Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo
17:26' 17/10/2003 (GMT+7)
Nỗ lực trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

(VietNamNet) - Hôm nay (17/10), trong khi Hội nghị Kinh doanh Gạo thế giới diễn ra, thì ngoài hành lang, nhiều cuộc trao đổi, thỏa thuận mua bán gạo đã được thực hiện giữa DN Việt Nam và các đối tác. Trao đổi với PV VietNamNet, ông Manzoor Ahmad Bhatti - Giám đốc Multitrade Group (Dubai) - tập đoàn kinh doanh XNK gạo lớn, chủ yếu bán sang Trung Đông và châu Phi, tiết lộ, nhiều khả năng, Multitrade sẽ mua khoảng 5.000 tấn gạo từ  Vinafood II thời gian tới.

Đó chỉ là một trong số những con số cụ thể, được các nhà xuất khẩu gạo thông báo tại hội nghị. Nhiều nhà kinh doanh quốc tế hy vọng, họ sẽ còn quay trở lại Việt Nam để mua gạo, hoặc trao đổi số điện thoại, name card để tiếp tục liên lạc, thỏa thuận cho những hợp đồng mới.

Ông Lê Xuân Minh, Phó Phòng Kinh doanh - Kỹ thuật - Đầu tư, Công ty Lương thực - vật tư nông nghiệp Bình Tây (Vinafood II), một trong số 70 DN kinh doanh gạo tìm kiếm cơ hội từ hội nghị này, cho VietNamNet biết: "Chúng tôi đến đây với mong muốn được gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu cơ hội với các nhà kinh doanh gạo thế giới. Trên thực tế, Bình Tây đã có thêm nhiều mối quan hệ, gặp được nhà thầu mà công ty đã có quan hệ làm ăn, song giờ mới biết mặt. Vào thời điểm này, việc ký kết hợp đồng gạo khó, bởi gạo hiện rất ít. Tuy nhiên, theo tôi được biết, nhu cầu gạo của các nhà nhập khẩu rất lớn".

Ghi nhận từ gạo Việt Nam

Đến nay, không ai có thể phủ nhận được sự thành công trong phát triển sản xuất, cũng như xuất khẩu gạo của Việt Nam, không những về sản lượng, mà cả chất lượng, khả năng đàm phán, thương lượng và cập nhật thông tin thị trường thế giới. Ông Kedar Bedekar, Phụ trách Bộ phận Giao dịch Gạo của Noble Grain Pte Limited, tập đoàn thu mua gạo của Singapore tại 11 thị trường, nói với VietNamNet: "Trước hết, phải nói rằng tôi rất tự hào khi được làm việc với các nhà kinh doanh gạo Việt Nam. Chúng tôi đã có quan hệ làm ăn mật thiết với các công ty lương thực từ nhiều năm nay, đặc biệt là Công ty Lương thực Long An. Hiện nay, Noble Grain đang mua khoảng 20.000 tấn gạo Việt Nam mỗi năm. Dự kiến, năm 2003 và thời gian tới, chúng tôi còn nâng số lượng gạo mua từ Việt Nam lên nữa".

Ông Manzoor Ahmad Bhatti, Giám đốc Tập đoàn Multitrade Group, cũng đánh giá rất cao chất lượng gạo của Việt Nam, với nguồn cung ổn định, mẫu mã khá. "Đến với hội nghị gạo lần này, chúng tôi đã gặp gỡ đối tác Vinafood II, và nhiều khả năng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mua của công ty này 5.000-8.000 tấn gạo". Theo ông Manzoor, họ rất tin tưởng khi làm ăn với các đối tác Việt Nam. Phía DN Việt Nam luôn có trách nhiệm về số lượng, thời gian giao hàng... theo hợp đồng mà tập đoàn ông đã ký.

Louis Dreyfus Trading Ltd., công ty Thụy Sĩ chiếm tới 80% thị phần gạo châu Phi, đơn vị vào Việt Nam từ ngày đầu mở cửa (năm 1989), hiện có quan hệ kinh doanh rất tốt với 6 công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam, như Vinafood II, Long An... Ông Thierry Forichon, Giám đốc Công ty, cho biết, mỗi năm, Louis Dreyfus vẫn thực hiện trên dưới 10 hợp đồng lớn nhỏ với DN Việt Nam, chiếm 9% sản lượng gạo xuất khẩu.

Nâng chất lượng gạo từ khâu giống

Trò chuyện với VietNamNet, ông Nguyễn Thế Trân, Giám đốc điều hành Công ty XNK - Thầu khoán - Tư vấn Alheed International, có trụ sở tại Philippines và văn phòng đại diện tại TP.HCM, cho biết, gạo Việt Nam xuất qua Philippines rất tốt. Alheed International đã xuất được 3-4 năm nay, năm 1999 đạt 10.000 tấn. Do ngày càng có nhiều công ty Philippines qua Việt Nam mua gạo nên công ty gặp sự cạnh tranh nhất định. Tuy nhiên, ông Trân cho rằng, chất lượng gạo Việt Nam đôi khi bị pha lẫn. Quá trình chà xát đã làm gạo bị gãy và không đảm bảo độ bóng, chất lượng thấp hơn so với yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, do đặc thù của Việt Nam là lượng mưa cao, ít tận dụng được ánh nắng mặt trời, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, đất lại tận dụng hết cho sản xuất nên tìm được một sân phơi gạo là rất khó.

Ông Kedar Bedekar, Tập đoàn Noble Grain Pte Limited, cũng nhận xét, Việt Nam chỉ mới chiếm lĩnh được thị trường gạo dành cho những tầng lớp trung lưu ở các nước. Trên thực tế, Việt Nam chưa có ưu thế về gạo chất lượng cao, nếu không muốn nói là thua kém gạo Thái Lan.

Rõ ràng là, việc làm thế nào để nâng cao chất lượng gạo đã được Bộ NN-PTNT, cũng như UBND các địa phương, nhà khoa học đặt ra từ lâu, và hiện rất cần một giải pháp toàn diện. Song, ông Lê Xuân Minh, cho rằng, nguyên nhân chính khiến chất lượng gạo Việt Nam chưa đồng đều là khâu giống. Do vậy, việc làm quan trọng nhất hiện nay là phải cải tạo được giống lúa. Ông Minh cho biết, trên một diện tích nhất định, Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân chỉ nên gieo trồng một loại lúa, do các nhà chuyên sản xuất giống cung cấp. Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù giống tốt, nhưng nông dân lại tự tạo giống thế hệ sau nên sớm bị thoái hoá.

Năm nay, Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 4 triệu tấn gạo.

"Trên một đồng ruộng Việt Nam, diện tích sản xuất lúa chỉ là 1ha, hay 2-3ha, đã được coi là nhiều. Không những thế, chỗ thì trồng giống lúa này, chỗ kia lại trồng giống lúa khác nên sự lai tạo đã làm cho chất lượng gạo không đều", ông Minh nói. Do vậy, ông kiến nghị, Pháp lệnh về Giống cây trồng phải được áp dụng thẳng với bà con nông dân.

Được thành lập năm 1923, trước đây, Bình Tây là một trong những nhà máy gạo lớn nhất Đông Nam Á. Từ năm 2000, song song với việc cung cấp gạo cho Vinafood II, công ty bắt đầu xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Năm 2002, Bình Tây đã xuất được khoảng 150.000 tấn, 9 tháng năm nay cũng đạt trên 100.000 tấn. "Chúng ta phải có gạo thơm đặc biệt, được đăng ký thương hiệu, tiêu thụ tốt trong nước trước khi "đem chuông đi đánh xứ người". Thái Lan làm gạo thơm rất tốt nên họ bán được 500 USD/tấn, còn Việt Nam, do chất lượng chưa cao, lại bán dưới mác gạo nước khác, nên chỉ 300 USD/tấn", ông Minh ca thán. Năm nay, Bình Tây đã ký hợp đồng được 3.000ha gạo thơm để xuất khẩu.

Các yếu tố khác

Ngoài yếu tố chất lượng, giá gạo của Việt Nam cũng còn cao. Theo ông S.Zulfiqar Ali R., Giám đốc Công ty Zatco Group (Pakistan), nếu so sánh với Việt Nam, Pakistan chỉ là một nước sản xuất và xuất khẩu gạo nhỏ. Năm nay, Pakistan hy vọng sẽ xuất được 1,9 triệu tấn. Mặc dù ghi nhận sự gia tăng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ 2 năm qua, song, ông S.Zulfiqar lại cho rằng, giá gạo của Việt Nam còn cao, phụ thuộc vào thời vụ. Ngoài ra, chưa có một giá gạo thống nhất giữa các công ty trong nước để cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Manzoor Ahmad Bhatti, Giám đốc Tập đoàn Multitrade Group, thì lưu ý, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam còn thiếu khả năng cung cấp cho những đơn hàng thật lớn; khả năng giao hàng FOB kém; thiếu hệ thống cảng và đội tàu trọng tải lớn để đáp ứng các đợt hàng lớn và cần vận chuyển trong thời gian nhanh nhất. Điều này thì Việt Nam thua Thái Lan.

Bên cạnh đó, do phí vận chuyển cao, gạo Việt Nam đang gặp cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan khi xuất sang châu Phi. Ông Đinh Dương Chiến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh và Tiếp thị (Vinafood II), cho biết, từ Việt Nam xuất qua châu Phi, phí vận chuyển là 45-50 USD/tấn, còn xuất từ Ấn Độ hay Pakistan chỉ 20 USD/tấn, nên giá gạo của họ rẻ hơn. Ngoài ra, DN Việt Nam còn gặp vướng về khâu thanh toán, số lượng. Khách hàng châu Phi thường chỉ mua 500, 1.000 hay 2.000-3.000 tấn mỗi lần, các công ty Việt Nam không thể thuê tàu nhỏ để vận chuyển. Thanh toán lại là trả chậm, hoặc trả bằng tiền mặt. Do đó, DN Việt Nam thường phải thông qua một công ty nước ngoài, bởi họ đã kinh doanh tại thị trường này từ lâu.

Nói với VietNamNet, ông Kedar Bedekar cũng đưa ra lời khuyên, Việt Nam cần cải tiến gấp mẫu mã gạo, tăng cường yếu tố KHKT trong sản xuất. "Nhiều khi, chúng tôi muốn mua cùng một loại gạo, với số lượng lớn, có chất lượng, mẫu mã như nhau cũng không được vì các bạn thiếu yếu tố sản xuất lớn" - ông Kedar Bedekar nhấn mạnh.

  • Hà Yên - Phương Thanh

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam tham gia Hội nghị các nhà tài trợ Iraq (17/10/2003)
Ðầu cơ đất tại Gia Lâm tăng (17/10/2003)
Đầu tháng 11 khai thác mỏ dầu Sư Tử Đen (17/10/2003)
Đã huy động được hơn 133 tỷ đồng và 1,4 triệu USD (17/10/2003)
Giám đốc hai Sở XD và TNMT ký cấp giấy chủ quyền nhà, đất (17/10/2003)
Giá điện thoại di động tiếp tục giảm (17/10/2003)
164 bản ghi nhớ và hợp đồng được ký tại Expo 2003 (17/10/2003)
Giảm giá vé máy bay đi Trung Quốc (17/10/2003)
Khai trương phòng thương mại Bỉ tại TP.HCM (17/10/2003)
Tìm cơ hội thâm nhập vào thị trường EU (17/10/2003)
Hàng nội thất tre sang Pháp (17/10/2003)
Liệu có "cháy" hàng vật liệu xây dựng? (17/10/2003)
TP.HCM thiếu 1.000ha đất để di dời DN gây ô nhiễm (17/10/2003)
Người dân sẽ không phải đăng ký giá đất với chính quyền (17/10/2003)
6 công văn để nhập khẩu 5 bao thuốc lá (16/10/2003)
Tro ve dau trang