Vì sao IMF ngừng giải ngân cho Việt Nam?
10:25' 17/07/2003 (GMT+7)
Bà Susan Adams - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam.

Tháng 4/2001, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phê chuẩn khoản tín dụng 368 triệu USD cho Việt Nam theo thể thức tăng trưởng và giảm nghèo (PRGF). Có 3 đợt giải ngân tổng trị giá 158 triệu USD đã được thực hiện từ tháng 4/2001 đến tháng 6/2002. Hơn một năm qua, đợt giải ngân thứ tư liên tiếp bị trì hoãn dù theo kế hoạch, các đợt giải ngân tiến hành khoảng 6 tháng/lần. Vì sao? Ngày 14/7, bà Susan Adams, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đã giải đáp vấn đề này.

- Vào tháng 9 và tháng 11 năm ngoái, hai phái đoàn của IMF đã đến Việt Nam để đàm phán với Chính phủ về việc giải ngân đợt tiếp theo. Tuy nhiên, việc giải ngân đã không thể thực hiện được do ban giám đốc điều hành IMF ra quyết định ngưng giải ngân cho Việt Nam.

Lý do liên quan đến chính sách biện pháp an toàn, một chính sách chung của IMF đối với các nước thành viên đi vay. Theo chính sách này, IMF phải theo dõi sát sao việc ngân hàng TƯ của nước đi vay quản lý dự trữ ngoại tệ ra sao bởi vì các khoản vay của IMF được giải ngân trực tiếp cho ngân hàng TƯ. Sau cuộc làm việc của phái đoàn IMF vào Việt Nam mùa thu năm 2002, chúng tôi nhận ra rằng kiểm toán và kế toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện còn thiếu hiệu quả. Do vậy, chúng tôi đã gợi ý một chương trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho kiểm toán nhà nước.

- Có thể dự đoán được là việc ngưng trệ này diễn ra bao lâu, thưa bà?

- Trong 4 năm qua, Việt Nam là nước thành viên IMF duy nhất bị trì hoãn giải ngân liên quan đến chính sách biện pháp an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì vị thế một đối tác tích cực của Việt Nam. Chúng tôi hiện đang cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực thuế, thống kê cho Việt Nam.

Quan điểm của chúng tôi là NHNN ngoài việc điều tiết hệ thống liên ngân hàng thì còn là một DN ngân hàng. Do vậy, cũng cần thiết phải kiểm toán NHNN như bất cứ một ngân hàng, một DN nào khác. Chúng tôi công nhận Chính phủ Việt Nam đang điều hành nền kinh tế vĩ mô rất tốt, tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng một khi Việt Nam thực hiện mở cửa thương mại, gia nhập WTO, dứt khoát phải tăng cường năng lực quản lý của NHNN hơn nữa. Tháng 9 tới là cuộc họp hàng năm của IMF, tôi hy vọng phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp này sẽ có cơ hội làm rõ và thúc đẩy giải quyết vấn đề.

- Trong các báo cáo về Việt Nam, IMF thường nhắc tới sự chậm trễ trong việc cải tổ các DN quốc doanh tại Việt Nam?

- Chúng tôi đã rất được khuyến khích bởi lộ trình cải cách các DN Nhà nước (DNNN) mà Chính phủ đã cam kết. Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách còn chậm trễ trong thực tế. Không nên quan niệm đơn giản rằng cải cách DNNN chỉ là cải cách DNNN mà nó còn giúp cho việc hoàn thành hệ thống ngân hàng.

Thông thường, các ngân hàng TƯ trên thế giới hoạt động độc lập và chỉ có một mục tiêu duy nhất là kiềm chế lạm phát; còn hiện tại, NHNN Việt Nam đang đảm trách quá nhiều nghĩa vụ trong đó có việc xoay xở với các khoản nợ khó trả của các DNNN làm ăn thua lỗ. Để thực thi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, việc gia nhập WTO, các ngân hàng của Việt Nam phải tích cực cải cách, tiêu chuẩn hoá kiểm toán và kế toán. Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào từ toàn cầu hoá, từ mở cửa thị trường? Điều này phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của Việt Nam.

- Quyết định ngưng giải ngân của IMF có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà tài trợ khác không, thưa bà?

- Tôi cũng đặt câu hỏi này với một số nhà tài trợ. Công việc của chúng tôi luôn là khó khăn. Ngân hàng Thế giới hoặc các nhà tài trợ khác làm việc trong lĩnh vực phát triển, mà lĩnh vực này thì Việt Nam rõ ràng đã gặt hái được nhiều thành công. Họ luôn lạc quan với Việt Nam.

Còn IMF phải nhìn vấn đề ở những mặt hết sức căn bản, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, mà chúng tôi gọi là phần chìm của tảng băng. Các nhà tài trợ quan tâm đến các nhận định của IMF, cho rằng đó là những nhận xét thực tế và dựa vào đó, họ có thể cung cấp viện trợ về các lĩnh vực nào ít rủi ro nhất. Các nhà tài trợ Việt Nam hiện đang phối hợp với nhau rất tốt và tất cả tin tưởng rằng Việt Nam nhất định có một tương lai tốt đẹp. Chúng tôi cũng rất tin tưởng và đang nỗ lực hết sức trợ giúp Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng và giảm nghèo.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngành thuỷ sản toàn cầu thay đổi xu thế (18/07/2003)
Sẽ có tuyến ống dẫn khí đốt giữa Việt Nam và 3 nước ASEAN (16/07/2003)
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên được cấp phép (16/07/2003)
Không phải cứ trọng điểm là Nhà nước ''móc'' tiền ra làm hết (16/07/2003)
Hà Nội công bố giá đền bù GPMB quận Ba Đình, Tây Hồ (16/07/2003)
Từ 1/8, lại áp hạn ngạch với bông, thuốc lá nguyên liệu, muối (16/07/2003)
Siêu thị Metro đầu tiên tại Hà Nội mở cửa vào 31/7 (17/07/2003)
Quy định xử lý thời hạn nộp thuế nhập khẩu (16/07/2003)
Lập DN 100% vốn Việt Nam tại Lào (16/07/2003)
Băng vệ sinh, bao cao su sẽ không còn... vô tư đi khắp nơi! (16/07/2003)
Kết nạp Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng động lực phía Bắc (16/07/2003)
174 DN thuỷ sản được xuất vào Hàn Quốc (16/07/2003)
DN ''mỏi cổ'' chờ hải quan áp giá (16/07/2003)
TP.HCM sẽ thành lập công ty đầu mối sản xuất ôtô (16/07/2003)
Hà Nội bổ sung quy định thu tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ (16/07/2003)
Tro ve dau trang