''Quá ít DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài''
08:53' 30/08/2003 (GMT+7)
Nhiều đơn vị kinh doanh chưa nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu.

(VietNamNet) - Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ, cho biết, hiện nay, số lượng hàng hoá có nguồn gốc Việt Nam xin đăng ký ra nước ngoài còn rất ít so với các DN nước ngoài xin bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Ông đưa ra ví dụ, trong khi Việt Nam mới có 164/1,3 triệu nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ, đã có 9.000 nhãn hiệu của Hoa Kỳ đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo "Xây dựng thương hiệu Việt và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá" trong khuôn khổ Cuộc Vận động Hội nhập kinh tế quốc tế, do Hội các nhà DN trẻ Việt Nam tổ chức hôm 29/8, ông Hùng cho biết, con số nhãn hiệu đã đăng ký của các DN Việt Nam là hơn 20.000/100.000 nhãn hiệu hàng hoá đăng ký ở Việt Nam là chưa nhiều so với tổng số khoảng 100.000 DN, thuộc các thành phần kinh tế, đang hoạt động ở nước ta. Điều đó cũng chứng tỏ, nhận thức về vai trò, giá trị của nhãn hiệu của DN Việt Nam chưa đạt yêu cầu.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2002, tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục là hơn 8.800, tăng 39% so với năm 2001, trong đó, số đơn của các DN Việt Nam tăng 112% so với số đơn của DN nộp trong năm trước đó. 6 tháng đầu năm nay, số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ là gần 5.500 đơn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2002.

Tuy số đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian qua tăng gấp 30% trước đó, nhưng các DN Việt Nam lại chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài, dẫn đến tình trạng thương hiệu bị đánh cắp, ảnh hưởng đến sản xuất và uy tín của sản phẩm, DN.

Trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu, một thương hiệu tốt không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh trong một thị trường rộng lớn hơn, mà còn có khả năng tạo ra nguy cơ bị chiếm đoạt quyền sở hữu. Trường hợp tiêu biểu là thuốc lá Vinataba. Thương hiệu này bị các công ty của Indonesia nộp đơn đăng ký tại 14 nước trong khu vực, với mục đích gây áp lực đến thương hiệu; đồng thời, núp bóng Vinataba để thẩm lậu vào Việt Nam. Để giành lại thương hiệu này, Tổng công ty Thuốc lá Thăng Long phải huỷ bỏ được đăng ký tại Campuchia, Lào, Thái Lan; phản đối đơn đăng ký tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, xem xét khởi kiện lại phía Indonesia và theo dõi, chờ cơ hội đình chỉ hiệu lực tại các nước còn lại.

Ông Bạch Thanh Bình, Công ty Luật Phạm & Liên doanh, cho rằng, trong trường hợp như vậy, các DN cần xem xét xem thương hiệu bị đánh cắp đó đã được cấp đăng ký chưa hay mới dừng ở giai đoạn xem xét; liệu thị trường đó có phải là thị trường tiềm năng của công ty không; liệu có nhu cầu thực sự sử dụng nhãn hiệu tại thị trường đó hay thay thế bằng thương hiệu khác; quốc gia này có phải là địa bàn mà từ đó hàng giả có thể được sản xuất và thẩm lậu lại Việt Nam?

Kinh nghiệm từ việc cà phê Trung Nguyên bị mất thương hiệu tại Mỹ đã rút ra cho công ty này bài học quý giá. Ông Nguyễn Trần Quang, Chuyên gia nhãn hiệu Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên, đúc kết, đó chính là mỗi thương hiệu phải xác định được cho mình một văn hoá và tính cách riêng biệt trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh, nhờ đó, khách hàng sẽ trở nên gần gũi với thương hiệu và giữ nó ở vị thế khác hẳn với các sản phẩm cạnh tranh khác trong cùng ngành. Chính vì vậy, thời gian tới, Trung Nguyên sẽ ra mắt loại bao bì mới được thiết kế độc đáo, tạo một phong cách mới cho sản phẩm trên thị trường. Loại bao bì này sẽ giúp người tiêu dùng giữ được hương vị cà phê lâu, thơm hơn.

Từ kinh nghiệm của những người đi trước, Công ty CP Sacom (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông), xác định, cần mở rộng và tiếp sức thường xuyên cho thương hiệu. Theo ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc công ty, là việc sử dụng thương hiệu đã thành danh của sản phẩm này cho một loạt sản phẩm khác, liên kết chất lượng để mở rộng thương hiệu và tăng sự nhận thức, tìm công dụng mới cho sản phẩm, tìm thị trường mới... để tiếp sức cho thương hiệu.

Thương hiệu chính là công cụ bảo vệ lợi ích của DN. Một khi thương hiệu đã được đăng ký sở hữu với Nhà nước thì nó đã trở thành tài sản vô giá. Trên thực tế, nâng cao ý thức DN về việc đăng ký, xây dựng và quảng bá thương hiệu mới được đẩy mạnh trong những năm gần đây, nhưng xem ra, mới chỉ dừng ở phong trào, chưa đi vào bề sâu, tức là ý thức được tác dụng to lớn của nó. Chỉ khi nào các DN nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu mới trở thành công việc thường quyên, quan trọng của DN.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giao hạn ngạch dệt may theo tiêu chuẩn hàng tồn (30/08/2003)
Không được bán thép dưới giá thành (30/08/2003)
DN Việt Nam mua lại nhãn hiệu Tobicom (29/08/2003)
Đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gạch Rubistone (29/08/2003)
Việt Nam đang phải đối mặt với hoạt động kinh doanh ''ngầm'' (29/08/2003)
Giá vàng trong nước đạt 684.000 đồng/chỉ (29/08/2003)
Hàng ngàn giấy đăng ký kinh doanh chưa được thu hồi (29/08/2003)
Gạo xuất khẩu Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh (29/08/2003)
Đà Nẵng hình thành các tuyến du lịch bằng tàu cao tốc (29/08/2003)
Hai năm tới, GDP phải tăng từ 8,2% trở lên! (29/08/2003)
Thị trường bánh Trung thu chuẩn bị... nước rút (29/08/2003)
310.000 tỷ đồng phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ (29/08/2003)
''Sao Vàng đất Việt 2003 đã được trao cho những DN giỏi'' (29/08/2003)
ASEAN triển khai dự án đường sắt Singapore - Côn Minh (28/08/2003)
Thêm gần 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (28/08/2003)
Tro ve dau trang