Công ty TNHH Bắc Sơn đã chiếm đoạt, nợ thuế như thế nào?
17:05' 25/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công an khởi tố vụ án, điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, thuế của Công ty Bắc Sơn và của cán bộ, công chức có liên quan để xử lý theo pháp luật, đồng thời yêu cầu Bộ Công nghiệp, Tài chính, Thương Mại và Tổng Cục Hải quan kiểm điểm trước Thủ tướng. Được biết, DN này nợ, chiếm đoạt gần 254 tỷ đồng tiền thuế - sai phạm có sự tiếp tay của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.

Xác nhận công suất theo tỷ lệ nội địa hoá sai trên 80% năng lực thật.

Công ty TNHH Bắc Sơn (trụ sở chính tại Hà Nội) thành lập năm 1993 theo giấy phép do UBND TP. Hà Nội cấp, Giấy đăng ký kinh doanh do trọng tài kinh tế Hà Nội cấp với chức năng sản xuất sản phẩm cơ khí, kinh doanh XNK.

Trên thực tế, công ty này chưa bao giờ sản xuất cơ khí mà chỉ thực hiện nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến xe gắn máy. Bắt đầu từ năm 2000, khi chuyện nhập khẩu xe gắn máy trở thành mục tiêu của hàng nghìn DN như Bắc Sơn thì Công ty Bắc Sơn cũng bắt đầu có nhiều công văn gửi các cơ quan chức năng để đẩy mạnh thực hiện chuyên môn của mình. 5 tháng sau, Bộ Công nghiệp có công văn 3744 xác nhận Công ty Bắc Sơn đủ điều kiện sản xuất, năng lực công nghệ đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá. Mức tỷ lệ nội địa hoá mà Bắc Sơn đăng ký năm 2000 là 41,661% và 41,646% cho hai nhãn hiệu xe nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, tại công văn 3744, Bộ Công nghiệp không xác nhận năng lực và địa điểm sản xuất, lắp ráp của Bắc Sơn. Tháng 2/2001, Bắc Sơn có văn bản xin xác nhận dây chuyền lắp ráp xe máy với công suất thiết kế đảm bảo xuất xưởng 100.000 xe/năm. Đến ngày 13/2/2001, Bộ Công nghiệp cũng "vội vàng" ra công văn phúc đáp xác nhận Bắc Sơn đủ điều kiện kỹ thuật, năng lực công nghệ sản xuất đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá đối với hai nhãn hiệu xe gắn máy đăng ký là 60.000 xe/năm. Địa điểm lắp ráp đặt tại khu Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 12/2001, như để khẳng định báo cáo của Bắc Sơn, Bộ Công nghiệp lại có văn bản số 5203 xác nhận bổ sung cho năng lực của Bắc Sơn 40.000 xe/năm nữa, địa điểm thực hiện là tại 129E, Trương Định, Hà Nội. 

Những thủ tục bình thường trên như không có gì đặc biệt, nhưng quá trình kiểm tra sau này cho thấy rất nhiều điểm kỳ lạ trong các công văn trao đổi giữa hai đơn vị này. Tháng 10/2000, chính Bắc Sơn đã có công văn gửi Bộ CN, Bộ KHCN &MT, Sở Công nghiệp Hà Nội đề nghị chuyển địa điểm lắp ráp xe gắn máy theo chương trình nội địa hoá từ Trương Định xuống địa điểm mới tại Thịnh Liệt, Thanh Trì. Công văn này cam kết "Tại địa điểm 129E Trương Định, công ty không tiến hành lắp ráp xe gắn máy mà sẽ đặt dây chuyền lắp ráp động cơ, sản xuất phụ tùng xe gắn máy". Bộ Công nghiệp, TP. Hà Nội đã đồng ý cho Bắc Sơn chuyển địa điểm. Đoàn kiểm tra liên ngành có đại diện của Bộ Công nghiệp đã có biên bản kiểm tra đánh giá năng lực sản xuất, lắp ráp của Bắc Sơn tại Thanh Trì. Như vậy, Bộ Công nghiệp khi ban hành công văn 5203 xác nhận năng lực 40.000 xe/năm cho Công ty Bắc Sơn tại 129E Trương Định thì Bắc Sơn đã ngừng lắp ráp tại địa chỉ này hơn 9 tháng. Như vậy năng lực của Công ty Bắc Sơn được xác nhận tại công văn 3744 phải bị huỷ bỏ. Đây là một động thái rất đáng ngờ của Bộ Công nghiệp.

Do được Bộ Công nghiệp xác nhận năng lực như trên, Bắc Sơn đã thực hiện nhập khẩu thành công 83.110 bộ linh kiện (chưa kể 17.000 bộ đang bị Hải quan Hà Giang tạm giữ) trong năm 2001. Quá đáng hơn, Bộ Công nghiệp khi giải trình về việc xác nhận trên đã nại ra văn bản số 312/KT1-TH của Trung tâm kỹ thuật I. Theo đây Công ty Bắc Sơn có đủ điều kiện để lắp ráp xe môtô hai bánh loại hình CKD I cho hai nhãn hiệu xe Honda Astrea và Suzuki FD 110. Vậy mà Bộ Công nghiệp lại lấy đây để làm căn cứ xác nhận cho Bắc Sơn nhập hàng trăm nghìn "xe Tàu". Thậm chí công văn 312 chỉ nêu rằng "thông báo này chỉ có hiệu lực khi Công ty Bắc Sơn đảm bảo duy trì các điều kiện lắp ráp, thực hiện đúng chủng loại sản phẩm và danh mục linh kiện đã được xác nhận". Vậy Bộ Công nghiệp đã "dựa" vào cái gì để giúp Bắc Sơn sau này chiếm đoạt ngân sách gần 254 tỷ đồng?

Một trong những vấn đề quan trọng khác nữa là khi kiểm tra, năng lực thực tế của Bắc Sơn chỉ là 12.096 xe/năm, và Bộ Công nghiệp đã báo cáo Thủ tướng khả năng này của Bắc Sơn. Vậy Bộ Công nghiệp đã được gì khi xác nhận cho Công ty Bắc Sơn năng lực lên tới 100.000 xe/năm?

Có xác nhận - nhập nhiều xe, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền thuế!

Năm 2001, Bắc Sơn nhập 83.110 bộ linh kiện xe máy. Theo quy định tại Quyết định số 1994/1998/QĐ-BTC của Bộ Tài chính thì tỷ lệ nội địa hoá trên 41% của Bắc Sơn sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt là 15%, cộng với thuế VAT 10% nữa. Công ty Bắc Sơn đã nộp thuế 65.610 bộ là trên 54 tỷ. Chi nhánh tại TP.HCM đã nộp thuế 13,609 tỷ đồng, còn nợ 1,696 tỷ đồng. Tuy nhiên theo biên bản quyết toán thuế của Tổng Cục thuế thì năm 2001 Công ty Bắc Sơn phải nộp mức thuế theo tỷ lệ nội địa hoá là 30% áp dụng cho 40.000 xe. Theo đây, Bắc Sơn còn phải nộp ngân sách khoản thuế, kể cả VAT là 180,021 tỷ đồng.

Khoản "thiếu nợ" ngân sách trên chưa phải là đủ nếu tính theo công suất thực tế. Vì rằng, năng lực thật của Bắc Sơn chỉ là 12.096 xe/năm, chỉ riêng số này mới được hưởng mức thuế 30% theo tỷ lệ nội địa hoá. Còn lại 71.014 xe, Bắc Sơn phải nộp theo mức thuế suất là 60%. Theo các quy định của Luật thuế XNK, Luật thuế VAT thì số tiền Bắc Sơn còn phải nộp vào ngân sách lên tới 230,295,2 tỷ đồng. Không đặt so sánh ở đây, nhưng mọi người đều ý thức được rằng với mức "hao hụt" ngân sách như trên thì Bắc Sơn đã được lợi như thế nào?

Không chỉ có những khoản trên, các tài liệu thu thập được còn chứng minh rằng Bắc Sơn còn nợ phạt chậm nộp thuế tại Cục Hải quan Hà Tĩnh từ năm 2000 đến nay vẫn chưa nộp ngân sách là 8,921 tỷ đồng. Nợ thuế tại cục Thuế Hà Nội 10,074 tỷ đồng. Chi nhánh TP.HCM còn nợ thuế XNK từ năm 2000 tại Cục Hải quan TP.HCM 3,366 tỷ đồng, nợ phạt chậm nộp thuế tại Hải quan Lạng Sơn 372 triệu đồng; Hải quan Hà Giang 903,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Bắc Sơn còn nợ, chiếm đoạt ngân sách là 253,931,7 tỷ đồng.

Lập chi nhánh không đầu tư vốn mà để bán chỉ tiêu nhập khẩu

Ngày 10/2/2000, Giám đốc Công ty Bắc Sơn có quyết định thành lập chi nhánh tại quận 10 TP.HCM và bổ nhiệm ông Trần Tấn Hiệp là Giám đốc chi nhánh. Chi nhánh này cũng đã được Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Kết quả kiểm tra cho thấy, chi nhánh là đơn vị trực thuộc và hoạt động theo uỷ quyền của Bắc Sơn. Song thực tế, chi nhánh này khi hoạt động không được Bắc Sơn đầu tư vốn (?). Việc nhập khẩu linh kiện xe gắn máy hai bánh do Bắc Sơn uỷ quyền nội bộ. Chi nhánh không thực hiện sản xuất, lắp ráp theo quy định của giấy đăng ký hoạt động mà thực hiện thông qua hình thức hợp tác kinh doanh. Thực chất đây là bán chỉ tiêu nhập khẩu, lợi dụng vốn kinh doanh của các đơn vị khác. Sổ sách của Bắc Sơn cũng không thể hiện quá trình hoạt động kinh doanh của chi nhánh (?). Hiện tại không thấy chi nhánh Bắc Sơn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 395/1 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Việc hoạt động của chi nhánh Bắc Sơn nêu trên là vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm minh.

Năm 2000-2001, chi nhánh Công ty Bắc Sơn trực tiếp nhập khẩu 39.180 bộ linh kiện xe gắn máy. Nhưng thực tế đơn vị này không đủ năng lực kỹ thuật để lắp ráp xe gắn máy. Việc Bắc Sơn uỷ quyền cho chi nhánh tại TP.HCM nhập khẩu, lắp ráp tiêu thụ xe gắn máy là hành vi bán chỉ tiêu nhập khẩu, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Từ năm 2000, với cái gọi là tiền xây dựng Công ty, tiền đặt cọc, ông Trần Tấn Hiệp đã giao cho ông Hoàng Đình Mậu, Giám đốc Công ty Bắc Sơn tổng số tiền là 153.000 USD và 1,016 tỷ đồng. 

Theo giải trình của ông Trần Tấn Hiệp thì Công ty không có vốn để hoạt động nên phải "hợp tác kinh doanh", nhưng thực chất đây là bán chỉ tiêu nhập khẩu và tư cách pháp nhân để hưởng lợi. Trong tổng bộ linh kiện nhập khẩu hai năm 2000-2001 là 39.180 bộ, ông Hiệp đã "hợp tác" với ông Bùi Thanh Thuỷ, Giám đốc chi nhánh Công ty Thuỷ Hải và Công ty Thương mại dịch vụ miền Nam. Trong đó ông Hiệp và ông Thuỷ đã cùng nhau tiêu thụ 26.050 bộ linh kiện xe máy. Qua đây, ông Hiệp được hưởng lợi 394.750 USD. Tổng kết lại, qua thương vụ tiêu thụ 26.050 xe gắn máy trên thì ông Hiệp đã hưởng lợi trái phép. Đây là số tiền thu lợi bất chính do kinh doanh trái phép mà có nên đề nghị yêu cầu thu hồi nộp ngân sách. Đồng thời kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Ngoài hợp tác với Công ty Thanh Thuỷ nêu trên, chi nhánh Bắc Sơn còn "hợp tác" với nhiều đơn vị khác với cùng một mục đích như trên.

Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan có tiếp tay cho Công ty Bắc Sơn?

Như trên chúng tôi đã nói, việc Bộ Công nghiệp xác nhận cho Bắc Sơn công xuất lắp ráp 100.000 xe/năm, trong khi đó vẫn chính báo cáo của Bộ này thì năng lực thật của Bắc Sơn chỉ là 12.096 xe/năm là một việc cần phải làm rõ. Hậu quả của việc này đã giúp cho Bắc Sơn nhập khẩu vượt năng lực thực tế hơn 70.000 bộ linh kiện xe gắn máy. Trên 70.000 bộ linh kiện này đều được hưởng mức thuế xuất ưu đãi đặc biệt theo tỷ lệ nội địa hoá nên Bắc Sơn đã chiếm đoạt, nợ thuế gần 254 tỷ đồng. Tiếp theo, Bộ Công nghiệp còn xác nhận để chi nhánh Công ty nhập khẩu 17.500 bộ linh kiện khác nữa cũng được hưởng mức thuế ưu đãi. Việc làm này là trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 162/CP-VPCP ngày 28/11/2000 là "Các DN sản xuất xe gắn máy không được lắp ráp xe gắn máy ngoài cơ sở đăng ký". Hậu quả là việc này đã giúp cho chi nhánh Công ty Bắc Sơn hợp tác kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, bán chỉ tiêu nhập khẩu, trốn, nợ và chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. 

Trong các sai phạm của Bắc Sơn không thể không nhắc tới những vấn đề liên quan tới Tổng Cục Hải quan và Hải quan các tỉnh thành Hà Nội, Lạng Sơn và Hà Giang. Các đơn vị này đều biết rằng, Công ty Bắc Sơn là đơn vị thường xuyên nợ đọng thuế quá hạn. Hải quan một số tỉnh thành phố khác đã cưỡng chế việc làm thủ tục Hải quan cho Công ty Bắc Sơn. Nhưng các Chi cục Hải quan nêu trên vẫn cho mở tờ khai Hải quan với hàng hoá của Bắc Sơn. Cục Kiểm tra thu thuế XNK thuộc Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo cho các Chi cục trên tạo điều kiện cho Bắc Sơn và chi nhánh của nó được làm thủ tục Hải quan. Ngoài ra, xem xét các hồ sơ giải toả cưỡng chế hàng của các Chi cục Hải quan nêu trên với Bắc Sơn thấy có nhiều điểm không rõ ràng, không bình thường, phải đề nghị xem xét cụ thể và làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Một trong những điều gây chú ý là việc các đơn vị thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về những sai phạm của Bắc Sơn thì hầu hết đều không thực hiện, thậm chí nhiều Bộ còn tạo điều kiện hơn nữa cho Bắc Sơn. Tổng Cục Hải quan được chỉ đạo thu hết số thuế nhập khẩu, VAT của Bắc Sơn từ năm 2001. Thời điểm này, dư nợ thuế của Bắc Sơn là rất lớn, rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, kiểm tra chỉ thấy Tổng Cục Hải quan thông báo cho Hải quan một số tỉnh, thành và Công ty Bắc Sơn mang tính đôn đốc thực hiện. Sau khi Chính phủ "giục" thì Tổng Cục Hải quan báo cáo rằng Bắc Sơn còn nợ thuế trên 128 tỷ đồng. Số liệu này là không đúng, thiếu lọt 50% nợ thật của Bắc Sơn ngay cả khi chưa tính tới nợ thuế VAT.

Với Bộ Tài chính, Chính phủ chỉ đạo "Trường hợp Công ty (Bắc Sơn) không chấp hành các quy định trên đây (về tỷ lệ nội địa hoá) thì sau ngày 15/7/2002, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Hà Giang xử lý tịch thu toàn bộ lô hàng nêu trên, đồng thời tiến hành các thủ tục để kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật hiện hành, kiến nghị Bộ Công nghiệp rút giấy phép sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy với Công ty". Nhưng thực tế, không thấy Bộ Tài chính thực hiện. Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ yêu cầu báo cáo về sự việc này thì Bộ Tài chính cũng không thực hiện báo cáo.

Có hàng "đống" sai phạm như trên, nhưng hàng chục DN có cùng chức năng như Công ty Bắc Sơn đã phải một phen nữa "trố mắt" khi thấy Bắc Sơn được Bộ Thương mại cấp chỉ tiêu nhập khẩu thêm 67.000 bộ linh kiện nữa trong năm 2002. Việc này được Bộ Thương mại thực hiện khi mà cơ quan này biết rõ Công ty Bắc Sơn không có năng lực thực tế. Trong khi đó có tới 22 DN đã bị "bỏ đói" vì quyết định của Bộ Thương mại.

  • Nhóm PV điều tra

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nha Trang hẹn gặp tháng 8 (25/06/2003)
Thị trường di động: Cuộc đua mới của các nhà cung cấp dịch vụ (25/06/2003)
Diện tích giảm, vụ đông xuân vẫn được mùa (25/06/2003)
Tất cả DN kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới đều vi phạm (03/11/2003)
Thiếu giống cây rừng có giá trị kinh tế (25/06/2003)
Sản phẩm công nghiệp tăng 15,7 % trong 6 tháng đầu năm (25/06/2003)
Tiếp tục hỗ trợ dịch vụ công cho nông dân Việt Nam (25/06/2003)
Cục Sở hữu trí tuệ không cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (25/06/2003)
Từ 1/7, tổng kiểm tra các cây xăng trên cả nước (25/06/2003)
Cá tra, basa Việt Nam có thể vào Australia (24/06/2003)
Mở đường bay thẳng Hà Nội - Paris (24/06/2003)
ASOCIO ICT Summit 2003: Cơ hội số cho mọi người (24/06/2003)
Vốn chờ công trình ở Thừa Thiên-Huế (24/06/2003)
Sẽ thu hồi đất nông, lâm trường sử dụng sai mục đích (24/06/2003)
Xây dựng khu liên hiệp nhựa ở Long An (24/06/2003)
Tro ve dau trang