Kể từ ngày 31/5, các nhà sản xuất và kinh doanh đường ở phía Nam đồng loạt tạm ngưng bán đường ra thị trường để giảm cung, vực giá lên. Liệu người tiêu dùng có bị thiệt bởi kế hoạch này?
|
Đường viên |
Vì sao phải tạm ngưng bán đường?
Ngày 28 và 31/5, các nhà sản xuất và kinh doanh đường đã thống nhất phối hợp thực hiện kế hoạch giảm cung để nâng giá đường. Cụ thể: các nhà sản xuất đồng loạt dừng bán đường ra thị trường trong vòng một tháng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh kinh doanh tiêu thụ hết số đường đang nắm giữ và nâng giá bán lên mức hợp lý, sau đó trở lại mua bán bình thường. Như vậy, dừng bán đường không nhằm tạo ra khan hiếm, mà chỉ không đưa thêm đường vào lưu thông trong một thời gian, qua đó giảm lượng cung trên thị trường hiện đang vượt quá cầu.
Thời gian qua, do áp lực phải trả tiền mua mía cho nông dân, trong khi các ngân hàng không cho vay thêm tiền, các nhà máy phải đẩy đường ra bán khiến giá giảm dưới giá thành sản xuất. Trước đó, từ đầu vụ Hiệp hội Mía đường thống nhất mua hết mía đã hợp đồng với nông dân theo giá bảo đảm có lãi. Giá mua tại ruộng 200.000-220.000 đồng/tấn mía hoặc tại bàn cân của nhà máy 240.000-260.000 đồng/tấn (chất lượng 10 chữ đường). Để mua mía giá tốt cho nông dân thì giá bán đường phải ở mức 4.000-4.500 đồng/kg (đường sản xuất trực tiếp từ mía-còn gọi là đường RS) và 4.500-5.000 đồng/kg (đường tinh luyện-RE). Các nhà máy đã thực hiện đúng cam kết với nông dân nhưng lại không giữ được giá đường, có lúc chỉ còn 3.700 đồng/kg (RS) và 3.900 đồng/kg (RE). Nếu cứ kéo dài tình trạng này, các nhà máy sẽ thua lỗ và không thể duy trì chính sách mua mía theo giá bảo đảm có lãi cho nông dân trong vụ sản xuất tới, bắt đầu từ tháng 10.
Giá sẽ tăng lên bao nhiêu và người tiêu dùng có phải trả thêm tiền để mua đường?
Việc các nhà máy ngưng bán đường sẽ không gây thiệt hại cho người tiêu dùng vì nhiều lý do. Thứ nhất, giá đường đang dưới giá thành, nay có tăng cũng khó trở lại mức cao của cách đây 3-5 năm. Trước đây, 1,25 hộp sữa mới bằng 1 kg đường thì nay gần 2 kg đường mới bằng 1 hộp sữa. Thứ hai, thời gian qua giá bán lẻ đường trên thị trường cho người tiêu dùng giảm không nhiều trong khi giá bán từ các nhà máy giảm liên tục, khoản chênh lệch chủ yếu rơi vào khâu lưu thông. Tới đây khi giá bán đường từ nhà máy có nhích lên, chủ yếu cũng chỉ điều tiết lại khoản chênh lệch mà các doanh nghiệp tham gia khâu lưu thông đang hưởng. Thứ ba, có đến 60% sản lượng đường được tiêu thụ bởi các nhà máy chế biến thực phẩm (nước ngọt, bánh kẹo...). Thời gian qua, giá đường giảm mạnh nhưng giá bán các sản phẩm bánh kẹo và nước ngọt giảm không nhiều, các đơn vị chế biến được lợi vì giảm chi phí đầu vào, còn ngành đường bị thiệt. Lượng đường do người dân tiêu dùng trực tiếp chỉ chiếm khoảng 40% sản lượng, do vậy mức độ ảnh hưởng khi giá đường tăng cũng giảm theo.
Kinh nghiệm cho thấy, khó xảy ra tình trạng giá đường tăng nóng khi dừng bán đường, vì chỉ cần giá tăng cao hơn mức Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã xây dựng thì đường nhập lậu sẽ tràn vào đẩy giá xuống ngay. Đã từng xảy ra tình trạng này ở vụ mía đường 2000-2001, khi đó đã có đến vài trăm ngàn tấn đường Thái Lan tràn vào Việt Nam.
(Theo Tuổi Trẻ) |