|
Mặt hàng hải sản có thể sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 400 triệu USD sau khi có cắt giảm thuế. |
(VietNamNet) - Bắt đầu từ 1/1/2004, Việt Nam và Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế xuất nhập theo một chương trình "Thu hoạch sớm" (EH) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đi đến hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Đa số các mặt hàng nông sản, thuỷ sản... chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế mạnh.
Theo chương trình này, sẽ có nhiều dòng thuế được cắt giảm nhanh hơn và thậm chí nằm ngoài khuôn khổ CEPT/AFPA đã thoả thuận. Trái với những lo ngại sụt giảm nguồn thu ngân sách khi thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại, việc thực hiện chương trình "Thu hoạch sớm" được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ bởi nhiều lợi ích thấy rõ ngay từ bây giờ.
Theo cam kết cắt giảm thuế trong EH, từ 2004, Việt Nam sẽ phải cắt giảm 88 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc ba nhóm (trên 30%, 15-30% và dưới 15%) xuống bằng 0% vào năm 2008. Hiện nay, thực tế đã có 8 dòng thuế có thuế suất bằng 0% nên Việt Nam chỉ phải cắt giảm 80 dòng thuế. Ngược lại, phía Trung Quốc sẽ phải cắt giảm 206 dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam đạt tới thuế suất bằng 0% trước ngày 01/01/2006. Trong đó, 123 dòng thuế suất trên 15%, 76 dòng có thuế từ 5 - 15% và có 7 dòng thuế hiện nay đã áp dụng 0%. Theo lộ trình, phía Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế khá mạnh và nhanh.
Cụ thể, ngay trong năm đầu tiên thực hiện (2004), các nhóm mặt hàng có thuế suất trên 15% sẽ giảm xuống 10%, nhóm từ 5-10% xuống còn 5% và nhóm dưới 5% được hưởng thuế suất bằng 0%. Còn phía Việt Nam sẽ cắt giảm các nhóm mặt hàng thuế suất trên 30% xuống 20%, nhóm từ 15 - 30% xuống còn 10%, riêng nhóm dưới 15% chỉ còn 5%. Như vậy, không phải chờ đến 2006 mà từ năm 2004 sẽ có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu không phải chịu thuế và sang năm 2005, tất cả các mặt hàng chỉ còn chịu thuế ở mức 0-5%. Điều này sẽ mang lại lợi ích khá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Bộ Thương mại tính toán, nếu năm 2001, nhóm mặt hàng có thuế suất trên 15% phải chịu thuế trung bình chung là 21,3% và các doanh nghiệp đã phải nộp 66,65 triệu USD tiền thuế thì ngay năm đầu tiên cắt giảm thuế theo chương trình EH số thuế này sẽ giảm quá nửa, còn 32,7 triệu USD, chỉ còn 16,3 triệu USD vào năm 2005 và 2006 giá trị tính thuế sẽ không còn nữa; nó sẽ chuyển thành lợi nhuận và ưu thế cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Điều đáng nói, đa số các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như: nông sản, thuỷ sản... chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 28%) đều đang thuộc nhóm chịu mức thuế cao trên 15% sẽ được giảm thuế mạnh ngay từ đầu; trong khi đó chúng ta nhập khẩu không nhiều các sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc (khoảng 1,7%). Các nhóm hàng thuế suất từ (5-15%) tuy giá trị cắt giảm tuyệt đối không nhiều (6,9 triệu USD năm 2001 xuống 3 triệu USD năm 2004 và khoản thuế này sẽ không còn vào năm 2005) nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mới sang thị trường đông dân này.
Điều lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp là cắt giảm thuế theo EH sẽ tạo thêm cơ hội cho hàng Trung Quốc tràn vào Việt nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi họ có quá ít thời gian đối phó với các cơ sở sản xuất hàng giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo cam kết trong EH, các nhóm hàng Việt Nam cắt giảm thuế đều không phải thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Việt Nam. Năm 2001, các nhóm hàng này chỉ chiếm 0,2 tỷ kim ngạch nhập khẩu, khoảng 28 triệu USD. Trong khi đó, năm 2001 Việt Nam đã xuất siêu 361 triệu USD các sản phẩm cùng loại sang nước bạn, gấp 13 lần giá trị nhập về. Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, các nhóm hàng này bao gồm: các loại trứng chim, hải sản, nấm, lông vũ để nhồi, hoa quả tươi, một số giống cây, các loại gà thịt... thường chỉ đi qua đường tiểu ngạch hoặc nhập về sản xuất trong nước với số lượng ít, không cạnh tranh được với sản phẩm của Việt Nam về chất lượng. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều mặt hàng phải chịu sự kiểm dịch và quản lý chuyên ngành gắt gao...
Vì thế, Bộ Thương mại khẳng định: việc cắt giảm thuế theo chương trình "Thu hoạch sớm" sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường trong nước, nguồn thu ngân sách cũng không bị sụt giảm. Chúng ta có nhiều thuận lợi về thời gian cắt giảm (sau 2 năm ), chủng loại và khối lượng xuất khẩu tăng nhanh khi thực hiện EH cho nên các khoản thu từ VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ đủ bù đắp lượng giảm thuế từ xuất nhập khẩu trực tiếp.
Dựa trên số liệu xuất nhập khẩu năm 2001, "Thu hoạch sớm" sẽ tác động có lợi cho xuất khẩu nước ta khoảng 389 triệu USD và tác động tiêu cực đến nhập khẩu Trung Quốc 28 triệu USD nhập khẩu. Trong đó, mặt hàng có lợi nhất là hải sản khoảng 201 triệu USD, tiếp đến là các loại rau quả lợi 129 triệu USD. Riêng mặt hàng hải sản có thể sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 400 triệu USD sau khi có cắt giảm thuế. Rõ ràng, thực hiện "Thu hoạch sớm" đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trái ngược với những gì thông thường chúng ta hay quan ngại và EH thực sự là một cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hoá thị trường cho các sản phẩm thế mạnh như nông sản, thuỷ sản...
Bảng 1: Lộ trình cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong EH
Nhóm mặt hàng |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
Nhóm 1: các mặt hàng có thuế suất bằng hoặc cao hơn 30% |
20% |
15% |
10% |
5% |
0% |
Nhóm 2: các mặt hàng có thuế suất từ 15 - 30% |
10% |
10% |
5% |
5% |
0% |
Nhóm 3; các mặt hàng có thuế suất dưới 15% |
5% |
5% |
0-5% |
0-5% |
0% |
Bảng 2: Lộ trình cam kết cắt giảm thuế của Trung Quốc trong EH
Nhóm mặt hàng |
Không muộn hơn 1/1/2004 |
Không muộn hơn 1/1/2004 |
Không muộn hơn 1/1/2006 |
Nhóm 1; các dòng thuế có thuế suất trên 15% |
10% |
5% |
0% |
Nhóm 2: các dòng thuế có thuế suất 5 - 15% |
5% |
0% |
0% |
Nhóm 3: các dòng thuế có thuế suất dưới 5% |
0% |
0% |
0% |
|