(VietNamNet) - Mặc dù lượng gạo xuất khẩu của tháng hai chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn đề nghị các thành viên xuất khẩu gạo nên giãn thời gian giao hàng và giảm hợp đồng bán gạo cho khách hàng nước ngoài, nhằm tránh ách tắc và tạo ra cơn sốt gạo trong thời gian tới.
Mùa thu hoạch mới sẽ giảm nhu cầu gạo cho thị trường xuất khẩu. |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho VietNamNet biết, từ tháng 3 này trở đi việc thu mua và xuất khẩu gạo của DN sẽ rất sôi động vì đang là thời điểm thu hoạch vụ lúa đầu tiên trong năm, và các đơn hàng xuất khẩu gạo sẽ được thực hiện nhiều hơn kể từ tháng này trở đi. "Chính vì vậy nhu cầu thu mua gạo, vận chuyển, ra vào của tàu thuyền tại bến bãi sẽ trở nên sôi động và tấp nập hơn, rất có thể gây ách tắc cũng như biến động bất thường đối với thị trường gạo sắp tới", bà Nguyệt dự báo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo xuất khẩu của tháng 2 chỉ đạt trên 226.000 tấn với trị giá trên 45,6 triệu đô la, giảm từ 50% đến trên 50% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Không phải các DN Việt Nam không có đơn hàng xuất khẩu, mà là vì nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.
Bà Nguyệt cho biết không giống như những năm trước, sang năm 2004 lượng gạo dự trữ của năm trước không còn; và phải đợi từ tháng 3 trở đi, khi vào vụ thu hoạch mới, lượng gạo mới dồi dào trở lại. Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn là nơi cung cấp gạo chính cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện tượng xuất rộ trong tháng ba là điều có thể dự đoán, do lượng đơn hàng chưa thực hiện của hai tháng đầu năm còn rất nhiều. Vì vậy theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các DN nên thực hiện đơn hàng với tốc độ vừa phải và để tránh hút hàng trong thời gian tới. Hiệp hội này cũng yêu cầu các DN tạm thời ngưng không ký hợp đồng bán gạo mới ít nhất là cho tới tháng 6.
Xuất khẩu của Việt |
Tuy nhiên một số nhà phân tích lại cho rằng, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay khó đạt mức trên vì sản lượng thu hoạch sẽ giảm đáng kể. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay không thuận lợi (hạn hán kéo dài, đặc biệt là khu vực miền Trung) và diện tích gieo trồng bị thu hẹp, cụ thể là diện tích trồng lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 40.000ha. Đối với thị trường thế giới, các nước xuất khẩu gạo cũng có kế hoạch giảm sản lượng gạo xuất khẩu mà dự đoán sẽ là 2 triệu tấn so với năm 2003, tức khoảng 24,7 triệu tấn.
Sự sụt giảm thu hoạch trong nước cũng như nguồn cung thế giới đã tạo nên biến động trên thị trường lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây. Giá gạo liên tục tăng 100-200 đồng/kg (giá hiện nay là 2.700 đồng/kg) theo sức hút hàng của các DN.
Năm 2003 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4,2 triệu tấn trong tổng số thu hoạch cả nước 34-35 triệu tấn, là nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay lượng gạo ký kết hợp đồng với các DN đạt khoảng 1,5 triệu tấn.
-
Minh Quang