Điện tử Việt Nam có bị thua trên sân nhà?
08:21' 05/03/2004 (GMT+7)
Mẫu mã sản phẩm điện tử trong nước luôn đi sau, giá thành lại tương đương với sản phẩm của các DN vốn đầu tư nước ngoài.
(VietNamNet)
- Nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại về năng lực cạnh tranh ngày càng giảm và nguy cơ thua ngay tại "sân nhà" của các DN điện tử Việt Nam. Bởi cả 4 yếu tố quan trọng trong cạnh tranh của các DN điện tử VN, từ chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá thành, đến dịch vụ sau bán hàng và điều kiện tín dụng cho người bán, đều yếu.

Mẫu mã sản phẩm: luôn đi sau

Về chất lượng, mẫu mã sản phẩm các DN điện tử Việt Nam hoàn toàn không có lợi thế so với những DN có vốn đầu tư nước ngoài  như Sam Sung, LG, TCL (Trung Quốc)... vì phần lớn các linh kiện điện tử đều phải nhập khẩu. Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm điện tử của các DN Việt Nam mới đạt khoảng 35% (tính cả bao bì) nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Việc phải nhập khẩu phần lớn linh kiện tuy giúp ta có quyền lựa chọn, nhưng lại không chủ động được trong sản xuất cũng như đổi mới công nghệ. Và như vậy  không thể có được các sản phẩm mới trong khi vòng đời của sản phẩm điện tử rất ngắn, sự đổi mới mẫu mã diễn ra nhanh đến chóng mặt. Điều này đã làm cho sản phẩm điện tử Việt Nam luôn đi sau thời đại, vừa lạc hậu, lại vừa yếu thế.

Giá thành: tương đương "hàng hiệu"

Một điều đáng báo động là giá bán các sản phẩm điện tử của  DN Việt Nam đến nay đã  bằng với giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài như LG, Sam Sung, TCL... Theo thống kê từ phòng thị trường Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam thì Công ty  Sam Sung Việt Nam bình quân mỗi năm giảm giá 10%. Một chiếc ti vi Sam Sung 21 inch (màn hình cong) năm 1999 có giá bán  là 3,6 triệu đồng nay còn 2,6 triệu đồng, trong khi cũng sản phẩm tương tự năm 1999 các DN điện tử Việt Nam bán 2,8 triệu đồng nay còn 2,5 triệu đồng. Sức giảm giá của các DN Việt Nam rất yếu và chênh lệch đến nay không còn là bao. Các thương hiệu  Sam Sung, LG, TCL... lại nổi tiếng hơn rất nhiều so với những Hanel (Công ty điện tử Hà Nội), Vitek-VTB (Công ty điện tử Tân bình)... nên thừa sức để "xóa" sự chênh lệch nhỏ nhoi về giá trong lòng người tiêu dùng. Lý do cũng vì chúng ta phải nhập khẩu hầu hết linh kiện để lắp ráp, lượng nhập khẩu không nhiều nên giá phải cao, trong khi đó các nhà cung cấp linh kiện đều đã đầu tư vào Việt Nam (các DN Việt Nam chủ yếu mua linh kiện điện tử từ những nhà cung cấp Trung Quốc trong đó rất nhiều là của Hãng TCL) và họ không muốn bán linh kiện cho các DN Việt Nam với giá rẻ để cạnh tranh mạnh với công ty con của họ.

Tiếp theo là dịch vụ sau bán hàng. Thực tế thời gian qua các DN điện tử Việt Nam đã làm rất tốt công việc này. Những công ty như điện tử Tân Bình, Biên Hòa... đã có xây dựng được một hệ thống trung tâm bảo hành rộng khắp mọi tỉnh trên toàn quốc. Công ty Điện tử Biên Hòa còn mở dịch vụ bảo hành tại nhà... nhưng chuyện khuyến mãi và quảng cáo thì rất yếu ớt. Khi mua hàng của Sam Sung, LG.... còn có các quyền lợi khác như bốc thăm trúng thưởng, mua nhiều được tặng quà, thậm chí là đổi hàng cũ lấy hàng mới (Sam Sung đã từng làm)Trong khi đó, người tiêu dùng lại ít khi được thụ hưởng những chính sách khuyến mãi tương tự khi mua các sản phẩm điện tử của DN trong nước. Những công ty như Sam Sung, LG dám bảo hành cả màn hình ti vi (người mua nếu thấy có trục trặc mang đến sẽ được thay màn hình mới) chứ các DN Việt Nam không làm được như vậy. Ngay chuyện tài trợ cho Seageme 22 vừa qua cũng thế, nếu LG bỏ ra tổng chi phí từ 5-7 triệu USD, thì Công ty Điện tử Tân Bình mới chỉ chi gần 1 triệu USD. Tức là năng lực tài chính yếu hơn rõ rệt.

Năng lực tài chính mạnh còn giúp các công ty này mạnh tay trong việc chi hoa hồng và bán trả chậm cho các đại lý. Nếu các DN này có thể cho đại lý mua chịu vài tỷ tiền hàng trong thời gian dài thì các DN điện tử Việt Nam chỉ có thể cho chịu tới vài trăm triệu. Bên cạnh đó đại lý cũng được hưởng hoa hồng cao hơn khi bán những sản phẩm Sam Sung hay LG, bán nhiều còn được thưởng, nên đã có sức hấp dẫn rất lớn. Một đại lý bán hàng điện tử tại phố Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết một tháng họ bán tới 100 chiếc ti vi Sam Sung, nhưng chỉ bán chưa nổi 10 chiếc tivi của các DN trong nước. Thực tế khách hàng luôn nhận được lời khuyên từ chủ cửa hàng nên lựa chọn những sản phẩm Sam Sung hay LG... vì giá thì tương đương với hàng Việt Nam, thương hiệu nổi tiếng hơn và chất lượng cũng tốt hơn.

Không có một lợi thế nào, điều này thể hiện sức cạnh tranh của các DN điện tử Việt Nam rất kém. Và thực tế đang chứng minh như vậy. Theo Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam thị trường điện tử trong nước ngày càng tăng trưởng rất mạnh. Năm 2003 nhu cầu về ti vi cả nước đã tăng 35% (từ 1,1 triệu chiếc năm 2002 lên trên 1,3 triệu chiếc năm 2003).Thế nhưng  thị phần của Tổng công ty lại giảm. Năm 2003 toàn Tổng công ty tiêu thụ được 139.121 chiếc ti vi chiếm khoảng 10% thị phần, trong khi năm 2001 là 18%. Một số mặt hàng khác như computer, video, VCD, DVD... cũng không khá hơn.

Thiếu đầu tư đổi mới công nghệ

Nguyên nhân quan trọng là các DN không chịu đầu tư cho sản xuất linh kiện, đổi mới công nghệ để chủ động trong sản xuất. Chính vì vậy mà chất lượng, mẫu mã sản phẩm không thể đổi mới nhanh, hàng sản xuất ra bán chậm, sản lượng thấp không có điều kiện để giảm giá thành và lợi nhuận thấp, dẫn đến năng lực tài chính hạn hẹp... Toàn Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam năm 2003 chỉ đầu tư trên 18 tỷ đồng, trong đó riêng xây dựng nhà xưởng văn phòng đã ngốn  trên 14 tỷ. Từ nhiều năm nay Tổng công ty  này có mức đầu tư rất thấp: tổng vốn đầu tư  1996 - 2000 là 67,386 tỷ đồng (bằng 5,7% doanh thu). Ước đầu tư 3 năm 2001- 2003 là 49,889 tỷ đồng (bằng 1,21% doanh thu). Nhiều DN gần như không có đầu tư mới trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó năm 2003 Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông đạt doanh thu 24.000 tỷ đồng, nhưng đã đầu tư 7.500 tỷ đồng (tương đương với 30% doanh thu) để có mức tăng trưởng 20% Lấy ví dụ này để so sánh mới biết nếu không đầu tư mạnh thì sẽ chẳng có sự tăng trưởng mạnh. 

Đánh giá về vấn đề này, lãnh đạo Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam đã thừa nhận: hiện nay công nghệ nhìn chung chưa được giám đốc nhiều DN coi là yếu tố cơ bản quyết định năng lực cạnh tranh của đơn vị mình. Thực trạng này là hệ quả của hàng loạt chính sách như bảo hộ bất hợp lý, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng giữa các thành phần kinh tế,  làm cho nhiều DN chỉ tìm kiếm lợi ích ngắn hạn hơn là có chiến lược dài hạn, chưa thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư đổi mới công nghệ mà mình chính là chủ thể quyết định. Nhiều DN không ý thức được những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế và các cam kết quốc tế. 

Phải chăng những dấu hiệu trên đang báo trước nguy cơ thua trên chính sân nhà của các  DN điện tử VN, khi chúng ta bước vào hội nhập kinh tế và thực hiện những cam kết quốc tế.

 Trần Thủy

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi