soát khác, vì thế số lượng đàn cá và chất lượng sinh sản được theo dõi cẩn thận. Nếu không được kiểm soát, lợi nhuận của ngành này sẽ chẳng tồn tại được bao lâu.
GS Padilla cho biết: "Ngư dân bắt đầu với một nguồn cá tương đối phong phú, và thu nhập tăng lên nhanh chóng, giúp cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vì không có phương pháp quản lý đánh bắt hiệu quả, đàn cá nhanh chóng giảm đi và môi trường sống của chúng sẽ bị huỷ hoại. Giới lái buôn bỏ sang khu vực khác, bỏ cộng đồng đánh cá lại đằng sau và gánh chịu hậu quả. Đồng tiền đến rất dễ và đi cũng rất nhanh. Cuối cùng, cuộc sống của ngư dân thậm chí còn tồi tệ hơn cả lúc ban đầu."
Khánh Hà (Tổng hợp)