|
Đại diện Campuchia đang nhận sự chúc mừng từ thành viên WTO. |
(VietNamNet) - "Mọi người luôn hỏi tôi: Hãy cho biết 10 lý do giải thích tại sao Campuchia gia nhập WTO. Và tôi luôn đáp rằng: giữ 220.000 việc làm và nuôi sống 1 triệu người Campuchia đáng cả 10 lý do" - đây là lời phát biểu của Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Sok Siphana, nhà đàm phán chủ chốt của Campuchia trong các cuộc thương lượng gia nhập WTO.
Lý do đầu tiên và quyết định động lực gia nhập WTO của Campuchia là duy trì ngành dệt may non trẻ của nước này. Dệt may chiếm tới 96,5% kim ngạch xuất khẩu chính thức (1,3 tỷ USD) và 36% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia năm 2002. Hiện ngành này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 220.000 công nhân, phần lớn là phụ nữ từ nông thôn ra thành thị và có trình độ học vấn thấp; do đó, nuôi sống trực tiếp và gián tiếp khoảng một triệu người dân Campuchia - nơi đại đa số người dân kiếm được dưới 1 USD/ngày.
Con đường gia nhập WTO của Campuchia
10/1994: Campuchia nộp đơn gia nhập WTO
24/12/1994: nhóm công tác của WTO về việc gia nhập của Campuchia được thành lập.
22/7/2003: Campuchia đáp ứng về cơ bản những yêu cầu của nhóm công tác và các thành viên tham gia đàm phán.
11/9/2003: Campuchia chính thức trở thành thành viên của WTO
3 đối tác khó khăn nhất: Mỹ, EU và Australia.
Để gia nhập WTO, Quốc hội Campuchia đã phải thông qua 10 đạo luật trong năm 2002, và từ nay đến năm 2006, sẽ phải thông qua thêm 46 đạo luật. |
Trở thành thành viên của WTO, Campuchia sẽ không phải ký lại hiệp định dệt may song phương với Mỹ khi hiệp định này hết hạn vào cuối năm 2004. Đó cũng là lúc Hiệp định Đa sợi (MFA) của WTO không còn giá trị, và vì vậy Campuchia có thể tự do xuất hàng dệt may sang tất cả các nước thành viên, quan trọng nhất là Mỹ và EU vốn là hai thị trường chủ yếu.
Giả sử đến lúc đó, Campuchia vẫn đứng ngoài nhòm vào WTO, Phnom Penh sẽ phải đàm phán lại từ đầu với Washington để ký kết một hiệp định dệt may mới, e rằng không "xông xênh" như hiệp định cũ ký trước đó 5 năm (1/1/1999) vẫn được coi là hiệp định dệt may hào phóng nhất mà Mỹ đã từng buộc mình vào. Ngoài ra, Campuchia sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử đối với một "người ngoài hành tinh" khi MFA chấm dứt.
Nhưng... quy chế thành viên WTO chưa thể đảm bảo cho sự tồn tại của ngành dệt may Campuchia.
Ngành dệt may Campuchia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các nhà đầu tư nước ngoài, những người mới bắt đầu đến từ năm 1994 và một số đã ra đi trong vài năm gần đây. Môi trường xã hội-chính trị không ổn định, nền kinh tế đôla hóa cao độ, nạn tham nhũng lan tràn, chi phí sản xuất cao, cơ sở hạ tầng yếu kém... khiến các nước lân cận trở thành địa điểm đầu tư khả dĩ hơn. Trong khi đó, dệt may lại là một ngành công nghiệp cơ động, dễ di chuyển.
Hiện tại, ở Campuchia, số lượng các cơ sở dệt may vẫn tiếp tục tăng, nhưng số tăng giữa năm sau và năm trước ngày càng nhỏ dần. Trong khi một số cơ sở đang mở rộng sản xuất, một số khác lại chuyển đến Việt Nam và Trung Quốc.
Thị trường dệt may thế giới sẽ ra sao khi MFA hết hiệu lực vào cuối năm 2004? Có thể tóm tắt bằng hai chữ: khó lường. Dù vậy, điều dễ lường đối với Campuchia là họ sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các nước thành viên khác, đáng kể nhất là "người khổng lồ" Trung Quốc. Vả lại, rất có thể những thị trường chính sẽ dựng lên các hàng rào phi thuế quan kiểu "nước tôi không nhập đồ trượt tuyết của EU vì tuyết nước tôi ướt hơn tuyết EU" như đã từng xảy ra trong thương mại quốc tế.
Ngành dệt may Campuchia có "sống" được không trong bối cảnh cạnh tranh phải nói là cực kỳ khốc liệt lúc bấy giờ? Chưa ai có thể chắc được, kể cả Quốc vụ khanh Sok Siphana, người từng tuyên bố: "Chúng ta sẽ chết nếu không vào WTO".
Để các cơ sở dệt may có thể tồn tại, chắc chắn Chính phủ Campuchia phải nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, giảm giá điện, hạn chế dần nạn tham nhũng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng...
Vào WTO, cái được nữa của Campuchia là có đầy đủ các quyền lợi của một thành viên, nhất là quy chế tối huệ quốc (MFN) và chế độ ưu đãi thuế quan chung (GSP) của Mỹ. Bên cạnh đó, với vị thế một thành viên kém phát triển, họ sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Hình ảnh của Campuchia cũng được cải thiện trong mắt cộng đồng quốc tế. Nhờ đó, Campuchia sẽ thu hút lại được các nhà đầu tư và viện trợ nước ngoài - những người rất quan trọng đối với nền kinh tế yếu ớt và phụ thuộc này.
Nhưng Campuchia sẽ mất mát nhiều. Theo số liệu do ông Cato Adrian, chuyên viên bộ phận Gia nhập của WTO công bố Hà Nội vào 5-6/8, trung bình thuế của Campuchia sẽ ở mức 18,4%, tức là gấp hơn 18 lần thuế Mỹ đánh vào các sản phẩm của EU (trên dưới 1%). Hầu hết các dòng thuế nằm trong khoảng 0-40%, cao hơn đối với một số loại rượu (60%) và thuốc lá (50%). Nước này cũng không được sử dụng hạn ngạch. Trợ cấp xuất khẩu sẽ ở mức 0% đối với mọi mặt hàng nông sản.
Campuchia cũng phải nhân nhượng nhiều trong các lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, bưu chính viễn thông, giao thông, xây dựng, dịch vụ phân phối, giáo dục, tài chính, y tế và các dịch vụ xã hội, du lịch, văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí...
Bộ trưởng Bộ Thương mại Cham Prasidh tại Cancun đã cay đắng nói rằng, đất nước ông phải trả "một giá đắt" cho một chỗ trong WTO: "Sự nhượng bộ và những cam kết chúng tôi phải chấp nhận rõ ràng vượt xa tầm với của một nước kém phát triển như Campuchia".
- Đặng Hương (từ Phnom Penh)
|