(VietNamNet) - Sự kiện USD sụt giảm mạnh giá trị so với các đồng tiền khác - nhất là đối với EUR của châu Âu trong thời gian qua thu hút mối quan tâm đặc biệt của giới đầu tư quốc tế. Tính trong khoảng thời gian từ đầu năm 2003 đến giữa tháng 1/2004, EUR đã tăng giá đến 23% so với USD. Điều này gây những tác động trái ngược đến kinh tế của Mỹ và khu vực sử dụng đồng EUR.
Nghịch lý Âu - Mỹ
Thông thường, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao sẽ thúc đẩy đồng USD vững lên. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một hiện tượng có vẻ nghịch lý: USD giảm giá mạnh nhưng kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng cao và vững chắc; ngược lại, EUR tăng cao trong khi quá trình phục hồi kinh tế của khu vực đồng tiền này lại rất èo uột và bấp bênh.
EUR tăng giá nhanh đe doạ sự phục hồi kinh tế châu Âu. |
Các nhà xuất khẩu châu Âu tố cáo Mỹ đang cố tình “dìm” giá USD để hưởng lợi; cũng như chỉ trích chính sách “nước đôi” của Hoa Kỳ (hô hào cho đồng USD mạnh nhưng lại không có phản ứng gì trước những diễn biến tình hình trong thời gian qua). Thực tế là với đồng USD yếu hiện nay, hàng hóa của Hoa Kỳ trên thị trường thế giới trở nên rẻ hơn. Điều đó làm cho xuất khẩu của Mỹ tăng cao, và các nhà xuất khẩu nước này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Ngược lại, hàng hóa sản xuất từ các nước sử dụng đồng EUR trở nên đắt hơn tại thị trường bên ngoài khu vực, làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Với tỷ giá tại thời điểm 14/1 ở mức 1,27 USD/EUR, các nhà kinh tế châu Âu gọi là “mức nguy hiểm”, bởi nó ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục kinh tế (vốn đã bấp bênh) của khu vực.
Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), nếu EUR tăng giá 10% so với USD thì chỉ số tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng EUR bị giảm đi 1%. Hiện tại, các nhà xuất khẩu tại châu Âu kêu gọi sự can thiệp từ NHTW châu Âu (ECB) trên 2 giải pháp: hạ mức lãi suất hiện tại, hoặc bán EUR với một số lượng lớn nhằm có một tỷ giá hối đoái hợp lý hơn (cho đến thời điểm 15/1, cả hai yêu cầu trên đều chưa có kết quả).
USD - yếu tố thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc EUR mạnh so với USD không hoàn toàn chỉ có tác động tiêu cực đến kinh tế châu Âu. Bởi một phần hàng hóa sản xuất tại khu vực đồng EUR được tiêu thụ trong chính khu vực này, cũng như ở các nước sắp gia nhập vào EU trong năm nay. EUR tăng giá cao so với USD đã làm người châu Âu mua sắm nhiều hơn sản phẩm của chính mình. Bên cạnh đó, Chính phủ các nước phải có những thay đổi, điều chỉnh chiến lược (gần như bắt buộc) nhằm giúp cho khu vực từng bước thoát khỏi phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là điều có lợi cho châu Âu, xét về lâu dài.
Người Mỹ chi tiêu quá hào phóng
- Cổ phiều của Mỹ không còn hấp dẫn với mức lời cao như trước, nhất là sau khi hàng ngàn dotcom (công ty cung cấp các dịch vụ qua mạng Internet) bị sụp đổ vào những năm 2000, 2001. Trước đây, giới đầu tư quốc tế rất háo hức mua các tài sản bằng USD, nhưng điều đó hiện nay không còn (thậm chí một số nhà đầu tư đã bán cổ phiếu của Mỹ với số lượng lớn).
- Uy tín của giới đầu tư quốc tế đối với Mỹ giảm sút do có hàng loạt vụ bê bối trong lĩnh vực tài chính của nước này (Enron, WorldCom…) trong thời gian qua, gây lo ngại cho giới tài chính khi đầu tư vào Hoa Kỳ.
- Khoảng cách lãi suất hiện tại giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED:1%) với NHTW châu Âu (ECB: 2%), sẽ giúp giới tài chính được lợi nhiều hơn khi đầu tư ở châu Âu (bằng cách bán USD, mua EUR) so với ở Mỹ.
- USD đã tăng quá cao trong khoảng thời gian trước đây – do đó cũng có lúc đồng tiền này phải giảm về đúng với giá trị thật của nó.
Liệu Mỹ có cố tình “dìm” giá USD?
Từ diễn biến trong thời gian qua, phần lớn các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ quốc tế cho rằng, Mỹ đang thực hiện chính sách đồng USD yếu để được lợi cho nền kinh tế. Tuy vậy, một số các chuyên gia khác không hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên, và cho rằng, Mỹ cũng không đủ sức để thực hiện được điều đó.
Như những nguyên nhân đã phân tích trên thì hiện tại, EUR đang được giới đầu tư “ưu ái” hơn, kéo theo nhu cầu đối với đồng tiền này tăng lên (giới đầu tư quốc tế đang chú ý vào châu Âu nhiều hơn là Hoa Kỳ). Các số liệu cho thấy, mức dự trữ EUR ở NHTW các nước tăng mạnh (17%) trong năm 2003. Và hiện tại, mức lưu chuyển EUR trên thị trường đã giảm đi rõ rệt.
Ngoài ra, không phải lúc nào các chủ trương về tiền tệ cũng thực hiện được, như trường hợp EUR trước đây. Trong khoảng thời gian từ 1/1999 – 10/2000, EUR đã liên tục giảm giá so với USD dù NHTW châu Âu có những biện pháp can thiệp.
Hơn nữa, hiện nay Mỹ chỉ được hưởng lợi đối với châu Âu chứ không có tác động nhiều đối với các nước châu Á. Trung Quốc với chính sách gắn tỷ giá cố định NDT với USD nên hầu như không chịu tác động. Còn Chính phủ Nhật đã dùng các biện pháp can thiệp mạnh nhằm kìm hãm sự tăng giá đồng Yen so với USD (trong năm 2003, Nhật chi tới 20.000 tỷ Yen để mua 187 tỷ USD).
Về phần mình, Hoa Kỳ tỏ vẻ rất thận trọng trước tình hình (đang có lợi cho kinh tế của họ). Theo các nhà phân tích, những diễn biến trên lĩnh vực tiền tệ thế giới năm 2004 sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng của 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Florida vào đầu tháng 2 tới.
(Hoàng Diệu - Tổng hợp từ Financial Times, The Economist)