Khác với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, Dự thảo Luật Phá sản (đửa đổi) lần này sẽ áp dụng đối với các đối tượng cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động một cách độc lập, thường xuyên nhằm mục đích lợi nhuận.
Ngày 11/9, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tiếp tục họp thẩm định Dự án Luật này dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách.
Luật Phá sản doanh nghiệp hiện hành có 6 chương bao gồm 52 điều, Dự thảo đã đổi tên luật là Luật Phá sản, có 15 chương gồm 103 điều; so với luật hiện hành thì có 42/52 điều được sửa đổi, bổ sung và bổ sung 48 điều mới.
Dự thảo Luật Phá sản cố gắng quy định, cụ thể rõ ràng để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng và phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng, tự chủ và tự chịu trách nhiệm kinh doanh; giảm đến mức tối đa sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong kinh doanh.
Dự thảo cũng quy định cụ thể thủ tục phá sản bao gồm trình tự mở thủ tục phá sản, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của thương nhân, thủ tục thanh toán tài sản của thương nhân và tuyên bố thương nhân bị phá sản.
Dự thảo còn quy định thẩm quyền của Tòa án các cấp, đối với Tòa án cấp huyện có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, hợp tác xã và những trường hợp khác thuộc Tòa án cấp trên.
Tờ trình của Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) của Ban soạn thảo do ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Tòa án NDTC trình bày đã nêu rõ việc cần thiết phải sửa đổi Luật Phá sản doanh nghiệp sau hơn 9 năm thi hành luật này (được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 30/12/1993 và có hiệu lực từ 01/7/1994).
Tình hình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp từ năm 1994-2002 cho thấy toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý 152 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với 151 doanh nghiệp nhưng kết quả chỉ tuyên bố phá sản được 46 DN, tạm đình chỉ, hòa giải thành 26 DN; đình chỉ thụ lý phá sản 11 DN, quyết định không mở thủ tục phá sản 12 DN.
Thực tế số DN lâm vào tình trạng phá sản lớn hơn gấp nhiều lần con số 151 đã nêu trên, bởi vì rất nhiều DN rơi vào tình trạng "đắp chiếu để kệ trời". Tuy nhiên, Luật Phá sản doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội, nhưng vẫn bộc lộ những bất cập, không phù hợp với thực tế khách quan, với tốc độ phát triển của kinh tế thị trường.
(Theo TTXVN)
|