Thiếu nguyên liệu - căn bệnh trầm kha của các nhà máy chế biến. |
(VietNamNet) - Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển rau quả, đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến vẫn trong tình trạng đói nguyên liệu. Nhà máy cao nhất mới chỉ đạt 60% công suất, cá biệt có nhà máy chỉ đạt 1-2% công suất, tính bình quân tất cả chỉ đạt 20-25% công suất.
Trước hết, xin đề cập đến lĩnh vực chế biến dứa, một trong những ngành chế biến chủ lực trong chương trình phát triển rau quả. Số liệu của Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối cho thấy, tại Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, diện tích vùng nguyên liệu dứa hiện có là trên 3.350ha, trong đó có 1.630ha dứa kinh doanh. Sản lượng dứa năm 2003 ước đạt 36.000-38.000 tấn, con số chỉ đủ cho dây chuyền sản xuất dứa đồ hộp (công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm). Nếu cả 4 dây chuyền chạy đủ công suất, kể cả dây chuyền nước dứa cô đặc 5.000 tấn/năm, nước quả tự nhiên 1.500 tấn/năm và đông lạnh IQF 1.500 tấn/năm, Đồng Giao sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Vụ dứa vừa qua, nhà máy chỉ tự cân đối được gần 60% nhu cầu nguyên liệu.
Một trường hợp điển hình khác, đó là Công ty Thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang. Mặc dù "tọa" giữa vùng nguyên liệu 9.000ha dứa, song, nhà máy vẫn đói, đơn giản vì đây là vùng cung cấp dứa cho toàn bộ các nhà máy chế biến tại ĐBSCL. Mặt khác, vùng sản xuất dứa chủ lực của Kiên Giang thường bị lũ lụt nên việc trồng trọt không ổn định. Bản thân công ty này cũng có một nông trường rộng tới 2.800ha, song, chỉ trồng được gần 540ha, cho 700 tấn quả vụ vừa qua. Sản lượng dứa năm 2003 ước đạt 2.000 tấn, chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu nguyên liệu.
Ngoài dứa, cà chua nguyên liệu từ lâu cũng không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến. 2003 là năm thứ ba liên tiếp, Nhà máy Chế biến Cà chua Hải Phòng ngao ngán vì thiếu cà chua để sản xuất. Hàng loạt biện pháp đã được triển khai để có vùng nguyên liệu, như hỗ trợ giống, ký kết hợp đồng với nông dân... , song, xem ra không đem lại hiệu quả thiết thực do trục trặc về thời tiết, giống, sâu bệnh, cơ chế thu mua. Hậu quả thì ai cũng rõ, vụ đầu tiên (1999-2000), nhà máy chỉ sản xuất được 80 tấn sản phẩm (đạt 2,1% công suất), vụ tiếp (2001-2002) chỉ thu được 1 tấn (đạt 0,03%) và vụ vừa qua 50 tấn (đạt 1,3%). Việc chế biến các loại rau quả khác, như chôm chôm, dưa chuột, ngô bao tử... do đầu ra còn hạn hẹp nên trước mắt, nguồn nguyên liệu vẫn đang ổn.
Có tình trạng trên, theo một số chuyên gia nông nghiệp, là do chưa có quy hoạch và kế hoạch cụ thể cho từng địa phương, từng loại rau quả. Chưa đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu về tuyển chọn, phát triển giống. Việc tổ chức chỉ đạo, quản lý, xây dựng vùng nguyên liệu còn nhiều bất cập, mà nguyên nhân chính là coi nhẹ phát triển vùng nguyên liệu, dẫn tới tốc độ phát triển vùng nguyên liệu không theo kịp tốc độ xây dựng nhà máy chế biến. Do đói nguyên liệu, sản xuất không hiệu quả, một số nhà máy mới đầu tư đã gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Một loạt nhà máy chế biến khác, cũng bắt đầu được khởi công hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện, như dây chuyền nước quả cô đặc của Nhà máy Chế biến rau quả Long Khánh, Dự án nhà máy chế biến rau quả, thuỷ sản của Công ty Vận tải và đại lý vận tải, Nhà máy Chế biến rau quả Như Thanh - Thanh Hoá, Nhà máy nước dứa cô đặc của Công ty CP Thựa phẩm Nghệ An... thì không ai hiểu, liệu chúng có thoát khỏi tình trạng đói nguyên liệu như các nhà máy sẵn có hay không?
Để giải quyết một phần tình trạng trên, Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối cho biết, trước mắt, Cục sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quy hoạch, căn cứ vào quy hoạch 7 vùng sinh thái của Bộ NN-PTNT. Đồng thời, xác định 3-5 loại cây trồng chủ lực, có sản lượng khá, có lợi thế cạnh tranh; sau đó, tiến hành quy hoạch và lập đề án phát triển các sản phẩm này, từ khâu giống đến trồng trọt, bảo quản, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu.
Đối với sản xuất nguyên liệu, nhiệm vụ hàng đầu là phát triển vùng nguyên liệu của sản phẩm đang có thị trường, có lợi thế cạnh tranh, như dứa, nấm, măng, hồ tiêu, nhất là cho các nhà máy đã xây dựng. Đặc biệt, Cục đề nghị tạm dừng đầu tư xây mới các cơ sở chế biến rau quả, chỉ phê duyệt đầu tư xây dựng mới trên nguyên tắc: có hơn 50% diện tích nguyên liệu, địa phương có quyết tâm cao trong xây dựng vùng nguyên liệu (thể hiện qua việc hỗ trợ cơ chế, chính sách).
- Hà Yên