6 tháng cuối năm:
Đầy thử thách với mục tiêu tăng trưởng 7,5%
18:49' 09/07/2003 (GMT+7)
 

 

(VietNamNet) - Mặc dù chịu tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá với GDP đạt 6,9%, tăng so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2002. Tuy nhiên, mục tiêu GDP 6 tháng cuối năm không thấp hơn 7,5% dường như ''quá sức'' khi hàng hoá cạnh tranh kém do chí phí cao; một số thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả.

Thi công công trình dầu khí

Giảm gánh nặng chi phí

Theo đánh giá của Chính phủ, chi phí sản xuất công nghiệp bước đầu đã được khống chế làm cho giá trị tăng thêm toàn ngành đạt gần 10%, cao hơn 2,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn đứng trước khó khăn lớn, nhất là chi phí sản xuất tuy có giảm hơn hơn trước, nhưng so với yêu cầu vẫn còn cao, đặc biệt là đối với các nước ASEAN. Thực tế hiện nay có quá nhiều sản phẩm có chi phí khấu hao nguyên vật liệu quá cao so với định mức, chi phí khấu hao tính trên đơn vị sản phẩm cao do không khai thác hết công suất của tài sản cố định. Chẳng hạn, hiệu suất sử dụng tài sản cố định của DN chỉ 50-60%. Trong khi đó, chi phí ''trung gian'' như tiếp khách, hội họp... cũng gia tăng đổ dồn vào sản phẩm.

Giá thành sản phẩm của nhiều DN Việt Nam cao còn do giá phí nguyên vật liệu cao, phụ thuộc vào nhập khẩu. 6 tháng đầu năm, do tác động của chiến tranh Iraq làm giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới tăng cao như xăng dầu tăng đột biến hơn 50%, phôi thép tăng 25-30%... Yêu cầu hiện nay là tập trung giảm chi phí của các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như chế biến thực phầm, dệt may, da giày, sản phẩm thép, phân bón, giấy, hàng điện tử… bằng cách nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, sử dụng những nguyên liệu sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu. Chính phủ hiện nay đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu (nguyên liệu sản xuất bột giấy, phôi thép, nguyên liệu nhựa, vùng nguyên liệu bông, sản xuất tơ, sợi, vải thuộc và chế biến da…). Đồng thời, xây dựng lộ trình giảm chi phí dịch vụ, cước phí cảng và vận tải, chi phí điện để nâng cao sức cạnh tranh cho DN.

Chi phí cao còn do một nguyên nhân là việc tổ chức sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý. Nếu tính riêng, chi phí một nhân công chúng ta chỉ bằng 20-30% so với các nước trong khu vực nhưng do bộ máy cồng kềnh nên tính chi phí tiền lương của cả DN lại cao hơn. Do đó, yêu cầu phải cải tiến tổ chức quản lý sản xuất, phân công chuyên môn hoá và hợp tác hoá một cách hợp lý nhằm tận dụng ưu thế chuyên sâu và năng lực sản xuất sản phẩm của các DN, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, sử dụng công nghệ tiến tiến… Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, tăng tốc đổi mới sắp xếp, cổ phần hoá DN nhà nước (6 tháng đầu năm, cổ phần hoá các DN nhà nước chỉ đạt 10% so với kế hoạch).

Nguy cơ thị trường xuất khẩu bị thu hẹp

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2003 ước đạt gần 9,8 tỷ đồng (chiếm 48,7% GDP), bằng 54,9% kế hoạch và tăng 32,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao so chủ yếu là do nhiều mặt hàng có số lượng xuất khẩu tăng mạnh, thêm vào đó giá cả cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Đáng lưu ý là xuất khẩu dầu thô được giá, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đến gần 12,2 tỷ USD, mức nhập siêu khoảng 2,37 tỷ USD, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và vượt ngưỡng cho phép 24%. 

6 tháng cuối năm, những yếu tố thuận lợi về giá dầu thô, giá gạo tăng dự báo sẽ không còn mà có thể giảm xuống do các giếng dầu ở Iraq sớm cung cấp trở lại và cạnh tranh càng gia tăng của gạo Ấn Độ, Thái Lan. Trong khi đó, những nhân tố bất lợi ngày càng gia tăng như Mỹ - một thị trường chính của hàng dệt may - bắt đầu áp dụng hạn ngạch đối với mặt hàng này từ 1/5 năm nay. Vụ kiện cá tra, basa tuy chưa kết thúc nhưng khả năng mặt hàng này cũng bị áp dụng hạn ngạch là rất lớn. Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Âu luôn đưa ra những đòi hỏi khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai vấn đề quan trọng của xuất khẩu là mặt hàng và thị trường. Để tránh rủi ro vào một thị trường, Chính phủ khuyến nghị các DN, các ngành nên đa dạng hoá mặt hàng, đa dạng hoá thị trường. Ngoài các thị trường chính như EU, Nhật Bản, Mỹ, cần khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống Nga - SNG, Trung và Đông Âu; mở rộng tìm kiếm, thâm nhập và khai thác thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế như thuỷ sản, gạo, hàng dệt may, giày dép.

Tham gia một hội nghị với các tham tán thương mại gần đây để bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh coi trọng thị trường trong nước. Lý do là DN mải mê tìm hướng xuất khẩu nơi này nơi nọ nhưng trong nước, thị trường tiêu thụ lớn lại dành cho hàng ngoại (như hàng Trung Quốc, Thái Lan..) chiếm ưu thế. Nhiều mặt hàng bỏ trống thị trường trong nước hoặc thua ngay trên ''sân nhà''.

Trông chờ vào du lịch: ''Con gà đẻ trứng vàng''

Trong 6 tháng đầu năm, chiến tranh Iraq và bệnh dịch SARS đã làm hạn chế khả năng phát triển của ngành du lịch. Giá trị ngành du lịch chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra là 7-7,2%. Tuy nhiên, do khống chế dịch SARS thành công cùng với việc đẩy mạnh những biện pháp quảng cáo, khuyến mại nên ngành du lịch đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối tháng 6 vừa qua, đã có 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 6 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, 6 tháng cuối năm ngành du lịch phải tập trung phát triển bù đắp lại trong những tháng đầu năm. Cần tăng cường tuyên truyền và quảng bá, giới thiệu chương trình khuyến mãi, thu hút du lịch tại các thị trường trọng điểm. Chính phủ cũng vận động các nước tháo gỡ những hạn chế đối với du lịch thăm viếng Việt Nam vì lý do y tế; tuyên truyền, giới thiệu về kinh nghiệm và thành công của Việt Nam trong ngăn chặn và kiểm soát dịch SARS. Năm nay, chúng ta có sự kiện lớn là Sea Games 22, cơ hội để quảng bá cho du lịch Việt Nam và thu hút khách quốc tế, do đó, chú trọng tuyên truyền, quảng cáo chương trình du lịch phục vụ Sea Games lần này hết sức quan trọng. Trong khi đó, hiện nay tại nhiều điểm du lịch trong nước đã tổ chức khuyếch trương rầm rộ. Đồng thời, cũng cần chấn chỉnh lại không ít mặt như hạ tầng về du lịch, tổ chức tour, phong cách phục vụ...

Ngành hàng không sau ảnh hưởng của SARS và chiến tranh Iraq đã có nhiều chương trình phục hồi và hỗ trợ du lịch. Các biện pháp như giảm giá vé cả trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, mở thêm một số chuyến bay trong nước và quốc tế để tăng doanh thu. Chẳng hạn, mở thêm các đường bay quốc tế đến Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Nhật Bản, tạo điều kiện cho các hàng không nước ngoài khai thác các chuyến bay quốc tế đến các địa danh trong nước như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt.

Chính phủ đánh giá, các dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng có tiến bộ. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ (cảng, hàng không…) của Việt Nam vẫn cao so với một số nước trong khu vực; con sốt ảo về đất đai, nhà ở vẫn chưa ngăn chặn được.

Vốn đầu tư chưa hiệu quả

Theo nguồn tin từ Chính phủ, ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 103.000 tỷ đồng, bằng gần 47,9% kế hoạch và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2002. Nguồn vốn tín dụng đầu tư đạt 10.000 tỷ đồng, chiếm 9,7%, chủ yếu tập trung cho vay các dự án chuyển tiếp, các dự án sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực được ưu tiên, phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát huy được lợi thế và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm.

Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giải ngân chậm, chủ yếu do các chủ đầu tư chưa khẩn trương triển khai nhưng dự án khởi công mới. Đối với các dự án ODA cho vay lại thì chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng và đấu thầu. Đầu tư xâu dựng cơ bản bằng nguồn vốn tín dụng và giải ngân vốn ODA đạt thấp, chỉ 30% kế hoạch. Bố trí vốn đầu tư thuộc Ngân sách nhà nước còn dàn trải, thiếu tập trung, quy hoạch và không tính toán chặt chẽ hiệu quả. Trong khi đó, số lượng các dự án ngày càng tăng. Năm 2003 bố trí 9.746 công trình, tăng hơn so với năm 2002 là 2.132 công trình, đặc biệt là các công trình do địa phương bố trí tăng 47% so với năm 2002. Nhiều dự án đầu tư theo chủ trương của Nhà nước như mía đường, xi măng, giấy đã bộc lộ kém hiệu quả, thất thoát vốn, một số dự án đi vào hoạt động làm ăn thua lỗ và đang ngắc ngoải...

Trong 6 tháng đầu năm 2003 có 201 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư, với vốn đăng ký đạt 710,2 triệu USD, bằng 80,7% về số dự án và tăng 13,7% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2002. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước, nên các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên đầu tư nước ngoài vẫn khôi phục chậm. Nguyên nhân chủ yếu làm chậm việc thu hút FDI là môi trường đầu tư ''thông nhưng chưa thoáng'', và cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt (đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc). Vì vậy, Chính phủ đã quyết định thành lập Cục Đầu tư nước ngoài, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 11/7 tới, chuyên quản lý đầu tư nước ngoài và xúc tiến đầu tư. Việc này thể hiện quyết tâm của Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư và thu hút vốn FDI.

Việc phân bổ vốn đầu tư thời gian tới sẽ tiếp tục dựa trên cơ sở thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng, tập trung mạnh sản xuất những ngành, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ. Đối với ngành công nghiệp, cơ cấu đã có sự dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, dựa vào khả năng phát triển nguồn nguyên liệu trong nước (công nghiệp chế tác, chế biến ước chiếm khoảng 82,5%) hướng vào sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá như thép, xi măng, cao su...

  • Văn Tiến
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
HSBC - Ngân hàng đầu tiên thông báo L/C qua email ở VN (09/07/2003)
Cần tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư (09/07/2003)
Lần đầu tiên tổ chức Hội chợ thương mại ASEAN tại Việt Nam (09/07/2003)
Cán bộ thuế giúp DN ''ma'' mua bán hoá đơn (09/07/2003)
Bán gạo qua Iraq sẽ phải đấu thầu (09/07/2003)
Thách thức đối với doanh nghiệp Iraq thời hậu chiến (09/07/2003)
Sẽ có đường bay trực tiếp TP.HCM-San Francisco vào cuối 2004 (09/07/2003)
IDG thành lập chi nhánh tại Việt Nam (09/07/2003)
Ngày 11/7, Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài đi vào hoạt động (09/07/2003)
Cá chim trắng, không phải Piranhas (03/11/2003)
Xuất khẩu công nghiệp Hà Nội tăng gần 30% (08/07/2003)
Thực phẩm Việt Nam vào Mỹ bị từ chối gia tăng (08/07/2003)
Một nông dân ở Bến Tre được cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (08/07/2003)
Thị trường huy chương và cúp: 10 triệu USD bị bỏ ngỏ (08/07/2003)
''VCB là đại lý tốt nhất về thanh toán SWIFT'' (08/07/2003)
Tro ve dau trang