|
Chế biến thuỷ sản tại công ty Minh Hải. |
(VietNamNet) - Bộ Thuỷ sản dự kiến đầu tư số tiền này vào xây dựng cơ bản năm 2004. Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cho thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng mới chuyển đổi; dự án nuôi tôm công nghiệp; trung tâm giống quốc gia, chợ cá; công trình phòng tránh trú bão; xã nghèo bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trong đó, vốn ngân sách là hơn 1.175 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.800 tỷ, vốn huy động trên 1.800 tỷ và vay nước ngoài 200 tỷ. Riêng vốn tín dụng của Nhà nước sẽ tập trung nâng cấp và xây mới cơ sở chế biến thủy sản, kho bảo quản sản phẩm và các hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, quy hoạch hải sản xa bờ, quy hoạch tiêu thụ một số mặt hàng chủ yếu phục vụ xuất khẩu cũng sẽ được ưu tiên đầu tư.
Đến nay, vốn xây dựng cơ bản của năm 2003 ước đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước cân đối cho đầu tư cơ sở phát triển hạ tầng thấp, chỉ đạt 30% nhu cầu cần thiết. Vốn cho xây dựng cơ sở tránh trú bão đang triển khai dở dang từ năm 2002, đến nay vẫn chưa xong, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Việc điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của NTTS. Đầu tư cho nuôi thuỷ sản còn thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến NTTS bền vững, xuất hiện các yếu tố rủi ro về môi trường, dịch bệnh. Chương trình đánh bắt cá xa bờ, do Chính phủ đầu tư, hiệu quả thấp, vốn cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ hiện rất khó thu hồi.
Thủy sản hiện được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD. Trong năm nay, ngành thủy sản phấn đấu đạt sản lượng khai thác khoảng 2,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu 2,3 tỷ USD.
|