(VietNamNet) - Bài phát biểu của ông Long Vĩnh Đồ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc được đặc biệt chú ý tại hội thảo về gia nhập WTO. Những kinh nghiệm đó đã được ông chia sẻ một cách chân thành khi trả lời phỏng vấn báo chí. VietNamNet đã ghi lại cuộc phỏng vấn này.
- Lời khuyên đầu tiên của ông cho tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam?
- Trước hết tôi muốn nói rằng, những kinh nghiệm của Trung Quốc không phải là một kinh nghiệm tốt. Quá trình đàm phán của Trung Quốc kéo dài 15 năm, lâu nhất trong tất cả các cuộc đàm phán. 15 năm đó, chúng tôi rút ra được nhiều bài học. Bài học thứ nhất, đó là xây dựng sự đồng thuận, việc các cơ quan chính phủ, ở cả các cấp cao nhất xây dựng được sự đồng thuận và một ý tưởng chung còn quan trọng hơn việc đàm phán ở Geneva. Trước kia, việc đàm phán chủ yếu do các cấp thấp đảm nhận, lãnh đạo cấp cao rất ít tham dự, chính vì thế, các cuộc thương lượng cứ kéo dài mãi. Khi chúng tôi nhận ra rằng, cốt lõi của việc gia nhập trước hết là chính trị chứ không phải kinh tế thì nhận thức thay đổi và việc thương lượng tiến triển.
- Và sau đó?
- Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, dù muốn hay không thì Trung Quốc cũng phải tham gia một cách đầy đủ, toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá. Sau những cuộc đàm phán căng thẳng thì chúng tôi cũng đã biết là có những thứ chúng ta có thể đạt được thông qua đàm phán nhưng cũng có những thứ mà dù có tốn bao nhiêu thời gian cũng không thể đạt được. Chúng tôi đã chấp nhận cam kết mở cửa ngành viễn thông nhưng không bao giờ mở cửa thị trường vốn. Đó là nguyên tắc hai bên cùng có lợi mà các bạn không bao giờ được quên trong đàm phán.
- Điều gì là quan trọng một khi sắp và đã trở thành thành viên WTO?
- Có một bài học quan trọng mà chúng tôi muốn chia sẻ với Việt Nam, đó là việc nâng cao nhận thức cho các vị trí lãnh đạo và các DN. Đây là việc cực kỳ quan trọng bởi nếu những người này hiểu rõ được cái được, cái mất khi vào WTO thì việc tận dụng những cơ hội cũng như tránh được những tác hại của nó mới được vẹn toàn. Một điều nữa: tính minh bạch. Các công ty nước ngoài khi vào thị trường, điều họ quan tâm nhất không phải là cắt giảm thuế hay ưu đãi này kia mà là tính minh bạch. Họ cần một sự ổn định vĩ mô. Các chính sách kinh tế của Chính phủ cần phải có tính khả đoán cao và minh bạch. Vì thế, trong thương lượng, Trung Quốc đã cam kết sẽ loại bỏ cái gọi là "tài liệu nội bộ", những tài liệu mà các công ty nước ngoài không được tiếp cận. Những tài liệu đã không được xuất bản thì cũng sẽ không "lưu trữ".
Chúng ta cũng cần đối xử công bằng với các công ty nước ngoài. Họ cần được đối xử như những công ty trong nước. Trung Quốc đã cắt mọi khoản phí bất bình đẳng đối với DN nước ngoài khi vào làm ăn tại Trung Quốc như phí giao thông, tiền thuê cơ sở sản xuất...
- Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ những công ty trong nước trước sự cạnh tranh quốc tế khi gia nhập WTO?
- Để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, Trung Quốc đã thi hành chính sách "Cái hộp xanh". Chẳng hạn, đối với ngành sản xuất ô tô, Trung Quốc đã bảo hộ cực kỳ chặt. Hầu như tỉnh nào của Trung Quốc cũng sản xuất ô tô, các công ty nước ngoài không được xây dựng nhà máy ở Trung Quốc. Kết quả là, tuy ngành ô tô không chịu sự cạnh tranh với nước ngoài nhưng người tiêu dùng lại không được hưởng những sản phẩm chất lượng cao. Hiện chúng tôi đã thông thoáng hơn, các hãng ôtô nước ngoài đã vào làm ăn... Chúng tôi đã hiểu rằng không thể bao bọc ngành sản xuất này mãi, cần phải cho các công ty nước ngoài xây dựng những nhà máy 100% vốn để sản xuất ôtô. Những gì mà chính sách này mang lại đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi, chỉ trong 3 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất ôtô thứ 3 thế giới.
- Một câu hỏi vui, nếu ông có thể quay ngược thời gian, liệu có điều khoản nào, hay cam kết nào của Trung Quốc mà ông muốn thay đổi không?
- (Cười) Hiện nay thì bản Thoả thuận đã ký lâu rồi, phần lớn những điều khoản đều chấp nhận được với chúng tôi. Nếu có thể phàn nàn điều gì thì tôi chỉ có thể mong giá mà nó đừng kéo dài quá như vậy thôi. Tôi cũng tin là Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian đến thế.
- Xin cảm ơn ông!
|