Thay đổi thuế suất nhập khẩu 92 nhóm hàng từ 1/7
17:51' 18/06/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (18/6) đã nhất trí thông qua khung thuế suất thuế nhập khẩu của 92 nhóm hàng do Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình sửa đổi trong phiên họp thứ 9 của Ủy ban này. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2003. Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh ''lần tăng thuế này không phải để tăng ngân sách...''.
UBTV Quốc hội họp phiên thứ 9.

Như vậy, từ 1/7, hầu hết 92 nhóm hàng và lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch được đưa ra xem xét đều phải tăng thuế suất thuế nhập khẩu. 

Hầu hết các mặt hàng sử dụng cho xe máy đều bị tăng thuế nhập khẩu khá cao: Săm lốp bằng cao su sử dụng cho xe 2 bánh gắn máy tăng từ 0-50% lên tới 30-100%; xích sử dụng cho xe gắn máy 2 bánh tăng từ 0-50% lên tới 30-100%, các bộ phận chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cho các loại động cơ thuộc nhóm 84.07 hoặc 84.08 loại sử dụng cho xe gắn máy 2 bánh bị tăng thuế suất nhập khẩu từ 0-505 tới 30-100%, trục truyền động và tay biên, bánh răng và cụm bánh răng... bộ phận và phụ tùng xe sử dụng cho xe máy tăng từ 0-50% lên tới 30-100%.

Tăng thuế không phải để tăng ngân sách

''Lần điều chỉnh thuế suất nhập khẩu không nhằm tăng thu ngân sách mà mục tiêu chính là hội nhập'' - Bộ trưởng Sinh Hùng lý giải như vậy. Ông Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, thuế nhập khẩu đạt 18.500 tỷ đồng, và dự kiến cuối năm sẽ vượt mức một chút so với kế hoạch đề ra là 38.500 tỷ đồng (chiếm 14-15% tổng thu thuế).
Lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch của trứng chim và trứng gia cầm sẽ tăng từ 0-50% lên tới 50-100%; lúa gạo từ 0-30% lên tới 0-50%; mía đường nếu nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ chịu thuế 50-150% thay vì 0-50% như hiện hành; lá thuốc nhập khẩu ngoài hạn ngạch chịu thuế suất nhập khẩu 50-100% thay vì 10-50%; muối nhập ngoài hạn ngạch chịu thuế suất 30-60% thay vì 0-30%; xi măng tăng thuế suất trần 10%; giấy in báo tăng thuế suất trần 10%; bồn rửa, bồn tắm, bộ đồ ăn, đồ nhà bếp... tăng thêm thuế trần 20%; ruột phích và ruột bình không chân tăng từ 20-50% lên tới 30-80%; 


Chính phủ sẽ tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu để chuyển thu chênh lệch giá sang thu bằng thuế nhập khẩu của 21 nhóm hàng. Do mức tối đa khung thuế suất hiện hành của một số nhóm hàng còn thấp nên khi xoá bỏ biện pháp quản lý bằng hạn ngạch, ngoài việc tăng thuế nhập khẩu bằng mức tối đa của khung thuế suất, Chính phủ đã phải áp dụng biện pháp thu chênh lệch giá đối với một số mặt hàng. Về bản chất khoản thu chênh lệch giá hiện hành là thuế nhập khẩu, được thu như thuế nhập khẩu, nhưng do thu bằng 2 khoản thu khác nhau nên đã gây hiểu nhầm là có nhiều khoản thu đối với một mặt hàng nhập khẩu, không phù hợp với cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và cam kết với Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới. Vì vậy, để có thể chuyển thu chênh lệch giá sang thu bằng thuế nhập khẩu, Chính phủ đề nghị tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu của những nhóm hàng này bằng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành cộng với mức chênh lệch giá đang thu.

Về việc tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu để phù hợp với nguyên tắc phân loại của HS2K (danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu để áp dụng cho năm 2002) khi chuyển thu chênh lệch giá sang thu bằng thuế nhập khẩu của 04 nhóm hàng thuộc các mã số 4801, 4810, 7005, 7212, ông Hùng giải thích: ''Theo nguyên tắc phân loại của HS2K, một số mặt hàng hiện hành đang thu chênh lệch giá có sự thay đổi về mã số áp dụng: một mặt hàng có thể vừa được phân loại vào một trong 20 nhóm hàng phải thu chênh lệch giá nêu trên đây vừa được phân loại vào một trong 4 nhóm hàng này. Cụ thể, mặt hàng giấy in, viết, photocopy, hiện hành chỉ phân loại vào 4802, 4823, nhưng theo nguyên tắc phân loại của HS2K, tuỳ theo chủng loại, tính chất, các loại giấy này vừa được phân loại ở 4802, 4823 vừa được phân loại ở nhóm 4801, 4810. Mặt hàng thép đã tráng hiện hành phân loại ở 7210 nhưng theo HS2K được phân loại cả ở 7212. Mặt hàng kính tấm xây dựng hiện hành phân loại ở 7003, 7004 nhưng theo HS2K được phân loại cả ở 7005. Do đó, để có thể quy định thống nhất mức thuế nhập khẩu của các mặt hàng này phù hợp với HS2K và với việc chuyển thu chênh lệch giá sang thu bằng thuế nhập khẩu, Chính phủ đề nghị tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu của 04 nhóm hàng này bằng với mức tối đa khung thuế suất đề nghị tăng của những nhóm hàng tương tự đã nêu .

Chính phủ cũng tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu đồng thời tách khung thuế suất để quy định mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với 04 nhóm hàng dự kiến áp dụng thí điểm hạn ngạch thuế quan thuộc các mã số 0407, 1701, 2401, 2501. Bởi hạn ngạch thuế quan là một phương pháp thu thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng cần quản lý nhập khẩu. Theo phương pháp này, một nước có thể áp dụng hai mức thuế nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng: mức thuế trong hạn ngạch và mức thuế ngoài hạn ngạch. Mức thuế trong hạn ngạch được áp dụng đối với một lượng hàng do Nhà nước xác định hàng năm (thường là bằng lượng sản phẩm mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ, cần nhập khẩu thêm để phục vụ nhu cầu sản xuất). Mức thuế ngoài hạn ngạch được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu vượt quá lượng nhập khẩu đã được xác định trong năm đó nhằm khống chế lượng hàng hoá nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước. ..

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để bảo hộ sản xuất trong nước đồng thời
đáp ứng nhu cầu mở cửa thị trường mà không vi phạm các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, dung hoà lợi ích của cả đơn vị sản xuất và sử dụng nguyên liệu, Chính phủ đề nghị tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu của 04 nhóm hàng dự kiến áp dụng hạn ngạch thuế quan ở mức cao để có thể quy định thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng này. Tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu đồng thời tách khung thuế suất thuế nhập khẩu để khắc phục bất hợp lý giữa thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư với thành phẩm nhằm phát huy hơn nữa vai trò bảo hộ, khuyến khích đầu tư khuyến khích sử dụng hàng sản xuất tr ong nước đồng thời tạo thuận lợi cho đàm phán với WTO đối với 48 nhóm mặt hàng. Việc tăng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu cũng để sắp xếp lại mã số cho nhóm hàng có mã số 2922 nhằm phù hợp với nguyên tắc phân loại của HS2K và AHTN (Biểu thuế quan hài hoà ASEAN).

Chính phủ cũng giảm mức tối thiểu khung thuế suất thuế nhập khẩu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất , tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập hoặc để sắp xếp lại mã số cho một số mặt hàng có thay đổi về nguyên tắc phân loại khi áp dụng HS2K và AHTN đối với 10 nhóm hàng thuộc các mã số 1 104, 3304, 3305, 3505, 3926, 4911, 5603, 5803, 6113, 6210 .

Bổ sung khung thuế suất thuế nhập khẩu cho 4 nhóm hàng thuộc các mã số 3825, 6003, 6004, 6005 mới được bổ sung theo HS2K. Đây là nhóm mặt hàng có tính chất đặc thù, cần có biện pháp quản lý riêng nên Tổ chức Hải quan thế giới đã tách riêng một số nhóm hàng hiện hành thành 2 hoặc 3 nhóm khác nhau. 

VietNamNet sẽ đăng tải toàn bộ biểu thuế theo danh mục nhóm hàng chịu thuế nhập khẩu mới này.

Biểu khung thuế nhập khẩu hiện hành được ban hành từ năm 1998, nhưng mức tối đa khung thuế suất thuế nhập khẩu của một số nhóm hàng còn thấp, chưa tạo điều kiện thuận lợi để bảo hộ kịp thời một số ngành công nghiệp trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển hoặc để quy định mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch khi áp dụng hạn ngạch thuế quan, góp phần bù đắp nguồn thu do phải cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế với các nước Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ.

Thêm nữa, mức tối thiểu khung thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành của một
số nhóm hàng côn cao nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất; vẫn còn một số trường hợp có thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện cao hơn thành phẩm.

Thứ ba, tên hàng hoá và phân loại của một số nhóm hàng chưa phù hợp với
Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Tổ chức Hải quan thế giới (HS) và Danh mục Biểu thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN). Đặc biệt là còn thiếu 04 nhóm hàng mới được Tổ chức Hải quan thế giới bổ sung vào Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu để áp dụng cho năm 2002 (HS2K).

  • Hồng Phúc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lần đầu tiên người Việt được mua nhà tại Mỹ (18/06/2003)
Thu lệ phí cấp hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ (18/06/2003)
''90% dự án ODA ở Việt Nam thiếu chỉ tiêu thực tế'' (18/06/2003)
Thuỷ tinh Gò Vấp rời nhà máy ra KCN Đồng Nai (18/06/2003)
Báo Hongkong giới thiệu điểm du lịch Hà Nội (18/06/2003)
Khai mạc triển lãm quốc tế nhãn hiệu có uy tín (18/06/2003)
Nhiều cat. ''nóng'' đã xuất khẩu tăng vọt (18/06/2003)
Tổng Công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm về sai lầm tại Linh Cảm (18/06/2003)
Xử lý hóa đơn của DN bỏ trốn: DN nghiêm túc than trời (18/06/2003)
10% trang trại ở TP.HCM được ký hợp đồng (18/06/2003)
Điểm lại tình hình cải cách kinh tế và thể chế (18/06/2003)
Tham tán thương mại phải đáp ứng nhanh yêu cầu của DN (18/06/2003)
Mua trái phiếu đô thị lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng (18/06/2003)
Việt Nam - Indonesia sẽ hợp tác cắt giảm cà phê (18/06/2003)
Giữ nguyên mức thuế nhập khẩu ôtô (17/06/2003)
Tro ve dau trang