Ngành chè vẫn vướng bài toán thị trường
15:57' 20/06/2003 (GMT+7)

Việt Nam là một trong những nôi cổ nhất của cây chè thế giới.

 

(VietNamNet) - Ngành chè Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và một điều quan ngại là giá chè xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng ngày càng giảm trên thị trường thế giới. Đó là nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội thảo ''Giới thiệu sản phẩm chè Việt Nam'' sáng 19/6.

Thị trường - Bài toán khó của chè Việt Nam  

Đứng đầu danh sách nhập khẩu chè Việt Nam là Iraq, Pakistan, Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Bỉ, chiếm 90,86% khối lượng và 89,9% trị giá. Tuy nhiên, thị phần chè Việt Nam tại những nước này vẫn còn nhỏ bé và đang bị cạnh tranh gay gắt. Iraq là thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do giá xuất khẩu cao hơn các nước khác và lượng xuất khẩu lớn (14,3 ngàn tấn năm 2002) nhưng từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của chiến tranh, xuất khẩu chè tới đây đang gặp những khó khăn nghiêm trọng. 

Khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm 3-4% tổng lượng chè xuất khẩu của thế giới. Giá chè trong 5 tháng đầu năm nay đã rớt xuống 981,6 USD/tấn so với mức 1.020 USD/tấn cùng kỳ năm 2002.

Tại châu Á, Việt Nam có 2 khách hàng lớn là Nhật Bản và Đài Loan. Trong đó, Nhật là một thị trường đầy triển vọng với tổng nhu cầu 136.000 tấn/năm và sản xuất trong nước của Nhật chỉ có thể đáp ứng khoảng 90.000 tấn/năm. Mặt hàng chè đen đang đặc biệt được ưa chuộng trên thị trường này. Chè Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,5% tỷ trọng và giá thành chỉ bằng 35% so với giá 3.400 USD/tấn nhập khẩu từ các nước khác. 

Ông Ngô Viết Thành, Giám đốc Công ty Chè Thành Sơn (Hà Giang): ''Thật đáng tiếc cho nguồn chè tự nhiên của chúng ta. Kể cả những búp chè được hái từ đỉnh cao nhất mà sau khi sao tẩm cũng chỉ bán ra với giá 4.000 đồng/kg. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là vấn đề quảng bá thông tin ra các thị trường thế giới''

Với EU, nhu cầu chè của khối này chủ yếu đều được đáp ứng bằng nhập khẩu với gần 300.000 tấn/năm. Nhưng chè Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng kim ngạch. Giá chè của Việt Nam tại đây chỉ bằng 40% so với mặt bằng giá 2.500 USD/tấn nhập khẩu từ các nước khác.

Mặt khác, trong 15 nước thành viên EU, chỉ có Hy Lạp và Luxembourg là khách hàng thường xuyên, 13 nước còn lại có nhập khẩu chè của Việt Nam nhưng không ổn định.

Đáng tiếc là 4 tháng đầu năm 2003, chè Việt Nam đã để mất thị trường Italia, Bồ Đào Nha và Phần Lan. Rào cản lớn nhất của chè Việt Nam khi vào những nước này là vấn đề kiểm dịch.

Nga là thị trường truyền thống giàu tiềm năng với sức tiêu thụ khoảng 147.000-162.000 tấn/năm mà sản xuất chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. Tuy nhiên, giá chè Việt Nam vào Nga cũng mới chỉ bằng 75% so với giá 1.330 USD/tấn nhập khẩu từ các nước khác. Thêm vào đó, chè Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc và Indonesia. 

Hoa Kỳ, nước tiêu thụ chè lớn thứ 8 thế giới với tổng lượng nhập hàng/năm khoảng 149.000 tấn (chè đen chiếm 84%). Năm 2002, chè Việt Nam xuất khẩu vào đây là 2.200 tấn (chiếm 3% thị trường chè chiết xuất tại Hoa Kỳ), trong đó, chè đen (mã 0902.40.00) chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Giá chè xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ thấp hơn nhiều so với giá chè của các nước khác. Giá chè đen nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2002 bình quân là 1.320 USD/tấn (giá FAS ở cảng xếp hàng nước xuất khẩu) trong khi đó, giá nhập từ Việt Nam chỉ là 740 USD/tấn, bằng 56% giá bình quân nói trên. Đây cũng là một thị trường chè có đòi hỏi rất khắt khe với sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). 

Pakistan: Dự báo, đến năm 2010, Pakistan sẽ là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Nước này có nhu cầu thị trường hàng năm khoảng 150.000 tấn. Trong đó, chỉ có 5% chè xanh, còn lại là chè đen. Năm 2002, Việt Nam xuất 12.400 tấn vào nước này nhưng chủ yếu lại là chè xanh. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu chè của Pakistan cao hơn so với các nước khác.

Nâng cao chất lượng và quảng bá chè Việt Nam: lối thoát.

Theo ông Khương, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế - chính trị trên thế giới, những hạn chế nêu trên còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan. Giống chè Việt Nam hiện đang trồng có năng suất thấp, chất lượng lại không đồng đều, công nghệ chế biến yếu kém. Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam còn lúng túng trong việc tìm đối tác, thiếu chiến lược tiếp cận phù hợp đối với mỗi thị trường.

Ông Mahinda Warakaull, một nhà nhập khẩu chè người Sri Lanka nhận định: ''Trà Việt Nam hiện nay mới chỉ được coi là trà ''lấp chỗ trống'' trên thế giới, hình thức đóng gói chè đã được cải tiến nhưng nước chè pha ra thì phải cố gắng hơn nữa". Theo ông, Việt Nam nên quan tâm đến việc tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thị trường đồng thời chú trọng nghiên cứu, áp dụng khoa học và quy trình công nghệ chè tiên tiến từ khâu trồng trọt, thu hái, ủ sao đến đóng gói, mẫu mã, bao bì, bảo quản, vận chuyển. 

Ngoài giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Thụ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đại diện, Bộ Thương mại còn đề xuất đến việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và từng bước khẳng định thương hiệu, nhãn hiệu chè Việt Nam trên các thị trường; tích cực triển khai chương trình xúc tiến thương mại, sử dụng có hiệu quả kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm và hỗ trợ xuất khẩu từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu để mở rộng thị trường đã có và tìm kiếm thị trường mới nhất là thị trường có tỷ trọng xuất khẩu lớn. 

Theo ông, Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ ở cấp Chính phủ, Bộ, Hiệp hội giữa Việt Nam và các nước nhằm tranh thủ được sự hỗ trợ khoa học trong việc đầu tư giống, công nghệ trồng và chế biến. Đây là hình thức thâm nhập tốt nhất vào hệ thống phân phối phức tạp của các thị trường khó tính, nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm như EU, Mỹ. 

Ông cũng khuyến khích các DN chè Việt Nam củng cố và mở rộng thị trường nhập khẩu trực tiếp chè như Trung Cận Đông, khôi phục thị trường Nga và Đông Âu, tăng thị phần ở thị trường Nhật Bản. Đặc biệt là các thị trường châu Phi - Tây Nam Á cần được đặc biệt quan tâm. Trong 4 tháng đầu năm nay, chè Việt Nam đã mở rộng sang thị trường Sierra Leone. Đây là thị trường có khối lượng không lớn nhưng giá xuất khẩu bình quân đạt mức cao nhất so với các thị trường khác 3.542 USD/tấn.  

Tiềm năng của cây chè Việt Nam

Văn hoá chè có một vai trò nổi bật trong di sản văn hoá Việt Nam, là đồ uống phổ biến nhất, ''quốc thuỷ'', là chỗ dựa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiếm có một nơi nào trên thế giới lại được thiên nhiên ưu đãi, hầu như cho phép trồng chè ở khắp nơi. Chúng ta có thể đi cách Hà Nội 20-40 km về phía Bắc là đã gặp vùng trồng chè. 

Về phân bố địa lý hành chính, 32/61 tỉnh thành trong cả nước có chè, từ Trung du - Miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến Duyên hải miền Trung, 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 đô thị lớn nhất là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Có những nơi như ở Đài Loan, phải cậy từng viên đá, mua hoặc vận chuyển đất từ nơi khác đến nhưng ở nước ta, những vùng trồng chè lớn như Trung du - Miền núi phía Bắc và Lâm Đồng thường tập trung liền đồi, liền khoảnh. 

Việt Nam có đủ các loại chè nguyên sản, núi cao trên mực nước biển > 1.000m có hương thơm tự nhiên, những cây chè cổ thụ hầu như còn nguyên vẹn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Có những giống chè địa phương trồng ngay ở trong vườn riêng của gia đình và cách pha chế hết sức đặc biệt. 

Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng tuyển và nhập hàng chục giống chè có chất lượng cao của Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia với một quỹ gene hơn 100 bộ giống. 

 ('Việt Nam - Miền đất hứa của chè thế giới'', TS. Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè VN)

  • Phương Thanh

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Việt Nam cần thuê lobby để thương lượng" (20/06/2003)
Honda tính chuyện giảm giá Wave Alpha (20/06/2003)
Cấp C/O trong vòng 30 phút (20/06/2003)
Bàn luận trực tuyến vụ kiện cá tra với Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Thị Hồng Minh (20/06/2003)
Quyết định của DOC không công bằng, không khách quan (20/06/2003)
Sẽ có 2 trung tâm phục vụ khách hàng dùng Cityphone (19/06/2003)
Xuất khẩu cuối năm sẽ chịu nhiều tác động (19/06/2003)
"DOC đang trực tiếp đánh thuế người nuôi cá" (19/06/2003)
Phát hành 2 loại tem dán mới cho rượu nhập khẩu (19/06/2003)
Cá nhân sẽ phải nộp thuế thu nhập nhiều hơn? (19/06/2003)
Top Ten doanh nghiệp lữ hành và khách sạn Việt Nam 2002 (19/06/2003)
Bộ Thủy sản khuyên các doanh nghiệp bình tĩnh (19/06/2003)
Thép tăng giá trở lại (19/06/2003)
Loay hoay chuyện giá đất ở Hà Nội (19/06/2003)
Việt Nam bất bình về quyết định của DOC (19/06/2003)
Tro ve dau trang