|
Thủ tướng Phan Văn Khải tham quan gian trưng bày tại hội thảo. |
(VietNamNet) - Phát biểu tại Hội thảo "Việt Nam - châu Phi, những cơ hội hợp tác trong thế kỷ XXI" chiều 28/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, hai bên cần thường xuyên mở các diễn đàn trao đổi về phát triển nông nghiệp; tạo điều kiện cho cán bộ, chuyên gia của Việt Nam và các nước châu Phi gặp gỡ trao, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh lương thực, xóa đói nghèo.
Sau khi giới thiệu thành tựu của nông nghiệp Việt Nam với các đại biểu châu Phi, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã thông báo những kết quả của sự hợp tác 3 bên: Việt Nam - châu Phi + một tổ chức hỗ trợ. Thứ trưởng cho biết, những năm gần đây, với sáng kiến của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), một loạt các thỏa thuận về hợp tác 3 bên đã được ký kết và thực hiện. Đến nay, trên 100 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam đã làm việc ở Senegal về trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi, quy hoạch thuỷ lợi, chế biến lúa gạo. Năm 2003, 27 cán bộ Việt Nam sẽ tiếp tục sang Senegal thực hiện công việc đào tạo. 19 chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cũng đã sang Benin, 18 đến Madagascar, trên 30 người chuẩn bị sang Congo, 4 tại Namibia.
Tại hội thảo, được sự ủy quyền của Tổng thống Senegal, Đại sứ Senegal tại Nhật Bản Gabriel Alexandre Sar đã trao tặng Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam, ông Lê Huy Ngọ, Huân chương Quốc gia hạng Sư tử, vì những đóng góp của Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực của Senegal. |
Các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng lúa với quy mô 2-3ha và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Sau đó, mở rộng quy mô thử nghiệm, tăng điểm trình diễn và tăng diện tích. Năng suất lúa vùng có tưới đã đạt 5-6 tấn/ha. Với các cây trồng khác, việc hướng dẫn thử nghiệm cũng cho kết quả tốt tương tự.
Phía Việt Nam kiến nghị, các nước châu Phi nhận chuyên gia Việt Nam nên lựa chọn những địa bàn thích hợp để xây dựng mô hình trình diễn; lựa chọn công tác viên là người địa phương, có trình độ và thời gian. Bên cạnh đó, các thủ tục đối với chuyên gia Việt Nam cần được các cơ quan quản lý giải quyết mau lẹ, tránh lãng phí thời gian, làm lỡ thời vụ sản xuất nông nghiệp và tính liên tục trong công việc, đặc biệt là giai đoạn sau nghỉ phép khi kết thúc nhiệm kỳ 2 năm công tác.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kiến nghị, nên tổ chức hội nghị đánh giá hàng năm giữa 3 bên để kiểm điểm công tác thực hiện các thỏa thuận và đánh giá các kết quả đạt được. Trao đổi với VietNamNet về đề xuất này, Đại diện FAO tại Việt Nam, ngày Joseph Tchicaya, rất hoan nghênh và cho biết, sẽ cân nhắc để bàn bạc với các bên để thực hiện.
Về quan hệ hợp tác nông sản, nên xây dựng một cơ chế cụ thể thông qua các hiệp định song phương để thuận lợi trong hợp tác, buôn bán. Nhiều hàng nông sản Việt Nam rất cần cho các nước châu Phi như gạo, cà phê, đường, sữa, hạt tiêu... giá rẻ, phù hợp với tiêu dùng.
|
Chuyên gia Việt Nam hướng dẫn nông dân châu Phi trồng lúa. |
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, đại biểu đến từ các nước châu Phi cũng trình bày tiềm năng nông nghiệp mà mong muốn hợp tác với Việt Nam. TS. Magzoud E. Ahmed, Bộ trưởng Nông lâm nghiệp Sudan, cho biết, hiện nay, mới có 20% trong tổng số 84 triệu ha diện tích đất canh tác của quốc gia này được sử dụng. Ngành thuỷ lợi hiện có nhiều tiềm năng để mở rộng. Sudan còn có một diện tích đáng kể các đồng cỏ có thể chăn nuôi các loại động vật chất lượng cao, với khoảng 38 triệu gia súc, 47 triệu con cừu, 40 triệu con dê và 3 triệu lạc đà. Hiện tiềm năng này vẫn còn chưa được khai thác do sự yếu kém của công tác tiếp thị và chế biến.
Đại sứ Cộng hòa Công gô tại Bắc Kinh Pierre Passi mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong lĩnh vực nông nghiệp với châu Phi, nơi mà nạn thiếu lương thực vẫn xảy ra.
Sự thành công của hình thức hợp tác ba bên đã được khẳng định trong Chương trình đặc biệt về an ninh lương thực (PSSA) được thực hiện trong 3 năm (1999-2002) giữa Việt Nam, FAO và Senegal. Chương trình đang được kéo dài thêm một năm, được Chính phủ Senegal và FAO đánh giá là mô hình mẫu để nhân lên ở một số nước đang phát triển khác như Benin, Madagascar, Lào và Congo.
Trong khuôn khổ hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Thị Hồng Minh đã giới thiệu những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thuỷ sản, tiềm năng và cơ hội hợp tác với các nước châu Phi. Đến nay, thuỷ sản Việt Nam đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với châu Phi, chúng ta đã ký biên bản ghi nhớ với Ghana về hợp tác nghề cá, đang xúc tiến ký kết biên bản hợp tác với Namibia, Sudan..., phối hợp với Bộ NN-PTNT xúc tiến đàm phán với Angola và Tunisia về hợp tác trong nông nghiệp, trong đó có thuỷ sản. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thuỷ sản giữa Việt Nam và châu Phi chưa được quan tâm nhiều.
Bà Minh cho rằng, hai bên cần tăng cường trao đổi thống tin trong lĩnh vực phát triển thuỷ sản giữa hai bên về thị trường, kinh nghiệm quản lý, công nghệ sản xuất; tích cực kêu gọi nguồn lực để hợp tác 3 bên, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khuyến ngư thông qua các dự án do các tổ chức quốc tế, các nước phát triển tài trợ cho các nước châu Phi.
"Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản sang châu Phi rất khó do thu nhập tại đó thấp, nhưng chúng ta có thể hợp tác trong việc nuôi trồng và chế biến thuỷ sản tại châu Phi trước khi xuất sang một nước thứ ba", một quan chức trong ngành nói với VietNamNet. |
|