Kết nạp Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng động lực phía Bắc
11:46' 16/07/2003 (GMT+7)

Thủ tướng Phan Văn Khải: ''Ở Bắc Bộ, cái gì cũng đem ra bàn, rồi lúc làm lại phát sinh ý kiến khác nhau, rất trì trệ''.

Bế mạc Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hôm qua (15/7), Thủ tướng Phan Văn Khải tuyên bố: mở rộng khu vực này ra 3 tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Như vậy vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đến nay là 8 địa phương, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên, mà theo cách ví von của Thủ tướng sẽ là nhóm ''G-8''.

Tính đến nay vùng kinh tế trọng điểm của cả nước gồm 15 tỉnh (8 tỉnh phía Bắc, 7 tỉnh phía Nam) đây sẽ là vị trí đặc biệt quan trọng với tư cách ''đầu tàu'' kéo toàn bộ nền kinh tế: tốc độ tăng trưởng GDP phải cao hơn 1,4 - 1,5 lần so với tốc độ chung của cả nước.

Quy hoạch: Giải pháp kinh tế số 1

Quá trình đô thị hoá nhanh (tốc độ khoảng 5%/năm) đang đặt lên vai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sức ép ghê gớm về việc làm và chỗ ở: 250.000-270.000 người hiện đang sống ở các đô thị mà không có hộ khẩu thường trú, chưa kể hàng chục vạn người từ nông thôn thường xuyên góp mặt. ''Có người nói cơ quan quản lý đất đai không muốn chuyển mục đích sử dụng đối với đất lúa. Tôi xin khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn không chủ trương như vậy. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để các thành viên vùng kinh tế trọng điểm chuyển đất nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ và nhất là đất ở'', Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực lên tiếng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn đề nghị Chính phủ ''nắn'' hướng đô thị hoá từ hình thức ''tụ hợp'' sang ''khuyếch tán'' bởi đất đô thị không còn chỗ "động đậy" nữa rồi. Ngay như Hà Nội, 93.000ha diện tích giờ gần như chỉ còn thoáng đãng phần nhỏ ở bờ bắc sông Hồng, đến lúc nào đó có lẽ phải phân lại ranh giới với các tỉnh lân cận. Ông Vạn khuyến cáo: Không nên phát triển thêm bệnh viện, trường đại học tại các đô thị nhằm ''giảm tải'' cho khu vực này. Thủ tướng Phan Văn Khải nói: Chính phủ đã chủ trương từ nay trở đi dứt khoát không xây mới bệnh viện trong Hà Nội mà phải dịch chuyển sang các tỉnh khác.

Nhấn lại công tác quy hoạch, Thủ tướng Phan Văn Khải coi đây chính là giải pháp số 1 đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ hiện nay. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng giao các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Giao thông Vận tải, Xây dựng gấp rút phối hợp các tỉnh, quy hoạch lại tổng thể, chi tiết vùng; dịch vụ; công nghiệp; cơ sở hạ tầng, đô thị, nông thôn. Trong đó tầm nhìn chiến lược phải dài hơi đến năm 2020. Nếu cần có thể mời thêm chuyên gia nước ngoài góp sức.

''Cần gia công nhiều nhất là chính sách và tổ chức thực hiện''

Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phân tích rất xác đáng và thẳng thắn những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khi cho rằng vị trí gần... Trung ương của khu vực này dễ làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại ở các địa phương. Ngoài ra, tác động của cơ cấu kinh tế thời bao cấp vẫn còn đậm nét, thể hiện ở hướng phát triển công nghiệp khai khoáng, cơ khí; hoàn toàn khác thế mạnh công nghiệp nhẹ, dịch vụ, nông nghiệp của vùng động lực phía Nam.

So sánh hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Nam:

Mặc dù diện tích, dân số, số lao động nhiều nét tương đồng, song tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ lại thua kém khá xa vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ: GDP chỉ bằng 42,5%; xuất khẩu bằng 25,8%. Trong khi vốn đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng tới 62% ngoài Bắc thì trong Nam chỉ 33,5%. Còn vốn ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài giữa hai vùng cũng khác biệt; 15,9% so với 21,7% và 22,2% so với 40,58%. ''Điều đó chứng tỏ cơ cấu kinh tế vùng kinh tế động lực Bắc Bộ còn quá nặng bao cấp!'',  Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá.

''Bây giờ tìm ngay một ngành nghề, một yếu tố mới mẻ hoàn toàn xem chừng không dễ. Trước mắt chúng ta cần áp dụng công nghệ mới trên nền hiện tại'', Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói. Theo ông, ''nền hiện tại'' này bao gồm bốn ngành ưu tiên do doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo: khai khoáng (than); cơ khí (đóng tàu); điện và ximăng.

Các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động như may mặc, chế biến... cần huy động sự đóng góp của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cho rằng Chính phủ đã phân cấp hết những gì cần phân cấp cho vùng kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý các địa phương vận dụng thật trơn tru, hấp dẫn, thông thoáng hơn. ''Cái cần gia công nhiều nhất lúc này chính là chính sách và tổ chức thực hiện. Đây là khâu mà vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ làm tốt hơn ngoài Bắc'', Phó Thủ tướng nói.

Cùng nhận xét tương tự, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, ở phía Nam cách làm của các tỉnh động lực là xin đường hướng của cấp uỷ, sau đó chủ tịch tỉnh toàn quyền điều hành. Không như Bắc Bộ, cái gì cũng đem ra bàn, rồi lúc làm lại phát sinh ý kiến khác nhau, rất trì trệ.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
174 DN thuỷ sản được xuất vào Hàn Quốc (16/07/2003)
DN ''mỏi cổ'' chờ hải quan áp giá (16/07/2003)
TP.HCM sẽ thành lập công ty đầu mối sản xuất ôtô (16/07/2003)
Hà Nội bổ sung quy định thu tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ (16/07/2003)
Bao tiêu sản phẩm thuỷ sản khó khả thi (16/07/2003)
Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh (16/07/2003)
Trùm dầu lửa Nga biển thủ công quỹ và trốn thuế? (16/07/2003)
Trái cây đặc sản mùa nóng ''hạ nhiệt'' (16/07/2003)
Yan Can Cook quảng bá cho du lịch Việt Nam (15/07/2003)
Sức ép giảm thu, tăng thu (15/07/2003)
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên thực hiện nghiệp vụ Option (15/07/2003)
WB sẽ cho Việt Nam vay thêm 700 triệu USD (15/07/2003)
DN cần có kế hoạch dự trữ gạo cho 6 tháng cuối năm (15/07/2003)
Yahoo sẽ mua lại Overtue với giá 1,6 tỷ USD (15/07/2003)
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt (15/07/2003)
Tro ve dau trang