|
Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm vào Nhật Bản. |
Việc chuẩn bị xây dựng Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản đang vào giai đoạn cuối. Hiệp định này ra đời sẽ là bước quan trọng trong việc thu hút đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Dũng đã trao đổi với báo giới về Hiệp định này.
Đại sứ Vũ Dũng cho biết, đây là một khuôn khổ pháp lý hết sức quan trọng, tạo ra một hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực nào họ được đầu tư, đầu tư của họ được đảm bảo như thế nào?... Nhân đây tôi cũng xin thông báo một thông tin đáng mừng là hiện nay người ta dự báo đang có một dòng đầu tư thứ hai của các DN Nhật vào Việt Nam.
Điều đáng lưu ý là nếu như dòng đầu tư trước chủ yếu gồm các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn, thì lần này là của các xí nghiệp vừa và nhỏ và mở rộng các dự án hiện có. Thế mạnh của các xí nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản là công nghệ, họ luôn có một vài bí quyết.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang Nhật và khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phần mềm giữa hai nước?
- Hiện nay qua con số thống kê có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam vào Nhật là rất cao. Tôi nghĩ nhu cầu phần mềm tại Nhật hiện rất lớn và chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa. Về lĩnh vực hợp tác theo tôi, thứ nhất, ta có thể hợp tác với bạn về đào tạo, tiếp đến là gia công phần mềm. Trong đào tạo thì hiện nay bạn đã giúp chúng ta, như trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại Hà Nội, TP.HCM... Đặc biệt có một việc mà bạn sắp làm cho chúng ta đó là tổ chức thi cấp chứng chỉ về công nghệ thông tin, khi có chứng chỉ này chúng ta có thể đi làm việc, học tập tại Nhật. Hiện họ đã giúp Ấn Độ, do vậy sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để họ giúp chúng ta càng sớm càng tốt.
Riêng về gia công phần mềm, hiện có một xu hướng họ đưa ra các công ty phần mềm sang khu công nghiệp của ta. Mới đây nhất, trong đoàn DN Nhật đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào cuối tháng 7/2003, đã có một DN Nhật quyết định đầu tư vào khu Bắc Thăng Long - Nội Bài một dự án sản xuất phần mềm trị giá 2 triệu USD.
- Đại sứ có nói để hàng nông sản tươi sống của Việt Nam thâm nhập được thị trường Nhật phải mất ít nhất... 13 năm! Thưa ông, vì sao phải mất quá nhiều thời gian như vậy?
- Mới đây, đại sứ Australia tại Tokyo có nói với tôi là để đưa được quả táo của nước này vào thị trường Nhật, họ phải mất 10 năm. Đại sứ Chile cũng nói để đưa quả sơri vào thị trường này, họ cũng mất 10 năm. Do vậy, có thể rút ra kết luận đây là một thị trường hết sức khắt khe nhưng lại là một thị trường đang mở. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, bởi vốn là một thị trường đóng cửa, nhưng do nhu cầu người dân nên họ bắt buộc phải mở từ từ, đây là một lợi thế cho chúng ta. Gọi là một quá trình dài 13 năm nhưng theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn được thời gian.
Chúng ta cũng đã làm được một số việc: nâng cao năng lực của cơ quan kiểm dịch Việt Nam, thoả thuận giữa cơ quan kiểm dịch Việt Nam với cơ quan kiểm dịch thực vật của bạn. Kiểm soát chu trình sản xuất của chúng ta đối với nông sản, chẳng hạn như chúng ta trồng loại nông sản đó thì phải tưới những loại hoá chất như thế nào? Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian xuống còn 5 năm, nghĩa là 2008 chúng ta sẽ ký được hiệp định về kiểm dịch thực vật.
(Theo Tuổi Trẻ)
|