(VietNamNet) - Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị vừa đã chuyển công văn đến các Bộ Thủy sản, NN-PTNT, Thương mại, Khoa học Công nghệ, Tư pháp…, nêu rõ: “Một số doanh nghiệp Việt Nam muốn đồng hóa tên gọi cá tra thành cá basa, vì cá basa chỉ được nuôi khoảng trên dưới 5.000 tấn, còn cá tra đến trên 100.000 tấn. Doanh nghiệp nào đưa hàng ra cũng nói là cá basa''.
|
Nuôi cá basa ở An Giang |
Ông Nhị thông báo: ''Gần đây, khi tập đoàn M. đến An Giang làm việc, ta chào hàng cá basa thì họ chê đắt, rồi đưa cá tra thịt vàng (nuôi hầm) để so giá với cá basa và từ chối mua… Từ vấn đề vừa nêu trên, trong thời buổi hội nhập thế giới hiện nay, cung cách làm ăn như thế chỉ tiếp tục làm cho Việt Nam bị mất uy tín trên thương trường mà thôi… Đề nghị Quý Bộ quan tâm và có ý kiến chỉ đạo, nhằm bảo vệ uy tín quốc gia…”.
Hiện tượng “đánh lận” tên tuổi của một sản phẩm có giá trị như thế là đã đến mức báo động thực sự. Thậm chí, ông Bửu Huy, Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản An Giang Afiex khẳng định rằng, gần đây, khi đi thăm nhiều siêu thị tại TP.HCM, ông cũng thấy hiện tượng đặt “lộn” tên này rất phổ biến. Và dĩ nhiên, theo ông, đi kèm theo đó là việc “đánh lận” cả giá bán.
|
Sản phẩm cá basa của An Giang đang được người nội trợ ưa thích. Ảnh: NGUYÊN VŨ |
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 6.000 đồng/kg, trong khi giá cá basa lên đến 12.000 đồng/kg. Vấn đề lớn hơn không chỉ là giá bán mà chính là vấn đề uy tín làm ăn trong quá trình hội nhập quốc tế, nơi mà chữ tín cần phải được đặt lên hàng đầu.
|