221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
60750
Việt Nam - WTO con đường đang rút ngắn
1
Article
null
Việt Nam - WTO con đường đang rút ngắn
,

 

(VietNamNet) - ''Mục tiêu năm 2005 trở thành thành viên WTO của Việt Nam đang dần thành hiện thực'' - Tuyên bố này vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra sáng nay tại hội thảo ''Việt Nam sẵn sàng gia nhập WTO''. 

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng khẳng định: ''Đối với Việt Nam, việc gia nhập một tổ chức quốc tế bao gồm 146 thành viên, chiếm tới 97% xuất nhập khẩu thế giới là một giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ''. Theo ông, mục tiêu trở thành thành viên WTO sắp trở thành hiện thực, các bộ, ngành và các doanh nghiệp (DN) cần sớm có sự chuẩn bị để đối mặt với những khó khăn có thể phát sinh khi buôn bán với mức thuế quan rất thấp theo quy định của tổ chức này. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 7 và hy vọng sẽ đạt được đột phá.  

Kết quả điều tra của Viện Kinh tế đưa ra tại hội thảo cho thấy, 70% DN Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cho gia nhập WTO. 30% số DN cũng đã cảm thấy sức ép cạnh tranh tăng lên. 98% DN biết việc Việt Nam đàm phán tham gia WTO nhưng đa phần hiểu rất hạn chế.

Cuộc hội thảo hôm nay có lẽ là một hội thảo đông đủ nhất và đề cập toàn diện nhất mọi khía cạnh của tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Các diễn thuyết đã tập trung phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của việc tham gia WTO và sự chuẩn bị của DN Việt Nam cho sự canh tranh trong WTO. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm nêu lên những thách thức mà WTO đặt ra như lộ trình cắt giảm thuế, yêu cầu mở cửa thị trường tài chính, minh bạch hoá chính sách tài chính. Hiện Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một lộ trình thuế quan cho việc gia nhập WTO. Bên cạnh đó là những thách thức ngắn hạn như xây dựng được một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, cắt giảm thuế theo cam kết trong ASEAN/AFTA, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ....

Đánh giá về tiến trình đàm phán của Việt Nam, ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, cho biết: ''Thời gian tới, để gia nhập WTO theo lộ trình mà chúng ta đã biết thì nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố. Một là, sự chuẩn bị tốt về năng lực của các cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước. Hai là công tác chuẩn bị của các bộ, ngành liên quan. Ba là chương trình xây dựng pháp luật và một vấn đề rất quan trọng nữa phụ thuộc vào thiện chí đàm phán của các nước tham gia đàm phán với Việt Nam. Nếu họ tạo điều kiện thuận lợi thì tiến trình gia nhập của chúng ta thuận lợi''. Ông cũng cho biết, phiên đàm phán thứ 6 trong tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, cũng là phiên đàm phán thứ hai về mở cửa thị trường vừa diễn ra vào 12-22/5 là phiên đàm phán đa phương đầu tiên về nông nghiệp.   

Ông Rama Martin, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: "Các DN Việt Nam không nên quá lo lắng về khả năng cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, một số lĩnh vực như lương thực, dệt may...của Việt Nam có sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường quốc tế. Điều quan trọng là các bạn phải biết tập trung vào những thế mạnh của mình". Ông Klaus Rohland, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cũng tỏ ý tin rằng việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO chỉ là vấn đề thời gian và WB sẽ nỗ lực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.   

Bài phát biểu của ông Long Vĩnh Đồ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc, được đặc biệt chú ý bởi những kinh nghiệm của Trung Quốc là cực kỳ quý giá cho tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. 

Những kinh nghiệm đó đã được ông chia sẻ một cách chân thành khi trả lời phỏng vấn báo chí. VietNamNet đã ghi lại cuộc phỏng vấn này.

- Lời khuyên đầu tiên của ông cho tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam?

- Trước hết tôi muốn nói rằng, những kinh nghiệm của Trung Quốc không phải là một kinh nghiệm tốt. Quá trình đàm phán của Trung Quốc kéo dài 15 năm, lâu nhất trong tất cả các cuộc đàm phán. 15 năm đó, chúng tôi rút ra được nhiều bài học. Bài học thứ nhất, đó là xây dựng sự đồng thuận, việc các cơ quan chính phủ, ở cả các cấp cao nhất xây dựng được sự đồng thuận và một ý tưởng chung còn quan trọng hơn việc đàm phán ở Geneva. Trước kia, việc đàm phán chủ yếu do các cấp thấp đảm nhận, lãnh đạo cấp cao rất ít tham dự, chính vì thế, các cuộc thương lượng cứ kéo dài mãi. Khi chúng tôi nhận ra rằng, cốt lõi của việc gia nhập trước hết là chính trị chứ không phải kinh tế thì nhận thức thay đổi và việc thương lượng tiến triển.

- Và sau đó?

- Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, dù muốn hay không thì Trung Quốc cũng phải tham gia một cách đầy đủ, toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá. Sau những cuộc đàm phán căng thẳng thì chúng tôi cũng đã biết là có những thứ chúng ta có thể đạt được thông qua đàm phán nhưng cũng có những thứ mà dù có tốn bao nhiêu thời gian cũng không thể đạt được. Chúng tôi đã chấp nhận cam kết mở cửa ngành viễn thông nhưng không bao giờ mở cửa thị trường vốn. Đó là nguyên tắc hai bên cùng có lợi mà các bạn không bao giờ được quên trong đàm phán.

- Điều gì là quan trọng một khi sắp và đã trở thành thành viên WTO?

- Có một bài học quan trọng mà chúng tôi muốn chia sẻ với Việt Nam, đó là việc nâng cao nhận thức cho các vị trí lãnh đạo Nhà nước và các DN. Đây là việc cực kỳ quan trọng bởi nếu những người này hiểu rõ được cái được, cái mất khi vào WTO thì việc tận dụng những cơ hội cũng như tránh được những tác hại của nó mới được vẹn toàn. Một điều nữa: tính minh bạch. Các công ty nước ngoài khi vào thị trường, điều họ quan tâm nhất không phải là cắt giảm thuế hay ưu đãi này kia mà là tính minh bạch. Họ cần một sự ổn định vĩ mô. Các chính sách kinh tế của Chính phủ cần phải có tính khả đoán cao và minh bạch. Vì thế, trong thương lượng, Trung Quốc đã cam kết sẽ loại bỏ cái gọi là "tài liệu nội bộ", những tài liệu mà các công ty nước ngoài không được tiếp cận. Những tài liệu đã không được xuất bản thì cũng sẽ không "lưu trữ". 

Chúng ta cũng cần đối xử công bằng với các công ty nước ngoài. Họ cần được đối xử như những công ty trong nước. Trung Quốc đã cắt mọi khoản phí bất bình đẳng đối với DN nước ngoài khi vào làm ăn tại Trung Quốc như phí giao thông, tiền thuê cơ sở sản xuất...

- Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ những công ty trong nước trước sự cạnh tranh quốc tế khi gia nhập WTO?

- Để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, Trung Quốc đã thi hành chính sách "Cái hộp xanh". Chẳng hạn, đối với ngành sản xuất ô tô, Trung Quốc đã bảo hộ cực kỳ chặt. Hầu như tỉnh nào của Trung Quốc cũng sản xuất ô tô, các công ty nước ngoài không được xây dựng nhà máy ở Trung Quốc. Kết quả là, tuy ngành ô tô không chịu sự cạnh tranh với nước ngoài nhưng người tiêu dùng lại không được hưởng những sản phẩm chất lượng cao. Hiện chúng tôi đã thông thoáng hơn, các hãng ôtô nước ngoài đã vào làm ăn... Chúng tôi đã hiểu rằng không thể bao bọc ngành sản xuất này mãi, cần phải cho các công ty nước ngoài xây dựng những nhà máy 100% vốn để sản xuất ôtô. Những gì mà chính sách này mang lại đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi, chỉ trong 3 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất ôtô thứ 3 thế giới.

- Một câu hỏi vui, nếu ông có thể quay ngược thời gian, liệu có điều khoản nào, hay cam kết nào của Trung Quốc mà ông muốn thay đổi không?

- (Cười) Hiện nay thì bản Thoả thuận đã ký lâu rồi, phần lớn những điều khoản đều chấp nhận được với chúng tôi. Nếu có thể phàn nàn điều gì thì tôi chỉ có thể mong giá mà nó đừng kéo dài quá như vậy thôi. Tôi cũng tin là Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian đến thế.

- Xin cảm ơn ông!  

  • Đặng Dũng 

 

 

 

   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,