Quốc hội tập trung xây dựng luật kinh tế để chuẩn bị cho WTO
07:40' 07/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Việt Nam đang gấp rút xây dựng chiến lược lập pháp và tiến hành đàm phán gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sẽ tập trung vào việc ban hành mới và sửa đổi, bổ sung các dự án luật liên quan đến vấn đề này và các vấn đề kinh tế''. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển đã cho biết như vậy.

Gạo xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng.

Theo dự thảo của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Uông Chu Lưu trình bày, riêng lĩnh vực kinh tế, công tác lập pháp thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện các chế độ pháp lý về sở hữu nhằm thể chế hoá đường lối phát triển kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; Hoàn thiện chế định về quyền tự do thành lập doanh nghiệp, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; Hoàn thiện chế định hợp đồng thành chế định trung tâm của pháp luật kinh doanh, bảo đảm công dân, doanh nghiệp được tự do, dễ dàng giao kết hợp đồng và bảo đảm hiệu lực của hợp đồng.

Luật đang nhắm tới một ''nền kinh tế mở''

Chiến lược xây dựng luật của Chính phủ cũng được ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình ở các yếu tố hướng tới việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường của một nền kinh tế thị trường mở. Trong đó, chú trọng việc hình thành và phát triển thị trường bất động sản như ban hành Bộ luật Đất đai, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; hoàn thiện các công cụ pháp lý đảm bảo cho thị trường sở hữu trí tuệ theo hướng mở rộng phạm vi các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với yêu cầu của WTO, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; hình thành các cơ chế, chính sách phát triển thị trường dịch vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thương mại dịch vụ theo các nguyên tắc và chuẩn mực của GATS, đảm bảo thực hiện lộ trình tự do hoá thương mại dịch vụ đối với ASEAN, APEC, WTO; tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm phát triển thương mại điện tử theo hướng mở rộng phạm vi giao dịch trên mạng đối với tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ được phép kinh doanh.

Mục tiêu cụ thể xây dựng luật pháp đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII (năm 2012) là xây dựng được các Bộ luật lớn như Bộ luật Thương mại, Bộ luật Thuế, Bộ luật Đất đai, Bộ luật Bảo vệ môi trường. Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Thi hành án...

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề ra các nội dung để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho thị trường vốn và tiền tệ, đặc biệt tập trung cho việc vận hành an toàn và hiệu quả thị trường chứng khoán, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tài chính công, cải cách đồng bộ pháp luật về thuế theo hướng ổn định và đơn giản hơn; Hình thành đồng bộ pháp luật về các chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật như xây dựng, điện lực, bưu chính viễn thông, an ninh lương thực, thú y, thuỷ sản... và hoàn thiện khung pháp luật về tài nguyên môi trường.

Sẽ không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng luật

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu trình bày, số dự án được dự kiến đưa vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004 gồm 49 văn bản, trong đó có 14 dự luật thuộc chương trình chính thức, 12 dự luật dự bị và 15 dự thảo pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu tính cả các dự án do một số tổ chức, cơ quan khác, do đại biểu QH đề nghị và các dự án thuộc chương trình năm 2003 còn chưa xong chuyển sang thì tổng số lên tới 69 văn bản (30 dự án thuộc chương trình chính thức, 12 dự án luật thuộc chương trình dự bị và 27 dự án pháp lệnh, nghị quyết).

Nhưng ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã không đồng ý với chương trình dày đặc này bởi ''khối lượng công việc là quá lớn, khó có khả năng hoàn thành''. Ông phân tích: ''Năm 2003, mặc dù việc soạn thảo, thẩm tra và xem xét thông qua các dự án luật đã được cải tiến nhưng cả năm Quốc hội chỉ có thể thông qua 17 dự án (một con số kỷ lục từ trước đến nay)''. Đa số các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ cũng đều cho rằng, kế hoạch xây dựng pháp luật mà Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội năm tới là quá nặng.

Tán đồng với phân tích này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định rằng Quốc hội sẽ không  chạy theo yêu cầu về số lượng của các cơ quan soạn thảo mà bỏ qua chất lượng của các dự án luật. ''Sẽ điều chỉnh một số nội dung trong chương trình xây dựng pháp luật mà Chính phủ đề nghị. Dự kiến sẽ có khoảng 17 dự án luật và bộ luật được trình để Quốc hội thông qua trong năm 2004'', Chủ tịch An nói.

  • Hồng Phúc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất (06/10/2003)
85 tỷ đồng XD công trình cấp nước cho đồng bào thiểu số (06/10/2003)
Điện thoại di động ngoài luồng mua đâu cũng có! (06/10/2003)
Vàng thế giới giảm, vàng trong nước giữ giá (06/10/2003)
Thêm 32 dự án đầu tư vào ngành dệt may (06/10/2003)
Thêm một công ty chứng khoán (06/10/2003)
Xuất khẩu trái cây sang Trung quốc cần được hỗ trợ gấp (06/10/2003)
Đầu tư khảo sát và thăm dò dầu khí tại Indonesia (06/10/2003)
Khai trương siêu thị trái cây ở TP.HCM (06/10/2003)
Mỗi hécta mía ở Lai Châu lỗ tới 66 triệu đồng (06/10/2003)
Bảo hộ thương hiệu cá basa (06/10/2003)
Có gì đảm bảo cho sự an toàn của công trình? (06/10/2003)
Nhà được giao dịch nhiều hơn đất tại Hà Nội (05/10/2003)
Công ty cổ phần Bông vải Tây Nguyên bán 30% cổ phần cho nông dân (05/10/2003)
Khai thác dòng dầu đầu tiên ở vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia (05/10/2003)
Tro ve dau trang