|
Một góc khu chế xuất Tân Thuận |
Công ty TNHH Kasvina trong khu chế xuất Tân Thuận dù đã ngưng hoạt động từ giữa năm 1999, nhưng suốt bốn năm qua không thể tiến hành các thủ tục để ''khai tử''. Mắc mớ chính là ở chỗ công ty không có chủ đại diện hợp pháp, trong khi Luật Phá sản doanh nghiệp (DN) của Việt Nam chưa quy định trường hợp vắng chủ.
Không chỉ có một mình Kasvina rơi vào trường hợp nói trên. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 2/2003, ông Mai Quốc Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu chế xuất và khu công nghiệp tại thành phố không tiến hành được thủ tục tuyên bố phá sản do vắng chủ hoặc không có người đại diện hợp pháp.
Ra đi không hẹn ngày trở lại
Kasvina là công ty do hai DN Hàn Quốc là Kwang Young Industry Co., Ltd và Sammi Corporation đầu tư với vốn đăng ký hơn 3,51 triệu USD. Công ty này chuyên sản xuất đồ gia dụng bằng Inox để xuất khẩu và đã hoạt động sản xuất từ tháng 12/1996. Mọi chuyện đang ''xuôi chèo mát mái'', thì bất ngờ hai công ty mẹ bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc. Vào khoảng tháng 4/1999, Kasvina lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Sự kiện ''bỏ của chạy lấy người'' của Tổng giám đốc Công ty Kasvina vào giữa năm 1999 đã gây phiền lụy cho nhiều người.
Hiện Kasvina còn nợ tiền của Ngân hàng Sinhan Bank (Hàn Quốc) và nợ hai tháng lương (5 và 6/1999) khoảng 150 triệu đồng chưa trả cho gần 100 công nhân. Riêng đối với Công ty liên doanh Tân Thuận - chủ đầu tư phát triển khu chế xuất Tân Thuận, Kasvina đã trả 50% số tiền thuê đất. May mắn nhất có lẽ là Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Thay vì ''mắc kẹt'' cho vay bằng tín chấp như Sinhan Bank, Sacombank đã ràng buộc Kasvina bằng tài sản thế chấp là máy móc, thiết bị.
Đã có đủ cơ sở thụ lý vụ phá sản đối với Kasvina?
Câu trả lời của ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp là: ''hoàn toàn có thể''. Trong một văn bản Bộ này vừa gửi lên Văn phòng Chính phủ xung quanh việc xem xét mở thủ tục phá sản đối với Kasvina, ông Liên cho rằng, Luật Phá sản DN ban hành từ năm 1993, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho việc thụ lý và giải quyết các vụ phá sản đang xảy ra ở nước ta, nhưng riêng trường hợp cụ thể của Kasvina, vẫn có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TP.HCM thụ lý, giải quyết vụ phá sản này.
Ngoài ra, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TP.HCM không chỉ có đủ cơ sở để thụ lý và mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản mà còn đủ cơ sở pháp lý để ra quyết định tuyên bố phá sản đối với Kasvina.
Trao đổi với báo giới, một đại diện của Phòng quản lý DN thuộc Ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, ngay sau khi nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HEPZA sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan giải quyết dứt điểm trường hợp của Công ty Kasvina. ''Đây sẽ là tiền lệ để chúng tôi làm cơ sở giải quyết những trường hợp tương tự'', ông này nói.
(Theo TBKTSG)
|