|
Phó Thủ tướng Vũ Khoan. |
''Trong bối cảnh năm 2002 có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng khá. Tới những tháng đầu năm 2003, mặc dù chịu ảnh hưởng của hai sự kiện lớn là dịch bệnh SARS và chiến tranh Iraq nhưng nhiều lĩnh vực của ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao. Với đà này, tôi hy vọng chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra''. Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định khi được hỏi về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2003.
- Thưa Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% có phải là quá cao?
- Đây là hướng mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã định ra. Tư tưởng chung của Chính phủ cũng như của Trung ương Đảng là phải phấn đấu nỗ lực tới mức tối đa. Có thực tế là, trong bối cảnh năm 2002 có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng khá. Tới những tháng đầu năm 2003, mặc dù chịu ảnh hưởng của hai sự kiện lớn là dịch bệnh SARS và chiến tranh Iraq nhưng nhiều lĩnh vực của ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao. Với đà này, tôi hy vọng chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra. Cần phải lưu ý là năm 2004 có ý nghĩa quyết định. Nếu như chúng ta không đạt được chỉ tiêu, thì mục tiêu đề ra trong cả 5 năm sẽ khó hoàn thành.
- Nhưng trong số những biện pháp mà Chính phủ đề ra, dường như chưa thấy những biện pháp có tính đột phá?
- Thực ra những biện pháp chúng ta vừa nêu cũng là những biện pháp đề ra cho cả 5 năm. Đó là những định hướng lớn. Còn tuỳ theo tình hình cụ thể trong từng năm mà chúng ta có những giải pháp thích hợp. Đương nhiên, trước tình hình mới thì Chính phủ cũng sẽ phải có những giải pháp kịp thời. Tôi lấy ra 3 ví dụ để chứng minh cho điều này. Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, điều đó đòi hỏi chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của những sản phẩm trong nước (điều này đã được nói đến khá nhiều). Thứ hai, trước bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và khu vực không thuận trong thu hút đầu tư nước ngoài như chúng ta mong muốn, Chính phủ đã phải đề ra các biện pháp kích cầu, huy động các nguồn lực trong nước kể cả sức dân như việc phát hành trái phiếu vừa qua. Thứ ba, khi khả năng tiêu thụ trong nước còn có những hạn chế thì chúng ta cũng đã tính đến việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu phù hợp với thị trường bên ngoài. Không phải chỉ có chú trọng vào việc xuất khẩu gạo như trước đây mà phải thúc thuỷ sản lên. Tôi nghĩ rằng, tất cả những biện pháp này thời gian qua đã đem lại những hiệu quả rất rõ rệt.
- Phó Thủ tướng có nói, việc đạt được mục tiêu đề ra còn phải phụ thuộc vào diễn biến của thị trường bên ngoài. Vậy làm thế nào để giảm bớt sự tác động của thị trường bên ngoài, thưa Phó Thủ tướng?
- Đúng là chúng ta còn nhiều cái phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Nhưng phải đi vào từng lĩnh vực để thấy rõ. Ví dụ như sắt thép chẳng hạn. Bây giờ để tránh tác động của thị trường bên ngoài tới mặt hàng này, chúng ta đã có hẳn một chiến lược phát triển sắt thép trong nước. Chính phủ đã thông qua và các ngành đang triển khai. Tiếp đến là phân bón. Đây là mặt hàng hết sức quan trọng đối với một nước sản xuất nông nghiệp. Để có thể chủ động được mặt hàng này chúng ta đã phải làm khí điện đạm ở Phú Mỹ, rồi khí điện đạm Cà Mau. Kế đến là mặt hàng mà chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài, đó là xăng dầu. Để hạn chế những tác động không thuận từ bên ngoài, chúng ta đã xây dựng Nhà máy Dung Quất.
Tất cả những điều này đã khẳng định: Chính phủ đang rất lỗ lực trong việc tự chủ, phát huy những thế mạnh ngay từ trong nước. Tuy nhiên, những điều đó không thể giải quyết được ngay trong năm 2004 mà cần phải có lộ trình để thực hiện, với mục tiêu làm sao để nền kinh tế của ta không biệt lập nhưng phải đủ sức để chống chọi với những biến động trên thị trường thế giới.
- Lâu nay, trước khi điều chỉnh một mặt hàng thiết yếu chúng ta vẫn thường đưa ra lý do ''bị tác động của thị trường thế giới'' để tăng giá. Nhưng khi giá trên thế giới giảm thì chúng ta vẫn giữ nguyên mức giá đã tăng mà không hề giảm. Cần phải hiểu điều này như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
- Có những mặt hàng như gas chẳng hạn, khi chúng ta không quản lý nữa thì giá tăng hay giảm phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường thế giới. Xăng dầu là mặt hàng chúng ta còn quản lý, mà sự điều hành của chúng ta đôi khi không kịp với biến động của thị trường bên ngoài. Do đó, khi thì chúng ta tính 0% thuế nhập khẩu, khi thì chúng ta lại tăng thuế lên. Hướng tới đây, Chính phủ đang dự kiến, sẽ để giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới như mặt hàng gas hiện nay. Trừ những mặt hàng phục vụ trực tiếp cho sản xuất như phân bón phục vụ bà con nông dân thì chúng ta phải ''nắm''. Còn giá xăng dầu thì để thị trường điều tiết. Tức là khi đó giá xăng dầu sẽ có tăng, có giảm theo đúng diễn biến của thị trường. Thường trực Chính phủ đã thiết kế bước đi thích hợp. Và hướng đi này có thể sẽ được thực hiện ngay trong năm nay.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
(Theo Lao Động) |