221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
214884
Vận tải quốc doanh tính chuyển nghề ?
1
Article
null
Giá xăng dầu tăng:
Vận tải quốc doanh tính chuyển nghề ?
,

(VietNamNet) - Theo ông Đỗ Trọng Khiêm Giám đốc Công ty vận tải ôtô số 2 - Cục đường bộ Việt Nam, thì quyết định tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính lần này vừa đột ngột lại vừa có vẻ "bí mật" đã làm cho các DN vận tải bất ngờ, lo lắng. Lĩnh vực kinh doanh vận tải vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay sẽ phải đối mặt thêm khó khăn hơn.

Xăng dầu tăng giá, ngành vận tải gặp khó khăn.

Ông Khiêm phân tích: Ở Việt Nam hiện nay tồn tại một điều hết sức bất hợp lý là giá cước vận tải đường bộ lại rẻ hơn giá cước đường sắt (thông thường ở các nước khác thì giá cước cao nhất là hàng không, sau đó đến đường bộ, đường sông, rồi mới đến đường sắt). Lấy ví dụ vận chuyển hành khách từ Hà Nội đi TP.HCM giá vé ôtô trong bến xe là 200.000 đồng/khách (với đường sắt loại rẻ nhất cũng gần 500.000đồng), nhưng ra ngoài bến xe mà nhận khách thì  giá chỉ còn 120.000đồng, thậm chí 80.000 cũng phải bằng lòng, nếu xe còn trống nhiều chỗ. Giá cước thấp như vậy, nhưng các chi phí khác thì không ngừng tăng. Chi phí cầu đường chiếm tới 9% giá thành, lương lái xe 11%, săm lốp 4,1%, xăng, dầu hồi đầu năm ngoái còn chiếm 33%, thì nay tăng lên 37%...

Trong khi đó lại có sự cạnh tranh không cân sức giữa các DN vận tải tư nhân và quốc doanh. Các DN quốc doanh bao giờ chi phí cũng lớn hơn so với DN tư nhân. Xe ô tô của DN quốc doanh thì phải đảm bảo chất lượng, an toàn cao, đăng kiểm nghiêm chỉnh, vì vậy thường là xe có chất lượng tốt giá cao nên chi phí khấu hao lớn. Còn các DN tư nhân chỉ mua xe cũ, giá trị xe rẻ nên khấu hao thấp vì vậy có điều kiện giảm giá vận chuyển hơn. Chẳng hạn với một chiếc xe khách mới, chất lượng tốt giá phải 600 triệu, trong khi xe cũ giá chỉ khoảng 150 triệu, nếu tính khấu hao 13% thì chi phí của xe mới trong giá đã cao hơn xe cũ nhiều lần, chưa nói xe cũ khấu hao thường thấp hơn (dưới 10%). Đấy là chưa kể các DN tư nhân có số lao động gián tiếp ít, bộ máy quản lý gọn nhẹ hơn và lách luật rất tốt nên các khoản thuế phải nộp thấp. Điều này làm cho giá cước vận tải của họ thấp, rất dễ nhận được đơn hàng.Trên thực tế giá cước vận tải của các DN tư nhân thường rẻ hơn so với DN quốc doanh tới 20%. Nếu kinh doanh sòng phẳng  thì không có sự chênh lệch lớn như vậy. Hiện hoạt động kinh doanh vận tải của các DN quốc doanh vốn đã không có lãi, nay xăng dầu làm tăng thêm 2% trong giá cước thì nhiều DN chắc sẽ phải chuyển đổi ngành nghề.

Ông Khiêm nói: Khi nhận được thông tin tăng giá xăng dầu, công ty chúng tôi đã phải họp bàn để xây dựng lại kế hoạch kinh doanh, cụ thể là sẽ giảm bớt hoạt động  vận tải và tăng các dịch vụ khác như mở thêm nhiều kho bãi cho thuê chứa hàng. Dịch vụ vận tải từ nay sẽ chỉ còn là lĩnh vực kinh doanh phụ của công ty. Với một DN vận tải mà hoạt động này lại bị coi chỉ là kinh doanh phụ kể cũng nực cười, nhưng đành vậy. Tôi nghĩ rằng nhiều DN vận tải quốc doanh sẽ bị thua lỗ do giá xăng dầu tăng và sẽ phải chuyển nghề.

Bà Đoàn Thị Yến Giám đốc Công ty vận tải và đại lý vận tải - Bộ NN&PTNT cho biết với việc tăng giá xăng lần này thực sự làm cho hoạt động kinh doanh vận tải của các DN vận tải gặp thêm nhiều khó khăn. Công ty chúng tôi đã phải họp để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo bà Yến trước hết công ty sẽ phải đàm phán với những khách hàng truyền thống xem họ có chấp nhận tăng giá cước vận tải không. Nếu không thì hoạt động kinh doanh vận tải sẽ phải giảm bớt và gia tăng các dịch vụ khác.

Hầu hết các DN vận tải quốc doanh khi được hỏi đều thừa nhận việc tăng giá xăng dầu có tác động tới họ. Chỉ cần giá cước vận tải tăng thêm 2% theo như tính toán của Bộ Tài chính thì các DN đã đủ mệt rồi, bởi hiện nay hoạt động này vốn đã không có lợi nhụân.

Riêng công ty vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội cho biết do hoạt động xe buýt vẫn được UBND thành phố trợ giá, giá xăng dầu tăng thì phần trợ giá cũng tăng nên không có chủ trương tăng giá vé xe buýt.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam thì chi phí  xăng dầu chiếm trên 30% giá cước vận tải, như vậy chắc chắn giá cước vận tải những ngày tới sẽ tăng, nhưng Cục không thể can thiệp được. Theo Pháp lệnh giá thì giá cước vận tải không thuộc danh mục quản lý giá của Chính phủ. Giá cước vận tải do các DN tự đăng ký với địa phương và được thị trường chấp nhận. Các DN vận tải nhà nước thực sự gặp khó khăn do cơ chế quản lý vận tải hiện nay rất bất hợp lý, có quá nhiều đối tượng  tham gia vào vận tải và kinh doanh không cùng một mặt bằng. Chi phí của các công ty vận tải quốc doanh thường cao hơn so với các DN tư nhân vì vậy khó cạnh tranh được. Xăng dầu tăng giá sẽ làm cho nhiều công ty vận tải quốc doanh nghĩ đến chuyện thu hẹp dịch vụ vận tải và chuyển ngành nghề. Đã có nhiều DN thuộc Cục Đường bộ đang đi những bước đi như vậy.

  •  Trần Thuỷ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,