221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
48635
Đưa chứng từ điện tử vào nghiệp vụ kế toán
1
Article
null
Đưa chứng từ điện tử vào nghiệp vụ kế toán
,
 (VietNamNet) - Một nội dung rất mới tại Dự thảo Luật Kế toán, đang được Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày tại Quốc hội chiều nay (3/5) là cho phép lưu hành chứng tử điện tử trong nghiệp vụ kế toán. Theo đó, chứng từ điện tử được sử dụng chữ  ký điện tử và có giá trị như chứng từ trên giấy trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kinh tế tài chính. Việc chuyển đổi chứng từ giấy sang chứng từ điện tử hoặc ngược lại phải đảm bảo theo đúng quy chế về lập, sử dụng, kiểm soát và lưu trữ chứng từ điện tử.  

Chiều ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XI, sau khi Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kế toán, Uỷ viên Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Dương Thu Hương đã đọc dự thảo Luật kế toán.

Dự án Luật Kế toán đã được Quốc hội đưa ra xem xét từ Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá X và Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XI. Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, Dự thảo này đã được lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, các nhà quản lý kinh tế, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia tài chính kế toán ở trung ương và địa phương. Dự kiến Luật này sẽ được thông qua trong vài ngày tới.

Chứng từ điện tử đủ điều kiện lưu hành phải được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hoá mà không bị thay đổi trong qúa trình chuyển qua mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ và các loại thẻ thanh toán. Chứng từ điện tử phải có các nội dung sau: Tên và số hiệu của chứng từ kế toán, ngày tháng năm lập chứng từ kế toán, tên địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán, tên và địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán, nội dung nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh; số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế tài chính ghi bằng số. Riêng tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu chi, tiền phải ghi bằng số và bằng chữ; chữ ký, họ tên người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán. Ngoài ra, tuỳ từng loại chứng từ có các nội dung riêng khác nhau.

Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành quy định này của dự thảo, nhưng đề nghị cần cụ thể hơn về tính pháp lý, chữ ký và lưu trữ chứng từ điện tử. Có ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết hơn trong một chương riêng về kế toán điện tử. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xu thế tất yếu của việc mở rộng và phát triển thương mại điện tử trên thế giới thể hiện qua tốc độ phát triển của thương mại điện tử và điều này đã đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và Chính phủ. Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM phấn đấu thực hiện ''thương mại phi giấy tờ'' vào 2010. Hiện ở Việt Nam, các hình thức thông tin điện tử mới được đề cập ở điều 49 của Luật Thương mại quy định về việc báo telex, fax. Nghị định 44 của Chính phủ thừa nhận các yếu tố của chứng từ điện tử và chữ ký điện tử trong thanh toán của hệ thống ngân hàng. Như vậy, chứng từ điện tử và thanh toán điện tử trong công tác kế toán chỉ là một phần của vấn đề thương mại điện tử. Đây là vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Việc triển khai ứng dụng đang ở mức độ vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm. Do vậy, Dự thảo Luật kế toán chỉ quy định nguyên tắc về lập ký chứng từ điện tử là phù hợp.

Khi có pháp lệnh thương mại điện tử hoặc tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển công nghệ của đất nước, chứng từ, chữ ký điện tử và trình tự thanh toán điện tử sẽ do Chính phủ quy định để phù hợp với sự phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thương mại.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Kế toán cũng quy định cụ thể về hoá đơn bán hàng: Tổ chức, cá nhân khi bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ phải lập hoá đơn bán hàng giao cho khách. Trường hợp bán lẻ hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ dưới mức tiền quy định mà người mua hàng không yêu cầu thì không phải lập hoá đơn bán hàng. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp bán hàng và mức tiền bán hàng không phải lập hoá đơn.

Thời hạn nộp báo cáo tài chính: Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật. Đối với báo cáo quyết toán ngân sách thì thời hạn nộp báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể thời hạn nộp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách cho từng lĩnh vực hoạt động và từng cấp quản lý.

Bổ sung quyền bảo lưu ý kiến của kế toán trưởng

Luật Kế toán cũng quy định cụ thể hơn các trách nhiệm và quyền lực của kế toán trưởng. Để tạo điều kiện cho kế toán trưởng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động kinh tế, tài chính và đảm bảo quyền độc lập về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quyền bảo lưu ý kiến của kế toán trưởng. Riêng quyền từ chối thực hiện mệnh lệnh thủ trưởng nếu lệnh đó sai chế độ tài chính, kế toán thì đề nghị không bổ sung, vì như vậy sẽ vi phạm quyền của người đứng đầu đơn vị.

Điều 54 quy định: Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, ngoài các quyền đã quy định có quyền có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ.

Kế toán trưởng có quyền và nghĩa vụ: Yêu cầu các bộ phận liên quan  trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ tài liệu kịp thời liên quan đến công việc tài chính và giám sát của kế toán trưởng; Báo cáo tài chính và chứng từ thanh toán tiền phải có chữ ký của kế toán trưởng hoặc người được kế toán trưởng uỷ quyền với có giá trị thực hiện; Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định; Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện các vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

Tiếp theo buổi làm việc chiều nay, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thống kê; Uỷ viên Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Trịnh Huy Quách đọc dự thảo Luật thống kê; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Lê Quang Bình đọc Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; Uỷ viên Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đọc dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ngày mai (Chủ nhật), Quốc hội nghỉ. Thứ hai, các đại biểu sẽ thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2002; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2003.

Hồng Phúc - Từ Hội trường Ba Đình, Hà Nội.


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,