|
Các nhà sản xuất ximăng liệu có đứng vững trước sức ép AFTA. | (VietNamNet) - Bộ Xây dựng và Tổng công ty Ximăng Việt Nam (VNCC) đánh giá: Thị trường ximăng 7 tháng cuối năm sẽ tiếp tục sôi động, trong đó ''nóng'' nhất vẫn là khu vực miền Bắc. Song hành với sự sôi động là nguy cơ bất ổn thị trường khi từ tháng 7/2003, thuế nhập khẩu ximăng chỉ là 20% theo lộ trình AFTA, dẫn đến sức ép phá giá thị trường để cạnh tranh.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng nhu cầu của thị trường xi măng cả nước là 12%. Nhu cầu tiêu dùng đặc biệt lớn ở các tỉnh phía Bắc, tăng tới 17% so với 5 tháng đầu năm 2002, ở các khu vực khác cũng tăng trên 7%. Trong số trên 9,2 triệu tấn xi măng tiêu thụ cả nước thì thị trường miền Bắc đã chiếm 51%, thị trường miền Trung chiếm 16,1% và thị trường miền Nam 32,9%.
Nguồn cung được đảm bảo tương đối ổn định. Sản lượng xi măng 5 tháng tăng hơn 1 triệu tấn, trong đó Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VNCC) đóng góp 485 ngàn tấn (tăng 12,4%), các Liên doanh 172.000 tấn (tăng 6,9%), Xi măng địa phương 331.000 tấn (tăng 18,1%). Theo đó, thị phần cũng thay đổi: VNCC chiếm 47,6% thị phần, Liên doanh 28,9% và Xi măng địa phương chiếm 23,5%.
Nền kinh tế tăng trưởng khá (6,8%), diễn biến thời tiết thuận lợi, đầu tư cơ bản lớn... là những nguyên nhân chính giúp ngành xi măng đạt được sự tăng trưởng trên. Thị trường miền Bắc tăng cao là do ở miền Bắc có các công trình trọng điểm quốc gia đang được đẩy mạnh thi công như các công trình phục vụ SEA Games, cầu Thanh Trì...
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường xi măng 7 tháng cuối tiếp tục sôi động. Từ tháng 7/2003, thuế nhập khẩu xi măng chỉ còn 20% do lộ trình cắt giảm thuế AFTA trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao còn sản xuất thì chưa đáp ứng đủ nên Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn với các nhà sản xuất xi măng trong khu vực. Theo VNCC, nhu cầu tiêu dùng 7 tháng cuối khoảng 13,3 đến 13,8 triệu tấn, trong đó chia ra các tỉnh miền Bắc 6,3 đến 6,5 triệu tấn, miền Trung 2,2 đến 2,3 triệu tấn, miền Nam 4,8 - 5 triệu tấn. Để đảm bảo sản lượng cung cấp trên, VNCC dự tính sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn clinker. Đầu tháng 5, VNCC cũng đã giảm giá clinker để tăng sản lượng, ổn định thị trường.
Bình ổn thị trường cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. VNCC đã yêu cầu các thành viên trong Hiệp hội Xi măng phải giữ vững thông tin với Hiệp hội, nhất là thông tin giữa các Liên doanh và VNCC ở các nội dung về biến động thị trường, ý đồ giải quyết những tình huống biến động mới... để tránh tình trạng cạnh tranh ''không đẹp''. VNCC và các Liên doanh thống nhất sẽ phối hợp chống việc phá giá thị trường của cả ximăng nội địa lẫn ximăng nhập ngoại do chính sách nới lỏng hàng rào thuế quan sắp tới gây thiệt hại cho DN trong nước.
Các DN xi măng cũng thống nhất sẽ thông báo cho nhau sự tăng giảm sản lượng hàng hoá của mình trên các thị trường khu vực, lượng dự trữ hàng hoá trên mỗi khu vực, tiến độ nhập khẩu của các bên... nhằm tránh tình trạng chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết làm thiệt hại cho các bên, gây rối loạn thị trường.
|