|
Nhiều sân bay chưa được khai thác hết hiệu quả. |
Về ''phong trào'' các địa phương xin Chính phủ xây dựng sân bay, một quan chức cho rằng, "nó là một hội chứng tương tự như ximăng, mía đường..., chưa được phân tích kỹ càng". Còn Thứ trưởng Bộ GTVT, kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm khẳng định, đầu tư sân bay là rất tốn kém, và chỉ nên xây dựng khi thật sự cần thiết.
Theo ông Sâm, hầu hết các địa phương đều muốn có sân bay để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch - đây là ý muốn rất chính đáng. Song, ông cho rằng, ngành GTVT có rất nhiều loại hình phương tiện để vận chuyển, cần phải xem việc xây dựng sân có thật sự cần thiết không? "Nhà nước đều tính toán khi cần phải đầu tư, và cần có quy hoạch. Xây dựng sân bay tốn kém lắm, nhưng liệu có khai thác được không? Vả lại, xây dựng sân bay chiếm diện tích đất rất nhiều. Mỗi sân bay lớn cần từ 1.000 đến 5.000 ha đất, sân bay nhỏ cũng cần 300-500 ha, mà đất là vàng, đất để sản xuất, chứ không phải để làm sân bay mà không khai thác'', ông Sâm nói.
Bất cứ quốc gia nào, ngành hàng không cũng là một tổng thể gồm 4 thành tố chính: các hãng hàng không, cảng hàng không, sân bay, hệ thống quản lý, điều hành bay, hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành. Hệ thống các cảng hàng không, sân bay mới là một phần của quy hoạch phát triển ngành, nó đòi hỏi đầu tư rất lớn để phù hợp với điều kiện khai thác của Hàng không Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 sân bay. Trong đó, 17 sân bay đang khai thác, với 3 sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; và 14 sân bay địa phương gồm: Vinh, Nà Sản, Điện Biên, Cát Bi (miền Bắc), Phú Bài, Phù Cát, Nha Trang, Tuy Hoà, Pleiku (miền Trung), Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc (miền Nam).
Ngoài các sân bay này, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có sân bay hoặc bãi đáp đã từng được sử dụng cho tàu bay hạ cất cánh. Nhưng trước đây, các loại máy bay lớn như Boeing (B) 747, B767 đều phải hạ cánh san tải khách ở một sân bay quốc tế khác, do đường băng của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn để các loại máy bay đó hạ, cất cánh. Nay, Tân Sơn Nhất đã có đường băng 3.800m; Nội Bài cũng đã xây cơ bản xong đường băng loại này để đón máy bay thân lớn. Hệ thống sân bay quốc tế ở 3 miền đã dần được hình thành, phát triển rất tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh. Lượng khách quốc tế qua các sân bay Việt Nam ngày càng nhiều.
Song, ông Sâm cho biết, trên thực tế, có những sân bay rất vắng khách do những nơi đó sử dụng ôtô, tàu hoả tiện lợi hơn. Có những điểm đến như sân bay Phú Quốc, mỗi tuần 16-17 chuyến bay mà khách vẫn đông (vì đường ra đảo chỉ có hàng không và tàu biển). Nếu Phú Quốc trở thành điểm du lịch thì phải nâng cấp hạ tầng (kéo dài, mở rộng đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ) cho các máy bay B.767, A.320. Năm ngoái, Cục Hàng không dân dụng đã đầu tư nâng cấp đường băng lên 2.100m, rộng 30m. Tới đây, sẽ đầu tư tiếp để kéo dài đường băng thành 3.000m, mở rộng 45m.
Do vậy, giai đoạn từ nay đến 2010, Hàng không Việt Nam sẽ xây thêm để có 22 sân bay (tại Đồng Hới, Cam Ranh, Cần Thơ, Long Thành, Côn Đảo), với số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng. Sau 2010 đến 2020, số vốn cần rất nhiều để có khoảng 28 sân bay đưa vào khai thác, trong đó có 5 sân bay quốc tế (thêm Chu Lai, Long Thành) và 23 sân bay nội địa (thêm Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng).
(Theo Lao Động)
|