(VietNamNet) - Sáng sớm hôm nay (18/2), Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ra thông cáo báo chí tuyên bố "ngành đánh bắt tôm nội địa đã bị gây thiệt hại về vật chất hoặc bị đe doạ gây thiệt hại về vật chất" bởi tôm nhập khẩu được bán với giá rẻ của Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Ecuador; bật đèn xanh cho Bộ Thương mại Mỹ xử lý vụ Liên minh Tôm miền Nam kiện 6 nước trên bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ.
Quyết định này mở đường cho cuộc điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm tôm nhập khẩu. Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ ra kết luận điều tra vào 8/6 tới. Người ta sẽ tiến hành điều tra với cả tôm nước ấm, tôm biển, tôm nuôi, được đóng gói cả đầu hay không, nguyên vỏ hay bóc vỏ, chế biến hay tươi sống và cả tôm đông lạnh, đóng hộp hay rời.
Theo như tài liệu của những công ty sản xuất tôm Mỹ thì giá trị sản xuất tôm của nước này đã giảm từ 1,25 tỷ USD trong năm 2000 xuống còn 560 triệu USD năm 2002 do 6 nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Ecuador bán tôm với giá quá rẻ vào thị trường Mỹ. Trong suốt thời gian này, giá tôm nhập cảng ở Vịnh Mexico giảm xuống chỉ còn gần một nửa (3,30 USD/pound).
6 nước bị kiện trong đó có Việt Nam chiếm khoảng 3/4 lượng tôm nhập khẩu của Mỹ. Tổng lượng xuất khẩu tôm của 6 nước vào thị trường Mỹ tăng từ 466 triệu pound năm 2000 lên 650 triệu pound năm 2002.
Sau quyết định của USITC, John Williams, chủ trang trại nuôi tôm ở Florida, đồng thời là một lãnh đạo của Liên minh Tôm miền Nam phát biểu: "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy 6 nước trên đã bán tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn so với thị trường nội địa hay các nước thứ ba". Williams nói thêm "nếu tôm nhập khẩu cứ tiếp tục được bán phá giá, nhiều doanh nghiệp gia đình sẽ thua lỗ, sẽ có thêm hàng nghìn công nhân thất nghiêp và nhiều cộng đồng ven biển bị tàn phá". Nhưng ông ta cũng phải thừa nhận tôm trong nước không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của người Mỹ.
Các nhà nuôi tôm Mỹ đang hy vọng chính phủ sẽ áp thuế chống bán phá giá với tôm Brazil, tôm Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 349%, 264%, 166%, 110%, 58% và 93%.
Một quan chức cấp cao Phòng Thương mại Trung Quốc cho rằng vụ kiện này sẽ ảnh hường tới lợi ích của người tiêu dùng Mỹ và quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng. Việt Nam đã lên tiếng phản đối, cho rằng vụ kiện tôm này là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại Mỹ, thể hiện sự phân biệt đối xử, đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Được biết, Ủy ban Tôm Việt Nam sẽ sớm ra thông cáo phản đối phán quyết này của USITC, bảo vệ lẽ phải cho các DN.
-
Cẩm Tú (tổng hợp)