(VietNamNet) - Ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, nhằm thay thế 5% số lò thủ công hiện có, 100 lò sấy vải theo mô hình thủ công cải tiến sẽ được chuyển giao cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; 200 lò sấy long nhãn tại Hưng Yên và một số tỉnh khác. Dự kiến, kinh phí thực hiện khoảng 2,5-3 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng tỷ lệ tiêu thụ quả tươi, đặc biệt là vải lên 60%, đạt khoảng 75.000-80.000 tấn; 100 lò sấy trên sẽ đảm bảo được 35% sản lượng vải tươi, tức 45.000 tấn vải. 67.000 tấn nhãn tươi cũng sẽ được sấy khô, chiếm một nửa sản lượng nhãn các tỉnh phía Bắc và 1/5 sản lượng nhãn tại các tỉnh phía Nam. Từ đó, mới hy vọng giữ được giá vải không xuống thấp hơn nhiều so với mức giá bình quân 4.500 đồng/kg tại Lục Ngạn.
Song, chế biến vải hộp và các sản phẩm khác từ vải mới đạt 5.000 tấn. Năm ngoái, Tổng công ty Rau quả mới sản xuất được 2.200 tấn vải hộp. Do vải chín rộ trong thời gian rất ngắn nên lượng chế biến chỉ đạt ở mức nhỏ. Một số nhà máy trang thiết bị không đồng bộ, thiếu phương tiện bảo quản lạnh, gây khó khăn cho chế biến.
Do vậy, việc bảo quản nhãn, vải năm nay rất được chú trọng. Ông Khang cho biết, Cục Chế biến nông lâm sản đã phối hợp Viện nghiên cứu Cơ điện, ĐH Nông nghiệp 1 chuyển giao công nghệ bảo quản vải ngắn và dài hạn ở các tỉnh phía Bắc. Từ niên vụ 2003 sẽ áp dụng cho 50 hộ tại tỉnh Bắc Giang, 30 hộ ở Hải Dương, 20 hộ ở Quảng Ninh. Sản lượng vải tươi dự kiến được bảo quản là 1.200-1.500 tấn. Kinh phí dành cho bảo quản 3-3,5 tỷ đồng.
Các địa phương cũng xây dựng 10 mô hình sản xuất long nhãn quy mô vừa và nhỏ ở Hưng Yên; hướng dẫn chế biến long nhãn thành sản phẩm hàng hoá có giá trị thương phẩm cao.
Tổng kinh phí thực hiện chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho vải, nhãn niên vụ 2003 khoảng 8-10 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn lắp các lò ấy nhãn vải cải tiến, lãi suất 3%/năm, thời gian trả trong vòng 3 năm. Bộ NN-PTNT yêu cầu, việc tổ chức chuyển giao và tiếp nhận công nghệ cần được tiến hành vừa khẩn trương, vừa cụ thể, sát tình hình thực tế; tuy năm nay mới triển khai một cách khiêm tốn, nhưng sẽ tạo sơ sở cho việc phát triển ổn định, đúng hướng các năm tiếp theo. Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức tổng kết việc thực hiện chuyển giao công nghệ sấy khô và bảo quản nhãn, vải vào cuối vụ, rút kinh nghiệm cho mùa sau.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bạch Quốc Khang cho rằng, quan trọng là chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, từ việc xây dựng giao thông, hạ tầng cơ sở, các nhà máy chế biến đến sấy khô và bảo quản... Các địa phương cần khuyến khích tư nhân, DN, nhà máy chế biến ký hợp đồng tiêu thụ với bà con. Khi DN đầu tư vốn, công nghệ vào vườn vải, nhãn, sẽ thu được quả đảm bảo chất lượng. Trả cho nông dân với giá hợp lý, nếu giá thị trường xuống thấp, họ sẽ được hỗ trợ từ phía địa phương. Riêng nông dân có thể yên tâm về đầu ra cho quả vải.
Tuy nhiên, theo báo NNVN, điều mà lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn và người trồng lo lắng nhất là dịch SARS. Trong khi chỉ 30% số quả tươi tiêu thụ trong nước, thì đầu ra phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, với 100% quả sấy được xuất qua các cửa khẩu. Dịch SARS bùng nổ, 3/4 cửa khẩu xuất vải thiều là Chi Ma, Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) bị đóng cửa vô thời hạn, nên mọi hy vọng dồn vào cửa khẩu Cốc Lếu (Lào Cai) và Hà Khẩu (Vân Nam).
Ông Tăng Dưởng, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, sau khi lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có buổi làm việc với huyện Hà Khẩu, bước đầu, phía bạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ giúp Bắc Giang 8.000-10.000 tấn quả tươi; đồng thời, xem xét khả năng đưa vải tươi vào tiêu thụ ở các tỉnh tiếp giáp với Vân Nam (gồm 5 tỉnh với gần 250 triệu dân).
|