|
Hàng hoá Việt Nam có sức cạnh tranh thấp hơn từ các nước APEC |
(VietNamNet) - Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Như Đính tại cuộc họp báo Kỷ niệm 5 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội sáng nay (4/9). Ông khẳng định việc tham gia APEC tạo kinh nghiệm, kiến thức để Việt Nam hội nhập với các tổ chức khác, đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
''Mặt khác, với 19/21 thành viên của APEC đã gia nhập WTO, chúng ta có thể tranh thủ được sự ủng hộ của họ trong vận động vào WTO đồng thời tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường pháp luật và đầu tư cho phù hợp với các định chế của các tổ chức khu vực và quốc tế'' - Ông Đính cho biết.
Thị trường APEC đang tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khối lượng thương mại với các đối tác APEC ở mức cao hơn. Hiện, 75% nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên 5% viện trợ không hoàn lại vào Việt Nam là từ các nước APEC. Trên 70% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam là vào các nước APEC.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, ''Việt Nam tham gia APEC trong bối cảnh có nhiều bất lợi hơn so với các thành viên khác. Chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và nhất là đang trong giai đoạn đàm phán gia nhập WTO. Việc ta tham gia APEC có nhiều hạn chế, nhất là khả năng phát huy những kết quả đạt được của APEC liên quan đến tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại''.
Vài nét về APEC:
- APEC gồm 21 thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Mehico, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nga, Peru.
- Tổng GDP: 19.000 tỷ USD (62% GDP toàn cầu).
- Kim ngạch thương mại: 5.500 tỷ USD (47% thương mại toàn cầu).
- APEC là một tổ chức liên chính phủ duy nhất cam kết cắt giảm các rào cản thương mại và thúc đẩy đầu tư mà không đòi hỏi tham gia các điều khoản pháp lý bắt buộc nào.
|
|