Biến động về cơ cấu thị trường xuất khẩu thuỷ sản
11:28' 03/09/2003 (GMT+7)
 
Cá tra, basa đang có thêm một loạt thị trường mới.

(VietNamNet) - Giá trị thuỷ sản xuất khẩu tháng 8 tăng đột biến tại một số thị trường, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, cơ hội mở ra tại các thị trường mới... đang cho thấy, kỳ vọng về con số 2,3 tỷ USD thủy sản xuất khẩu năm nay có thể trở thành hiện thực. Tuy vậy, ngành thuỷ sản chưa phải đã hết những khó khăn. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc nhấn mạnh thực tế cơ cấu sản phẩm chuyển dịch không kịp với thay đổi của thị trường.

- Bộ trưởng nhận định như thế nào về xuất khẩu thủy sản tháng 8 và 8 tháng đầu năm?

- Xuất khẩu thuỷ sản 8 tháng qua tiếp tục tăng, tiếp tục có sự sắp xếp lại cơ cấu thị trường. Thêm một loạt các DN được phép xuất khẩu vào thị trường EU, Hàn Quốc. Chúng ta vẫn giữ được uy tín về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và vệ sinh thuỷ sản nói riêng.

Nếu muốn xem xét lại yếu tố thị trường năm nay thì phải khẳng định rằng, đó là sự thay đổi về cơ cấu. Sự thay đổi này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính ngẫu nhiên. Tính tất yếu đó liên quan đến những yếu tố thuận lợi bên ngoài, như tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ tăng nhờ Hiệp định thương mại giữa hai nước được ký kết; xuất khẩu vào EU tăng 70% do số DN được xuất khẩu vào thị trường này tăng thêm; hay chúng ta cũng đã khai thác tốt thị trường mới như Nga. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nguyên liệu sạch, dồi dào, thuỷ sản Việt Nam mới có được sự tăng trưởng. Vụ tôm năm nay nói chung là được mùa, tuy cũng có nơi được, nơi mất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu nguyên liệu, hoặc có nhưng cung cấp không đều cho chế biến mà phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Khai thác cá biển, trừ cá ngừ tính riêng, cũng rất tốt.

Tuy nhiên, cũng có những yếu tố không thuận lợi lắm. Đó là sự cạnh tranh tất yếu xảy ra trên thị trường cũng như trong quá trình hội nhập; những va chạm thương mại và sự kiện, sự việc xảy ra mà chúng ta chuẩn bị không kịp (các yếu tố mang tính rào cản... ). Tất cả những cái tất yếu này mang tính thuận nghịch khác nhau, tạo nên một bức tranh về cơ cấu và tăng trưởng.

Nhưng cũng có những yếu tố mang tính ngẫu nhiên chúng ta cũng phải xem xét. Những yếu tố ngẫu nhiêu này chủ yếu là bất lợi. Như dịch bệnh SARS thời gian qua làm cho tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản vào Trung Quốc và Hongkong giảm. Trong chừng mực nào đó, việc tiêu thụ thuỷ sản nội địa theo hướng của những người có thu nhập cao giảm, lượng khách du lịch giảm... Cuộc chiến Iraq, những bất ổn về chính trị và tài chính cũng kéo theo xuất khẩu thuỷ sản bất ổn theo. Ngoài ra, trong khai thác thuỷ sản đã xuất hiện tình trạng một số loài từ trước đến giờ xuất khẩu khá, như mực, từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác lại giảm. Nguyên nhân là do sự biến động về cơ cấu thuỷ sản, nhưng tất nhiên, ở đây cũng cần lưu ý đến nguồn lợi mực đang giảm dần.

- Như vậy, những yếu tố trên tác động ra sao tới cơ cấu thị trường và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, thưa bộ trưởng?

- Những lý do trên tạo sự tăng trưởng và sự chuyển dịch cơ cấu. Trong đó, cơ cấu thị trường chuyển dịch nhiều, nhưng cơ cấu sản phẩm không chuyển dịch kịp cơ cấu thị trường. Chính vì vậy, khi gặp những rủi ro lớn, như cuối tháng 7 và đầu tháng 8, kết thúc vụ kiện cá tra, basa, vấn đề đặt ra là không có sản phẩm nào thay thế để thay thế cá tra, basa xuất vào thị trường Mỹ. Nếu chúng ta đa dạng đối tượng nuôi hơn và thực hiện sớm hơn, thì chắc chắn chúng ta cũng bớt khó khăn.

Do vậy, đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản 8 tháng đầu năm là điều đáng mừng. Chúng ta đã vươn tới con số 1,417 tỷ USD từ thuỷ sản xuất khẩu, tăng khoảng 12,2% so với năm ngoái. Cái mừng ở chỗ, tăng trưởng thuỷ sản vẫn đạt trên 10% trong bối cảnh khó khăn. Song, điều quan trọng là liệu 6 tháng cuối năm nay có tăng trưởng được như 6 tháng đầu năm không? Muốn có 2,3 tỷ USD trong năm nay, bình quân mỗi tháng phải đạt 230 triệu USD. Chúng ta mới đạt được con số này trong 3 tháng lại đây, như vậy, nhiệm vụ sẽ dồn lại những tháng cuối năm. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải giải được bài toán tương đối tổng hợp, vì trong bối cảnh những khó khăn như đầu năm, có những khó khăn ngành đã vượt qua rồi, nhưng không biết cuối năm liệu có xảy ra nữa không, như dịch SARS (có thể bùng phát trở lại).

Từ nay đến 2005, Việt Nam đang phấn đấu xuất được 3 tỷ USD. Như vậy, trong 2 năm tới, chúng ta phải tăng được 700 triệu USD kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Dự báo, năm 2004, con số này chỉ tăng lên 2,6 tỷ USD và năm sau nữa mới đạt 3 tỷ.

- Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng, và tăng vọt tại một số thị trường, là do thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thuỷ sản. Liệu từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản có phát huy được lợi thế này?

 
 
 
 

- Sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và độ an toàn vệ sinh. Song, hiện nay, sản xuất nguyên liệu của ta vẫn là sản xuất nhỏ, thương mại thuỷ sản trong nước có những yếu tố cần phải cố gắng hơn. Cơ chế vận hành lâu nay của nghề cá truyền thống có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng đang bộc lộ hạn chế, đã đến lúc phải được cải thiện. Thời gian tới, ngành thuỷ sản sẽ phải triển khai tốt Quyết định 80 trong bao tiêu sản phẩm nông thuỷ sản, Nghị quyết 13 và 14 về kinh tế tập thể.

Theo Bộ Thuỷ sản, trong 7 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ vẫn đứng đầu về tốc độ tăng trưởng thuỷ sản nhập khẩu, với gần 430 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là Nhật Bản với 295 triệu USD, tăng 7,1%; Các thị trường khác có mức tăng trưởng rất cao là EU với 74%, châu Á 60%, Nga 60%, song, giá trị xuất khẩu tuyệt đối sang các thị trường này không phải là lớn nhất vì sản lượng xuất khẩu thấp. Hiện nay, trong cơ cấu giá trị xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ đã chiếm 36%, sau đó là Nhật với 25%, châu Á 14%, EU 5%, Nga 0,15% và các thị trường khác chiếm 20%.

- Chúng ta sẽ chuyển dịch đối tượng nuôi như thế nào để giảm bớt được thiệt hại trong trường hợp vụ kiện tôm có thể xảy ra?

- Việc đa dạng đối tượng nuôi không phải bây giờ ngành thuỷ sản mới tính, mà đã triển khai từ mấy năm nay rồi. Nhưng để có đối tượng nuôi mới, cần phải có thời gian. Tôi lấy ví dụ về con tôm. Việt Nam đã cho đẻ con tôm nhân tạo đầu tiên vào năm 1972. Đến 1992, tôm mới trở thành giống hàng hoá, và lúc đó còn rất ít. Thị trường thời kỳ trước cũng chưa được mở mang. Sau này, khi sức nuôi mạnh, có đủ nguồn tôm bố mẹ, chúng ta mới nuôi nhiều.

Bây giờ, chúng ta đã có công nghệ, có cơ sở vật chất, có lực lượng, kể cả nguồn giống bố mẹ - yếu tố cần thiết cho sản xuất hàng hoá. Như con cá rô phi chẳng hạn, hiện đang được triển khai để nuôi thay cá nước ngọt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải nhập giống, như vậy thì việc phát triển đàn cá rô phi rất bấp bênh. Nếu muốn có một lượng cá rô phi đủ lớn cũng phải mất 3 năm nữa, nếu không cũng phải 5 năm.

- Còn yếu tố thị trường?

- Yếu tố thị trường không phải không đáng ngại. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải nhận ra rằng, thị trường có hai vế của nó: xúc tiến và bảo vệ. Trong thời điểm này, nên suy nghĩ đến vấn đề bảo vệ thị trường, mà xúc tiến thị trường phải nghĩ đến yếu tố bảo vệ, điều đó mới quan trọng, và sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mới có ý nghĩa. Ngay cả việc độc canh con tôm, thị trường nhập khẩu nào đó nổi lên là một thị trường rất lớn, nhưng trong trường hợp bất ổn, thị trường hoặc đối tượng nuôi đó bị đe dọa thì tính sao? Vấn đề là, chúng ta vừa phải khai thác hết tiềm năng thị trường, vừa khai thác tiềm năng tự nhiên để thu được giá trị cao, nhưng lại cần chú ý đến cơ cấu.

- Với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, bộ trưởng dự đoán như thế nào về tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm?

- Tôi cho rằng, ngành thuỷ sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ bảo đảm được giá trị xuất khẩu, tức là đạt được 2,3 tỷ USD trong năm nay. Xuất khẩu vào các thị trường mới tăng, tuy nhiên, chỉ tăng tương đối mà giá trị tuyệt đối lại chưa cao. Ví như, anh xuất khẩu sang thị trường này nhiều, mặc dù tăng trưởng ít nhưng vẫn cho giá trị xuất khẩu cao hơn so với anh tăng nhiều, nhưng sản lượng xuất khẩu lại ít.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
PVGAS tạm ngưng cung cấp gas trong 10 ngày (03/09/2003)
Sức mua cá tra, basa tại TP.HCM tăng 15-20% (03/09/2003)
Một số doanh nghiệp thép tạm ngưng sản xuất (03/09/2003)
Năm 2004, ngành thủy sản cần hơn 5.000 tỷ đồng (03/09/2003)
Khai mạc hội chợ Kinh tế-Thương mại APEC (08/09/2003)
Khởi công khu đô thị Mễ Trì Hạ (02/09/2003)
Swiss-Belhotel điều hành khu nghỉ Golden Sand ở Hội An (08/09/2003)
Rút gọn quy trình thuế nhờ mã vạch 2 chiều (02/09/2003)
Đã bán được trên 18 tỷ đồng trái phiếu đô thị (02/09/2003)
Ngày 3/9 bắt đầu phát hành trái phiếu dầu khí (02/09/2003)
Thị trường APEC - nguồn lợi lớn cho DN Việt Nam (08/09/2003)
Xây dựng khu đô thị mới đầu tiên ở Hà Tây (02/09/2003)
Sôi động mua sắm, du lịch và giải trí ngày 2/9 (02/09/2003)
Xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn (02/09/2003)
Araq Saudi rút ngắn khoảng cách gia nhập WTO (08/09/2003)
Tro ve dau trang