"Thuỷ sản Việt Nam cần tạo uy tín về chất lượng"
09:09' 02/07/2003 (GMT+7)
Cần đa dạng đối tượng nuôi, đa dạng thị trường.

(VietNamNet) - Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm của ngành thuỷ sản, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, cái cần, thiếu và yếu của chúng ta hiện vẫn là khâu thị trường, mà muốn có thị trường tốt phải đạt uy tín về chất lượng, an toàn vệ sinh. Mục tiêu 2,3 tỷ USD kim ngạch thuỷ sản xuất khẩu năm nay đang vấp nhiều khó khăn, cuộc chạy nước rút để sớm về đích rất cần sự nỗ lực của toàn ngành.

Ông Ngọc đánh giá, cơ cấu thị trường 6 tháng đầu năm nay diễn biến hơi lạ, với cơ cấu tỷ trọng thị phần thay đổi đáng kể.

Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ tăng gấp đôi (2,2 lần, chiếm gần 40%) do Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực. Đây là thuận lợi, thời cơ, đồng thời cũng là thách thức đối với thuỷ sản Việt Nam. Giống như các rào cản mà Việt Nam đã vướng phải khi vào thị trường EU, vấn đề về an toàn vệ sinh thuỷ sản, nhãn hiệu hàng hoá và kiện bán phá giá tại Mỹ khiến ngành thuỷ sản luôn phải canh chừng những rủi ro tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Hữu Khương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Thuỷ sản), cho biết, trong 6 tháng đầu năm, vượt qua sự tác động của cuộc chiến Iraq, những biến động của thị trường, dịch bệnh SARS, các rào cản thương mại, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 988 triệu USD, bằng 42,98% kế hoạch năm, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2002.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại chưa tương xứng quy mô, cơ cấu giá trị xuất khẩu hiện nay, mới dừng ở khảo sát thị trường, tổ chức triển lãm, thu nhận thông tin, xuất bản ấn phẩm. Nhiều nội dung quan trọng khác của công tác xúc tiến, như tư vấn xuất khẩu, xây dựng thương hiệu… ngành thuỷ sản chưa làm được.

"Cần có cách tiếp thị phù hợp với cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường. Phải khai thác hết tiềm năng mà chúng ta có được, nhưng đảm bảo là các DN không được lỗ. Tại các nước công nghiệp phát triển, hàng rào bảo hộ cũng mạnh và thuần thục rồi, nhưng thuỷ sản Việt Nam phải vào được những thị trường này, từ đó, mới thấy được hết tiềm năng lớn để khai thác triệt để", Bộ trưởng Ngọc lưu ý. 

Vẫn chuyện chất lượng

Chất lượng nguyên liệu là vấn đề Bộ Thuỷ sản đặt ra ngay từ đầu năm khi lên kế hoạch, bởi sự ảnh hưởng rộng lớn, có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh nhận xét, sau nhiều nỗ lực, tăng trưởng thuỷ sản vẫn chưa vững chắc do chất lượng nguyên liệu bấp bênh. Bộ Thuỷ sản đề nghị EU công nhận 150 DN được xuất khẩu vào thị trường này, song, đến nay, con số này đang dừng ở 62 DN. 6 DN được phép xuất vào EU đã bị "out" từ tháng 3/2003 khi phát hiện sản phẩm có dư lượng kháng sinh. Mặc dù gần đây, thuỷ sản Việt Nam chưa bị EU cảnh báo về chuyện kháng sinh, nhưng không phải là đã hết lo ngại, vì EU vừa đưa ra Sách Trắng về kiểm soát hoá chất trong thực phẩm thuỷ sản, từ khâu giống đến ao nuôi. Điều này khiến các DN chế biến thuỷ sản e dè khi xuất cá tra, basa vào EU, dù giá tại thị trường này khá cao, trên 3 USD/kg.

Chính vì vậy, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và vệ sinh thuỷ sản (Nafiqacen) đã ra đời theo Quyết định 432 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, để kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn. Kết quả cho thấy, không phát hiện có chloramphenicol trong thuỷ sản nuôi và đánh bắt. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, khoảng 15% mẫu phát hiện có nhiễm nutrofurans, chủ yếu rơi vào nhóm thức ăn nuôi thuỷ sản. Cụ thể như, Nhà máy sản xuất thức ăn Bạc Liêu đã xuất xưởng thức ăn nuôi tôm ghi ngày sản xuất bằng loại mực dễ bị mờ, nên khi chuyển đến đại lý, số ngày sản xuất đã mờ. Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng ghi trên bao bì không chính xác. Như vậy, rõ ràng không thể đảm bảo chắc chắn là, thức ăn nuôi tôm của nhà máy này không chứa dư lượng chất kháng sinh bị cấm, cũng như khó có thể đoán chắc việc các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm có được bảo đảm.

Kết quả khả quan trên cũng chưa phản ánh hết thực tế việc thực hiện kiểm soát sử dụng kháng sinh tại các địa phương. Theo đoàn công tác, đến tháng 4/2003, công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt giữ 24 vụ, tịch thu gần 5.600kg tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. Các cơ sở vẫn kinh doanh thuốc, thức ăn nuôi thuỷ sản hết hạn sử dụng, hàng nhập không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi thành phần cơ bản, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Theo kết luận của đoàn công tác, mặc dù 100% các DN đã cam kết không mua nguyên liệu có tạp chất, nhưng gần đây có dư luận, một số DN đã lác đác mua tôm có tạp chất trở lại. Việc tồn tại mẫu tờ cam kết theo hướng dẫn của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và tờ khai xuất xứ nguyên liệu của DN làm hồ sơ quản lý chất lượng cồng kềnh, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Mặc dù áp dụng HACCP đã nhiều năm, nhưng các DN chưa hiểu thấu đáo bản chất về cách quản lý chất lượng theo HACCP, dẫn đến chương trình này chỗ thừa chỗ thiếu, chưa có biện pháp thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tế rất phức tạp trong kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh nguyên liệu.

Sạch tất cả trong các khâu sản xuất

Theo Quỹ Hỗ trợ Đầu tư phát triển và Ngân hàng Đầu tư phát triển, đến nay, dư nợ đóng tàu khai thác hải sản xa bờ là 1.388 tỷ đồng (không kể vay ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5). Khả năng thu nợ tại các tỉnh là rất khó khăn. Trong cả nước, tỷ lệ trả nợ chỉ đạt khoảng 13,5% so với kế hoạch, tập trung tại các tỉnh Quảng Nam (2,9%), Quảng Trị (3,4%), Phú Yên (3,1%)...

Trả lời VietNamNet, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề chất lượng nguyên liệu là do Việt Nam hiện đang tiến đến nước sản xuất hàng hoá, trong khi nguyên liệu vẫn còn manh mún.

Do vậy, thị trường tiếp cận giữa sản xuất nguyên liệu và tính hàng hoá của công nghiệp chế biến đang là bất cập lớn nhất, liên quan đến các vấn đề về quản lý thị trường, kể cả giá cả, hợp đồng, và đặc biệt là vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Ngọc, tới đây, khi nói đến nguyên liệu sạch là sạch tất cả trong các khâu sản xuất. "Giữ vững và mở thị trường là bước một, thì ngay sau đó, tôi cho rằng, bước thứ hai là giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thuỷ sản", ông nhấn mạnh.

Xét về mặt an toàn vệ sinh, hiện nay, Việt Nam có 3 vùng nuôi: vùng nuôi sinh thái (sạch, không có hoá chất); vùng nuôi kết hợp; vùng nuôi tập trung. Theo bộ trưởng, ngoài việc nghiêm cấm sử dụng hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản, song song đó là xây dựng các vùng nuôi an toàn. Trong năm nay, Nafiqacen đã triển khai xây dựng 12 vùng nuôi an toàn (không dư lượng kháng sinh) tại 9 tỉnh. Dự kiến, kinh phí cho mỗi vùng là 3-5 tỷ đồng, nuôi trong 3 năm (6 vụ). Trong đó, 2-3 tỷ đồng để mua thiết bị kiểm tra nhanh về dư lượng kháng sinh và vi sinh vật trong thuỷ sản, kiểm tra nước, oxy, độ PH... theo quy trình GAP. Trên cơ sở đó, kiểm soát chặt dư lượng độc hại trong quá trình nuôi, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Tại hội nghị sơ kết kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm và hoàn thành nhiệm vụ năm 2003, sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các Sở NN-PTNT, Sở Thuỷ sản, VASEP, các DN... Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc thống nhất, ngành thuỷ sản sẽ nỗ lực đạt 2,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, chứ không để con số áng chừng 2,25- 2,3 tỷ USD như trong báo cáo. Ngành sẽ phải thực hiện những giải pháp có tính quyết định về vấn đề thị trường; uy tín về chất lượng vệ sinh thuỷ sản; quy hoạch và hạ tầng cơ sở, công nghệ nuôi; cổ phần hoá DNNN ngành thuỷ sản; trả nợ xa bờ.

Về việc thu mua nguyên liệu và bình ổn giá cá tra, basa, Bộ trưởng nhận định, con cá này không chỉ liên quan đến gia tăng giá trị xuất khẩu, mà còn ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, vì vậy, có ý nghĩa xã hội lớn. Thời gian tới, cần đa dạng mặt hàng cá tra, basa khi xuất vào Hoa Kỳ; sản phẩm filê cá tra, basa đông lạnh chỉ nên tính toán ở mức vừa phải, ngoài ra, phải xuất vào thị trường châu Âu, Australia...

Trong chuyển dịch cơ cấu, không nên quá tập trung vào một đối tượng nuôi nào, một thị trường nào. Trước mắt, ngành thuỷ sản sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ lượng cá tra, basa tồn đọng, nhưng Chính phủ cần có chính sách, cơ chế để giúp người dân trong giai đoạn này. Nếu cần thiết, Chính phủ phải hỗ trợ người nuôi cá trong một thời gian nhất định, như mua tạm trữ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, cá tra, basa hiện có chất lượng không đồng đều. Các thị trường chuộng loại cá basa thịt trắng, thơm ngon, trong khi Việt Nam vẫn thừa cá thịt vàng, chất lượng kém. Do vậy, cần có sự điều tiết sản lượng nuôi hợp lý để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, có tình trạng DN xuất khẩu cá tra, basa tranh bán giá thấp tại các thị trường. Thời gian tới, ngành thuỷ sản sẽ kiến nghị Chính phủ có chế tài xử lý các DN khi đã chơi chung một sân mà vẫn bán phá giá.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dự án cung cấp máy tính thương hiệu Việt lớn nhất (02/07/2003)
Luật Doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành vai trò ''bà đỡ'' (02/07/2003)
Tằm không nhả tơ, hàng ngàn hộ dân ở Lâm Đồng điêu đứng (01/07/2003)
Hôm nay 1/7: Các sự kiện kinh tế đi vào cuộc sống (01/07/2003)
''Mục tiêu ngừng bán, nâng giá đường không thành công'' (01/07/2003)
TP.HCM: Định giá lại 96 nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước (01/07/2003)
Xây dựng Trung tâm Thương mại TP.HCM ở nam Moscow (01/07/2003)
Coi chừng ''lạm phát sân bay'' (01/07/2003)
Giá gas tăng 8.000 đồng/bình 12 kg (01/07/2003)
VNPT sẽ phóng vệ tinh Vinasat vào năm 2005 (01/07/2003)
''Thực hiện quyết liệt và đồng bộ 6 giải pháp'' (01/07/2003)
Vay USD có lợi hơn (30/06/2003)
Các đại gia truyền thông quảng bá du lịch châu Á - Thái Bình Dương (30/06/2003)
Giá tôm sú xuất khẩu tăng bất thường (30/06/2003)
Từ tháng 7/2003, đường bay đi Nga tăng lên 2 chuyến/tuần (30/06/2003)
Tro ve dau trang