221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
218235
''Giá cả nhiều mặt hàng sẽ còn tăng''
1
Article
null
''Giá cả nhiều mặt hàng sẽ còn tăng''
,

(VietNamNet) -  Giá xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh... không ngừng tăng giá gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các  DN và ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính.

Giá xăng dầu tăng sẽ làm đội giá nhiều hàng hoá và dịch vụ.

- Giá thép, phân bón, xăng dầu... trong nước tăng và có nguy cơ tạo nên những cơn sốt mới trên thị trường. Ông có thể cho biết nguyên nhân?

- Trong nền kinh tế mở đa dạng hoá, đa phương hoá thì giá đầu vào tăng không thể không tác động đến các mặt hàng sản xuất trong nước. Chẳng hạn, mặt hàng thép thời gian qua tăng giá quá nhanh, phổ biến giá thép xây dựng bây giờ 8,5 - 9 triệu/tấn. Nguyên nhân là do giá phôi thép thế giới lên nhanh, từ chưa đến 200USD/tấn, bây giờ đến 450 - 500USD/tấn. Phôi thép chúng ta chủ yếu nhập khẩu mà giá nhập lên thì giá trong nước tăng là điều dễ hiểu.

Phân bón cũng vậy! Hiện nay trong nước mới bảo đảm nhu cầu được khoảng độ hơn 10%, còn lại đều phải nhập. Kể cả tồn kho chuyển từ năm 2003 chưa được 1/4 triệu tấn không đáng bao nhiêu, vào thời vụ là hết. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân đạm liên quan đến dầu khí. Nguyên liệu đầu vào tăng giá thì khó mà giữ giá sản phẩm được.

- Theo ông thì có việc đầu cơ các mặt hàng này để nâng giá trục lợi?

- Giá tăng thì có nhiều tác động, có thể do đầu cơ nâng giá và liên kết độc quyền, thông đồng với nhau để nâng giá. Chứng cứ của việc đầu cơ hay liên kết độc quyền chưa khẳng định mà chúng ta nói ngay là điều không nên. Nếu có căn cứ thì cơ quan chức năng sẽ xử lý.

- Giá nhiều mặt hàng tăng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, gây khó khăn cho DN cũng như người tiêu dùng. Ông cho biết Nhà nước có những biện pháp gì bình ổn thị trường.

- Trong quản lý nhà nước rất ít biện pháp có thể tác động làm giá thị trường ''khựng'' ngay lập tức. Bộ Tài chính đang tính đến những phương án xử lý về mặt ngân sách, về thuế như giảm thuế nhập khẩu phôi thép. Hiện nay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ những văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh giá, trong đó có Nghị định về thanh tra, kiểm tra giá. Đây là những văn bản cần thiết để bình ổn giá thị trường.

Tôi muốn nói thêm rằng, cả người tiêu dùng, người sản xuất, cơ quan quản lý phải làm quen với việc tăng, giảm giá trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta mở cửa, hội nhập thì trong nhiều trường hợp phải chấp nhận rủi ro, như giá cả tăng chẳng hạn. Tôi nói như thế không phải Nhà nước bớt trách nhiệm nhưng quả thật DN, người tiêu dùng cần thấy điều đó để cùng chia sẻ với Nhà nước.

- Chúng ta có dự trữ hàng để bình ổn thị trường không, thưa ông?

- Dự trữ của chúng ta rất mỏng, như dự trữ xăng dầu. Bởi vì dự trữ xăng dầu không chỉ đòi hỏi về ngân sách, mà còn vấn đề đường dẫn, kho tàng, an toàn... Dự trữ là một chiến lược, sách lược dài hơi.

- Giá thuốc gần đây tiếp tục tăng mặc dù có cam kết giữ giá thuốc của các đầu mối nhập khẩu. Có giải pháp nào để xử lý vấn đề này, thưa ông?

- Vì độc quyền, các nhà sản xuất và phân phối thuốc bán giá cao là một câu chuyện có tính chất quốc tế. Chẳng hạn, bán thuốc giá thấp cho các nước đang phát triển là cuộc đấu tranh quốc tế mà chưa được. Tuy nhiên, thứ thuốc trong nước thay thế được mà tăng giá thì có lỗi của nhà quản lý.

Chúng ta đang soạn thảo Luật Cạnh tranh, những văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh giá về vấn đề độc quyền. Phải có đồng bộ nhưng cái đó mới xử lý được. Trong trường hợp có biểu hiện các đầu mối nhập khẩu thuốc liên kết với nhau để độc quyền, làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng phải có cơ sở pháp lý, có chứng cứ mới xử lý được.

- Ông dự đoán như thế nào về diễn biến giá xăng dầu, phân bón, sắt thép...?

- Tôi cho rằng giá xăng dầu thời gian tới vẫn dừng ở mức cao như hiện nay. Còn giá sắt thép, sắp  tới cũng chưa có khả năng hạ. Cung cầu trên thế giới và khu vực về phân bón, đặc biệt chúng ta vẫn nhập phân bón từ thị trường Indonesia chưa có hứa hẹn gì mới. Dưới tác động của giá xăng dầu hiện nay, xu hướng nhiều hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng giá. Giá xăng tăng dẫn đến chi phí đi lại, vận tải tăng, từ đó nâng chi phí sản xuất lên. Cộng với yếu tố tâm lý, đầu cơ, giá nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, dự báo cũng chỉ là dự báo. Như dự báo chiến tranh Iraq xảy ra giá dầu sẽ tăng nhưng thực tế giá dầu lại xuống.

- Chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 4,1%, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Vậy chỉ tiêu khống chế lạm phát không quá 5% của Quốc hội năm nay có đạt được?

- So với mấy năm vừa qua thì chỉ số tăng giá trong 2 tháng đầu năm nay đáng lo ngại. Tuy nhiên đây là thời gian Tết nên giá tăng do cầu tăng trong khi cung có tăng nhưng nhiều trường hợp không kịp. Đáng chú ý 2 tháng đầu năm, lương thực, thực phẩm là mặt hàng tăng giá nhiều nhất 8,5%, một phần không nhỏ do tác động của dịch cúm gà. Thêm vào đó, đồng USD tuy mất giá so với một số ngoại tệ mạnh nhưng vẫn tăng giá so với tiền đồng, đẩy giá hàng nhập khẩu lên. Giá cả tăng còn do yếu tố tâm lý và một số mặt hàng phụ thuộc vào giá thế giới như phân bón, sắt thép...

Với đà này, giá tiêu dùng có thể tăng cao hơn nhưng với sự tập trung cao của Chính phủ điều hành quyết liệt, chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong năm nay sẽ không quá 5%, đạt được chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,