221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
203904
Quản lý đầu tư - vẫn bài ca thất thoát
1
Article
null
Quản lý đầu tư - vẫn bài ca thất thoát
,

(VietNamNet) - Hội nghị toàn quốc về Quản lý đầu tư và Xây dựng Cơ bản diễn ra hôm qua (17/2) đã đưa vấn đề sử dụng nguồn vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương lên bàn cân. Thực trạng cán cân lệch về thất thoát đang khiến cả Chính phủ và cơ quan chức năng các cấp cùng lo lắng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: ''Vấn đề chấn chỉnh hoạt động Quản lý đầu tư và Xây dựng cơ bản được Chính phủ coi là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2004''.

Nghịch lý: Thất thoát ngay từ khâu tính toán ban đầu

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: ''Nhiều Bộ, ngành, địa phương bố trí đầu tư còn dàn trải''.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, ''Lãng phí, thất thoát trong đầu tư và xây dựng vẫn còn là vấn đề nổi cộm hiện nay. Còn có những biểu hiện tiêu cực trong quản lý đầu tư và thi công công trình. Chất lượng ở một số công trình còn thấp, gây lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư''.

Cụ thể, kết quả kiểm tra năm 2002 của 995 dự án với tổng vốn đầu tư 20.736 tỷ đồng, đã phát hiện sai phạm về tài chính và sử dụng vốn đầu tư là 1.151 tỷ đồng, bằng khoảng 5,5% tổng vốn đầu tư các công trình được kiểm tra. Riêng 17 công trình do Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm tra phát hiện sai phạm tài chính lên tới 13%. Đó là chưa kể đến các lãng phí lớn do chậm triển khai công trình và nhất là do sai sót trong chủ trương đầu tư mà hiện chưa có cách đánh giá thống nhất.

Năm 2003, hoạt động thanh tra được siết chặt hơn, trong tổng số vốn 8.235 tỷ đồng đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản thì sai phạm tài chính lên tới trên 1.200 tỷ đồng, chiếm trên 14% tổng số vốn.

Nguyên nhân của tình trạng thất thoát đầu tư có nhiều, thể hiện ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý đất đai chưa đồng bộ... Nghịch lý là ngay từ khâu tính toán, xác định tổng mức vốn đầu tư cho dự án đã thất thoát, nhiều dự án thiên về thiết kế phô trương hình thức, không phù hợp với thực tế sử dụng.

Ngoài ra là 1001 những biểu hiện tiêu cực trong quản lý và thi công công trình rút ruột tiền Nhà nước, tình trạng chủ đầu tư và bên thi công móc nối, thoả thuận khai tăng số lượng, điều chỉnh dự toán rút tiền và vật tư của công trình.

Nợ đọng vượt khả năng cân đối của Ngân sách

Đây là vấn nạn đã được đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn tiếp diễn và ngày càng có xu hướng tăng. Sau khi rà soát lại, số nợ đọng trong đầu tư và xây dựng cơ bản vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng; trong đó, Trung ương khoảng 2.000 tỷ và 3.000 tỷ còn lại là các địa phương.

Vấn đề được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đặt ra là hiện khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều đáng nói là các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố còn buông lỏng quản lý đầu tư và xây dựng, cơ chế quản lý thiếu chế tài ''kiểm soát và hạn chế việc phê duyệt dự án đầu tư tràn lan'' .

Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển ước tính hiện có khoảng 18% dự án chậm tiến độ, mà chủ yếu là ở các địa phương. Có tỉnh như Lạng Sơn có trên 31% dự án phải điều chỉnh, thậm chí như Cà Mau có trên 69% dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tư tưởng ''nể nang'', dễ dàng với các chủ đầu tư trong việc vay mượn vốn.

Giải ngân ODA giảm dần

Riêng nợ xây dựng cơ bản của Ngành Giao thông Vận tải là 1.827 tỷ đồng.

Khối lượng giải ngân nguồn vốn ODA còn thấp so với kế hoạch, hàng năm chỉ đạt khoảng 80 - 90% mức đề ra. Đến nay mới giải ngân được 13,5 tỷ USD trên tổng số 25 tỷ USD cam kết. Tỷ lệ giải ngân giảm dần qua các năm. Khối lượng giải ngân đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan như: chậm giải phóng mặt bằng; Các Bộ, ngành và địa phương bố trí không đủ vốn đối ứng, năng lực của các ban quản lý dự án ODA còn thấp, thủ tục chưa hài hoà trong và ngoài nước...

Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước mà chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách, chưa đủ sức thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư, đặc biệt là khu vực tư nhân nên đã hạn chế rất lớn về quy mô đầu tư, nhất là đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng có khả năng thu hồi vốn.

Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phục hồi được tốc độ huy động cao như những năm trước đây. Hầu hết các dự án được cấp giấy phép gần đây đều có quy mô nhỏ, môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhiều nhưng mức độ cạnh tranh so với các nước trong khu vực vẫn chưa cao và còn nhiều bất cập như: một số chính sách hay thay đổi và khó dự báo trước, có tình trạng cạnh tranh chưa hợp lý trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các địa phương.

 2004 - liệu có lặp lại những yếu kém?

Năm 2004, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 249 - 255 ngàn tỷ đồng (vốn nhà nước trong đó khoảng 138,5 ngàn tỷ đồng), tăng 15 - 16% so với năm 2003 và bằng 36% GDP. Trong đó, tổng vốn đầu tư được phân về các địa phương quản lý là trên 31.000 tỷ đồng, chiếm trên 60% vốn đầu tư từ ngân sách. Vốn đầu tư cho các Bộ, ngành Trung ương là 18.750 tỷ đồng, chủ yếu cũng vẫn là vốn trong nước.

Điều cả Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng lo ngại là năm 2004 liệu có tiếp tục tình trạng của các năm trước đây. Nhiều Bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn còn dàn trải, thiếu hợp lý. Nhiều dự án của các Bộ, ngành phân bổ còn kéo dài thời gian quy định. Bộ Giao thông Vận tải còn 4 dự án nhóm B kéo dài trên 4 năm, con số này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 8, Bộ Tài nguyên và Môi trường là 2...

Nhiều địa phương vẫn tồn tại ''trống đánh xuôi kèn thổi ngược'' với các chỉ thị của Trung ương. Tỉnh Lào Cai, mục tiêu kè biên giới được giao 27 tỷ đồng thì tỉnh mới bố trí 20 tỷ đồng. Tỉnh Thái Bình được giao 15 tỷ đồng cho dự án đường 217 thì mới bố trí được 5 tỷ đồng. Có tỉnh như Long An, dự án cầu Cái Môn được giao 10 tỷ đồng chưa thấy tỉnh bố trí vốn.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, thời gian tới, công tác quy hoạch đầu tư sẽ được tiến hành từ tổng thể đến cụ thể. Riêng trong năm 2004, Bộ sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2020 của 8 vùng kinh tế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành ''Quyết định về Giám sát cộng đồng với hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn thuộc địa phương quản lý''. Trong đó, sẽ có những quy định cụ thể về việc công khai hoá các dự án, các công trình đầu tư và cơ chế giám sát của người dân, của các tổ chức tư vấn độc lập và cả các phương tiện thông tin đại chúng.

  • Phương Thanh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,