|
Cải cách hành chính cảng biển góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho DN. |
''Hiệu quả của đợt cải cách hành chính (CCHC) cảng biển đã cải thiện rõ rệt hình ảnh của các cơ quan chức năng Việt Nam trong mắt các thuyền viên nước ngoài, và từ đó tiếng lành về các cảng biển Việt Nam rất có thể sẽ truyền xa khắp bốn biển''.
Ông Kazufumi Fukuoka - Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Nhật Việt (JVPC) - nhà thầu chính đang thăm dò và khai thác dầu khí tại mỏ Rạng Đông, lô 15-2 đã bày tỏ như vậy tại Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm CCHC ở một số cảng biển Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 8/8.
JPVC hiện có 3 cụm dàn khoan dầu khí và một tổ hợp nổi đa năng, trong đó có chức năng là một bến xuất dầu thô ra ngoài khơi. Ông Nguyễn Hoài Trung, đại diện JPVC cho biết, từ khi thực hiện thí điểm CCHC, mỗi chuyến tàu dầu thô xuất đi, công ty tiết kiệm được 5.000 USD chỉ riêng ở khoản chi phí thuê máy bay trực thăng đưa cán bộ kiểm tra, làm thủ tục lên tàu...
Qua hơn một năm thực hiện CCHC cảng biển, hầu hết các mục tiêu đặt ra đều đã đạt và vượt. Ông Phạm Thế Minh - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Trưởng Ban thí điểm CCHC các cảng biển cho biết: ''Trước thời điểm thực hiện cải cách, rất nhiều cơ quan quản lý đã ''sáng tác'' ra rất nhiều những thủ tục, giấy tờ nên DN và người dân kêu nhiều. Chẳng hạn, một tàu đến Việt Nam phải qua 6 cửa (6 trụ sở cơ quan chức năng) hoặc phải đón 6 đoàn chức năng lên tàu làm thủ tục; một tàu đến cảng phải nộp 36 và xuất trình 27 loại giấy tờ; tàu rời cảng phải nộp 17 và xuất trình 19 loại giấy tờ, thời gian làm thủ tục phải mất nhiều giờ, quy trình chồng chéo...
Trong thời gian làm thí điểm, tại cảng TP.HCM, số lượt tàu vào tăng 13,98%, tàu rời cảng tăng 12,47%. 4 cảng còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng tại cảng Quảng Ninh tăng 44,7% lượt tàu trong nước và 49,5% lượt tàu nước ngoài. |
Sau CCHC, theo ông Minh, ''6 cửa đã được rút xuống còn 1 là cơ quan cảng vụ, chấm dứt tình trạng đoàn lên tàu kiểm tra''. Các loại giấy tờ phải nộp phải nộp, khai báo cũng giảm nhiều lần: tàu đến nộp 9 và xuất trình 11 giấy tờ, tàu đi nộp 6 loại giấy, còn khai báo có thể là ''không'' nếu trong thời gian đến cảng những giấy tờ đó không thay đổi... Những kết quả này đã kéo thời gian làm thủ tục tại các cảng được thí điểm xuống 30-60 phút/tàu, không chỉ tiết kiệm tiền bạc cho DN... mà qua đó còn nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá, DN Việt Nam và hơn cả là nâng cao hình ảnh một Việt Nam năng động, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Phạm Thiết Quát - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Hàng hải Việt Nam tâm sự: ''Trước đây, khi đọc hướng dẫn của các chủ tàu truyền cho nhau khi vào Việt Nam là phải chuẩn bị quà cáp, rượu, thuốc... ra sao cho các ''cửa'', tôi thấy ngượng và xấu hổ. Nhưng nay, tình trạng đó đã không còn''.
Tham dự và chủ trì Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao các kết quả đạt được từ chương trình thí điểm CCHC tại một số cảng biển, nhưng ông cũng lưu ý các cơ quan chức năng không được sớm thoả mãn mà phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm để có sự đổi mới toàn diện. Ông nhấn mạnh: ''Bộ Tài chính phải có báo cáo ngay Thủ tướng về vấn đề thuế cước, thu nữa hay không thu phải dứt khoát chứ không để nhập nhằng được''.
Phó thủ tướng cũng cho biết ngay trong tháng 9/2003, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động hàng hải tại các cảng biển và khu vực hàng hải Việt Nam, trong đó bao hàm cả những kết quả CCHC thí điểm vừa qua để áp dụng trên toàn quốc.
Việc thí điểm CCHC tại các cảng biển được thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 4/2003 (cảng TP.HCM) và tháng 12/2002 (cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu), tập trung chủ yếu vào việc hình thành cơ chế ''một cửa'', cải tiến quy trình thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin...
(Theo Thanh Niên)
|