Góp ý vào Đề án cải cách tiền lương:
Tiền đâu để tăng lương?
14:48' 15/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đề án về cải cách tiền lương, sau nhiều lần chỉnh lý, vừa qua đã được đưa ra xin ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và dự kiến sẽ trình các đại biểu Quốc hội xem xét và thông qua tại phiên họp thứ 4 của Quốc hội khoá XI (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2003). "Lấy đâu ra tiền để tăng lương?", cuộc trao đổi của VietNamNet với cựu Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế sau đây nhằm bổ sung thêm một câu trả lời cho câu hỏi trên.

Nguyên Bộ trưởng Hồ Tế.
Ảnh: NGUYÊN VŨ

- Thưa ông, chúng tôi còn nhớ tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XI vừa qua, sau khi nghe các đại biểu QH chất vấn người kế nhiệm của mình - Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, ông đã thở dài: "Tôi thương anh Sinh Hùng quá!". Vì sao ông lại "thương anh Sinh Hùng quá"?

- Ở cái thời tôi làm Bộ trưởng Tài chính thì ngân sách chưa bị "xé nát" như hiện nay. Làm gì có ngân sách cho cấp xã. Trên thế giới này không có nơi nào cấp ngân sách nhà nước (NSNN) cho cấp xã cả. Bộ máy nhà nước là phải tính từ cấp huyện trở lên. Ngân sách thì có chừng ấy, lại đem "xé nhỏ" ra thì lấy đâu ra tiền mà "đòi" tăng lương.

Nói như ông thì có nghĩa là hiện nay không thể tăng lương được?

- Ngược lại, hoàn toàn có thể làm được điều đó, thậm chí còn có thể tăng được khá cao nữa là khác, nhưng với điều kiện là phải có một cuộc cải cách hành chính triệt để.

Cụ thể là cải cách như thế nào, thưa ông?

- Trước hết phải rút hẹp diện hưởng lương từ NSNN lại. Các tổ chức đoàn thể, hội này, hội kia là phải hoạt động bằng kinh phí do hội viên đóng góp. Trên thế giới hiện nay không có chuyện các tổ chức đoàn thể, hội hè sống bằng NSNN. Ở nước ta hiện nay, chúng ta đã "công chức hóa" toàn bộ hệ thống đoàn thể. Có lẽ không có nước nào mà số người hưởng lương từ NSNN so với số dân lại cao như ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng như vậy thì làm sao có thể quản lý được các tổ chức đoàn thể này, hơn nữa, nếu không có lương thì ai sẽ đứng ra "lãnh trách nhiệm" quản lý họ?

 - Tôi cho rằng nói như vậy là ngụy biện. Tại sao thời kỳ Việt Minh ta làm tốt như vậy? Đã đến lúc chức năng của đoàn thể phải trả về cho đoàn thể. Như có lần Bác Hồ đã từng nói: "Cán bộ đoàn thể thì để cho họ bầu lấy với nhau, hoặc phân công nhau ra mà làm". Cán bộ đoàn thể là "người vác tù và hàng tổng" phải luân phiên nhau mà "thổi tù và" thôi. Nếu tổ chức đoàn thể nào không bầu được người ra làm công tác quản lý đoàn thể đó, thì chúng ta có thể cắt cử luân phiên. Ví dụ, năm nay anh cán bộ này được điều động sang làm Bí thư tỉnh đoàn, một hoặc vài năm sau lại đổi anh khác.

Giảm biên chế cũng là một cách thu hẹp số người hưởng lương từ NSNN mà chúng ta đang làm hiện nay?

- Giảm biên chế là đúng. Tuy nhiên, không biết bao nhiêu lần chúng ta đã quyết tâm làm rồi, nhưng cứ mỗi lần như vậy bộ máy hành chính của chúng ta chẳng những không giảm mà còn phình to hơn. Hiện nay nó đã phình to hơn gấp rưỡi so với thời kỳ tôi còn làm Bộ trưởng Tài chính rồi.

- Theo ông thì vì sao lại không giảm được biên chế?

- Đó là vì chúng ta chỉ nói thôi. Ai cũng hô hào cần phải cải cách hành chính, giảm biên chế, nhưng rồi ai cũng coi đấy là việc của người khác chứ không phải việc của mình.

- Thưa ông, hiện nay cán bộ công chức của chúng ta có tâm lý ngại về hưu, mặc dù đã đến tuổi, thậm chí quá tuổi. Đây cũng là do chúng ta chưa cương quyết, chưa nghiêm?

- Ở ta, cán bộ công chức có mấy ai sống nổi bằng "lương cứng" đâu. Mà về hưu rồi chỉ còn có một khoản lương hưu bằng 65% "lương cứng" tại chức thôi. Tôi nghĩ rằng nếu lương cơ bản ở ta cao gấp vài chục lần so với hiện nay thì cán bộ đương chức cũng làm việc công tâm hơn, khi đến tuổi về hưu họ cũng vui vẻ hơn chứ không tìm mọi cách trì hoãn như hiện nay.

Nhưng như vậy liệu có mâu thuẫn không, thưa ông, vì ông vừa nói "chiếc bánh ngân sách" chỉ có chừng ấy; rằng hiện nay không thể tăng lương cao được?

- Vì vậy tôi mới nói cần cải cách hành chính triệt để hơn. Nếu trước mắt chưa làm được điều đó, chúng ta có thể lựa chọn một vài lĩnh vực mà làm. Ví dụ, chúng ta có thể tiến hành "cải cách" ngay việc cung cấp phương tiện đi lại cho cán bộ công chức, nhất là cán bộ công chức cấp cao, hay nói nói một cách văn hoa là chúng ta nên "Tiền tệ hoá xe cộ" đi. Theo tôi, giống như ở các nước khác, ta nên có quy định cụ thể là chỉ có từ Bộ trưởng (chính khách) trở lên mới có xe riêng, lái xe riêng, mà cũng phải chỉ cụ thể là loại xe nào; còn Thứ trưởng và tương đương dùng xe công vụ, hoặc đưa tiền xe vào lương; cấp dưới Thứ trưởng thì đưa tiền đi lại vào lương. Nếu làm được như vậy thì số tiền bỏ ra từ ngân sách nhà nước để mua xe tràn lan như hiện nay đủ để tăng lương nhiều lần cho cán bộ công chức.

- Ông nói thì mạnh như vậy, nhưng chúng tôi nhớ, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính ở TP.HCM ông từng nói: "Nơi nào mua xe rồi thì thôi, còn nơi nào chưa mua thì mua cho đủ đi!". Chẳng lẽ đó không phải là bằng chứng ông từng khuyến khích mua xe sao?

 - Đúng là tôi đã nói như vậy và anh em người ta vỗ tay rầm rầm. Đó là vì tôi "bất lực", tôi nói mãi, đề nghị mãi, nhưng chẳng ai nghe tôi.

Thưa ông, khi còn làm Bộ trưởng Tài chính thì mỗi lần Quốc hội "đòi" tăng lương ,ông xử lý như thế nào?

- Khi mới làm tôi rất lo, vì như tôi đã nói "chiếc bánh ngân sách" có chừng ấy thôi, thêm cho chỗ này thì phải bớt chỗ kia đi. Lấy đâu ra bây giờ? Nhưng sau một vài lần như vậy, tôi rút ra kinh nghiệm, hễ xã hội đòi hỏi, Quốc hội yêu cầu, Chính phủ giao nhiệm vụ tính toán cụ thể, thì tôi cứ xếp bảng lương cao lên, sau đó Chính phủ và TƯ sẽ hạ xuống là vừa. Bởi ngân sách chỉ có thế, chẳng lẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng, an ninh, ngân sách dành cho giáo dục đi à?

- Xin cám ơn ông!

  • Lê Thuỳ An
    (thực hiện)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vật liệu xây dựng nội không thua kém ngoại nhập (15/09/2003)
Xây dựng Trung tâm tôm giống tại Phú Quốc (15/09/2003)
Hàng lậu thành... hợp pháp (15/09/2003)
Dành 1% thu từ đầu tư nước ngoài cho xúc tiến đầu tư? (15/09/2003)
Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân (15/09/2003)
Xây dựng xưởng chế biến cá basa tiêu thụ nội địa (03/11/2003)
Rộng đường xuất khẩu, dừa lên giá gấp đôi (15/09/2003)
Campuchia: Được và mất khi gia nhập WTO (15/09/2003)
Giá cà phê Việt Nam tăng mạnh (14/09/2003)
Làm thế nào để nông dân hội nhập? (14/09/2003)
Du khách nước ngoài đến TP.HCM tăng đáng kể (14/09/2003)
TP.HCM ''xoay'' tiền xây nhà cho người nghèo (14/09/2003)
Tín dụng ''nóng'', ngân hàng ''rên xiết''! (14/09/2003)
''Đụng độ'' nảy lửa trong vấn đề nông nghiệp (14/09/2003)
Luật Phá sản sẽ điều chỉnh cá nhân kinh doanh (13/09/2003)
Tro ve dau trang