|
Thu nhập tăng, mức chi tiêu của người dân cũng tăng. |
(VietNamNet) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của người dân trong các năm 2001-2002 đạt 357.000 đồng, tăng 21,1% với năm 1999. Như vậy, trung bình mỗi năm, mức thu nhập tăng 10%. Song, Tổng cục Thống kê nhận định, thu nhập và mức sống trong các năm 2001-2002 tăng không cao bằng thời kỳ 1993-1998.
Dân cư tại các khu vực thành thị, nông thôn đều có thu nhập tăng. Mức thu nhập bình quân trong một tháng, của một người ở khu vực thành thị đạt 626.000 đồng, tăng 21,1%; khu vực nông thôn đạt 276.000 đồng, tăng 22,5% và tăng nhanh hơn thành thị. Mặc dù thu nhập của người dân thành thị gấp 2,3 lần nông thôn, nhưng khoảng cách này đã có biểu hiện thu hẹp so với các năm trước.
Tại các vùng, thu nhập bình quân đầu người trong một tháng đều tăng, trừ Tây Nguyên giảm 30,4% do giá cà phê và một số mặt hàng nông sản giảm mạnh; đồng thời, do bị ảnh hưởng lớn về hạn hán, lũ lụt. Thu nhập của dân cư thuộc nhóm 20% số hộ thu nhập thấp nhất ở các vùng đều tăng so với năm 1999.
Như vậy, do tác động của các chính sách đầu tư, các chính sách xã hội cho các vùng nghèo, người nghèo nên thu nhập và đời sống của vùng nông thôn, vùng xa, vùng nghè và người nghèo đều tăng và phát triển; khoảng cách thu nhập có biểu hiện thu hẹp đối với nhóm 20% số hộ có thu nhập cao nhất và thấp nhất. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng này là chưa đáng kể. Với 8,1%, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, người giàu - người nghèo, giữa một số vùng, đặc biệt là vùng Tây Bắc.
|