(VietNamNet) - Dư luận về việc triển khai một số dự án chỉnh trang hai bên bờ Sông Hồng, biến con sông này thành trung tâm địa lý của thủ đô, nơi vãn cảnh cho du khách; Cùng với việc cầu Nhật Tân sẽ được khởi công nay mai khiến cho giới đầu cơ bất động sản đổ xô sang bên kia sông Hồng tìm mua đất.
Một Hà Nội cũ, cổ kính chật chội mang đầy chứng tích của quá khứ không đáp ứng nhu cầu của một thủ đô hiện đại đang khiến các nhà quy hoạch nghĩ đến việc xây dựng một thủ đô mới bên kia sông Hồng. Khi các nhà đầu tư xây dựng chưa kịp ra tay thì giới đầu cơ đã nhanh chân đi trước thời đại.
Đất nội thành đóng băng
Đất ngoại thành Hà Nội đang lên giá. |
Lê Quang, một doanh nhân trẻ vừa mới khánh thành ngôi nhà 5 tầng được xây dựng trên 78m2 ở phường Trung Yên Hà Nội. Tính cả giá đất, giá xây dựng, tổng giá thành lên tới hơn 4 tỷ đồng. Khi hoàn tất mới nhận ra rằng, còn quá nhiều điều bất tiện cho khu dân cư mới này. Trước hết là việc đưa đón bọn trẻ con đi học. Trong cự ly một vài cây số, ở khu vực này chưa có trường danh tiếng hay chí ít cũng là trường tốt. Đó là chưa nói đến hàng trăm loại dịch vụ khác mà dịch vụ nào cũng thiết yếu với đời sống. Nếu dùng để ở thì còn quá nhiều điều bất tiện. Nếu cho thuê tối đa cũng chỉ được 500USD/tháng, chả tương xứng với số vốn bỏ ra. Để vậy thì một nguồn vốn 4 tỷ đồng bị đọng, tính khiêm tốn theo tiền lãi ngân hàng, mỗi tháng 0,5% thì mỗi tháng vẫn mất đứt 20 triệu đồng. Đó là lý do để anh phải chào bán ngôi nhà rất đỗi thân thương của mình.
Khả năng sinh lợi có hạn so với giá cả đất đai nội thành đã làm cho thị trường đất đai ở khu vực này bị chững lại. Trong các cuộc bán đấu giá đất đai ở các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, một số người vừa trúng thầu những lô đất với giá 20 triệu đồng/m2 nay đang chào bán với giá 15 triệuđồng/m2. Hàng ngày trên mặt tờ Mua và bán, có hàng trăm mảnh đất được rao bán nhưng người tìm mua chẳng có bao nhiêu. Tại các trung tâm giao dịch địa ốc số người chào bán ngày càng nhiều nhưng số vụ mua bán suôn sẻ rất hạn chế. Đất tăng giá cao hơn giá trị thực đã làm cho thị trường đất nội thành đóng băng. Theo giới kinh doanh bất động sản, đất đai ở nội thành hiện đã lên đến đỉnh điểm và đang tạm nằm yên.
Đất ngoại thành lên giá
Ngày cuối tuần, tôi đã làm một cuộc theo chân các đại gia sang bên kia sông. Từ chân cầu Thăng Long xuôi về hạ lưu, các xã Hải Bối, Cầu Đôi, Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh giờ đây đang bắt nhịp với cuộc sống đô thị hoá. Dọc theo các trục đường chính, hàng quán nhoai ra mặt đường. Mặc dù đang là thời điểm xuống đồng nhưng các quán vẫn tấp nập người vào ra. Vô số các điểm được trương biển: Thông tin nhà đất... điện thoại, phone, fax chính quy không kém các công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tạt qua một Trung tâm tư vấn nhà đất thuộc xã Mai Lâm, chủ nhà Ngô Thị Hải cho biết: năm ngoái, ở đây vẫn được coi là vùng sâu vùng xa của Hà Nội, không mấy ai quan tâm đến đất đai. Đất thổ cư, có sổ đỏ, ngõ rộng, ô tô vào được giá chỉ khoảng ngoài 3 triệu đồng/mét. Đất mặt đê, vị trí đẹp, không tính lưu không giá khoảng ngoài năm triệu. Từ đầu năm nay, giới đầu cơ bắt đầu đổ xô sang Đông Anh mua đất. Giá đất sôi động hẳn lên, tăng bình quân 1 triệu đồng một mét vuông.
Ông Ngô Quốc Tuấn, một người đang sở hữu cả ngàn mét vuông đất ở xã Đông Hội, nơi được xác định là chân cầu Nhật Tân ở đầu Bắc cho biết: trong năm nay sẽ khởi công xây dựng cầu Nhật Tân qua sông Hồng và cầu Đông Trù qua sông Đuống. Vị trí xây cầu đã được xác định. Đất ở bờ Nam cầu hiện đang được bán với giá 20 triệu đồng một mét vuông. Thử hình dung, khi cầu Nhật Tân được thông xe, cự ly cách nhau chỉ vài cây số, lúc đó, giá đất ở đây sẽ không còn có giá năm triệu như hiện nay. Đó là lý do đó để những người có tiền nhàn rỗi đổ xô đi mua đất ở Đông Anh.
Cùng với sự lượn lờ của các đại gia, mỗi một tuần có vài phi vụ mua bán được hoàn tất. Thêm một khoảnh đất được xây tường bao, xác định chủ quyền. Thậm chí có chủ đất còn công khai viết cả tên tuổi, số điện thoại di động lên bức tường mới xây. Bà Minh, một nông dân ở xã Xuân Canh cho biết: người mua đất thì nhiều mà người xây nhà thì ít. Chủ yếu là họ mua để đó chờ thời, ai mua được giá cao hơn thì bán. Cũng có người kiên trì ủ, chờ đợi một ngày kia khi cầu này cầu nọ được xây xong, đường kia được mở… lúc đó như một phép mầu, giá đất tăng lên gấp đôi, gấp ba…
Bài toán đầu cơ
Trong vòng mười năm lại đây, ở Hà Nội đã diễn ra ba cơn sốt đất làm rung chuyển thị trường tiền tệ. Mỗi cơn sốt là sự tiếc nuối của những người vừa bán đất, là sự giàu lên nhanh chóng của giới đầu cơ đất đai. Ôm đất, giữ đất được coi là cách làm giàu hữu hiệu, ít rủi ro nhất. Giàu có ngày nay không còn được tính bằng cây, bằng chỉ mà là bằng… đất. Đất được coi là quyền lực, là thước đo của sự thành đạt. Du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, buôn đông buôn tây nhanh giàu thật nhưng chưa thể so sánh với buôn đất. Tiền nhiều như đất và… đất cũng nhiều như tiền. Người giàu nhất Việt Nam không phải là các nhà tư bản công nghiệp, các nhà tài phiệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà là những người đang sở hữu đất đai, sở hữu trang trại và khu công nghiệp.
Khi việc đầu tư vào các ngành sản xuất đầy bất trắc và không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió các doanh nhân liền nghĩ ngay đến đất. Khác với những thủ tục hành chính nhiêu khê với nhiều cửa ải mà không một cửa ải nào có thể đi qua nếu không có chuyện phong bao, đầu cơ đất đai đơn giản hơn nhiều. Một mảnh đất dăm trăm mét vuông, trị giá vài ba tỷ đồng nhưng có thể nhanh chóng thống nhất với nhau bằng miệng, bằng một giấy viết tay, trao sổ đỏ thế là xong. Nếu người mua thận trọng hơn một chút, có thể qua phường, với một khoản lệ phí vài chục triệu coi như đủ thủ tục pháp lý, nhẹ nhàng hơn nhiều việc xin phép và trình các dự án.
Anh Mạnh Hùng, một doanh nhân chuyên nghề kinh doanh xe du lịch ở đường Hai Bà Trưng Hà Nội, một nghề đang đắt khách nhưng chưa thoả mãn với nguồn lợi nhuận mà ngành này mang lại. Biết trước xu thế của đất, anh đã sang Đông Anh làm vài miếng. Theo nhận định của giới đầu cơ: Do sự bất cập về cơ sở hạ tầng, đất ngoại thành hiện đang khá rẻ so với nội thành và với nhu cầu phát triển đô thị. Mỗi năm thành phố bỏ ra hàng chục ngàn tỷ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, những trở ngại về không gian sẽ được khắc phục. Đó là lý do để đất ở ngoại thành tiếp tục tăng giá.
Trong sự chuyển động của nền kinh tế thị trường, quyền sử dụng đất được coi là hàng hoá và tham gia sàn giao dịch là một động lực không nhỏ thúc đẩy tốc độ luân chuyển tiền tệ. Cũng như bất cứ một thị trường nào, sự đóng băng hay quá nóng đều là dấu hiệu bệnh hoạn của nền kinh tế. Khi đất nội thành đóng băng, đất ngoại thành sôi động là một dấu hiệu đáng mừng. Điều còn lại là các nhà quản lý đất đai cần nắm được xu thế này để có những chính sách quản lý phù hợp, giữ nhịp cho thị trường vận hành theo định hướng tổng thể dưới sự quản lý của Nhà nước.
-
Hải Lan
Giá đất ở một số khu vực Nhà cấp 4, diện tích 28m2 tại thị trấn Văn Ðiển, cách quốc lộ 1A 50m, giấy tờ cơ quan cấp, 360 triệu đồng. Nhà 3 tầng xây trên đất thổ cư tại ngõ 18 Nguyễn Văn Cừ, mặt bằng 95m2, mặt tiền 8m, có sân vườn, 1,45 tỷ đồng. Nhà cấp 4 xây trên đất thổ cư tại thôn Kim Quan, Yên Viên, sổ đỏ, tổng diện tích sử dụng 145m2, mặt tiền 6,3m, 4,4 triệu đồng/m2. Nhà 4 tầng, mặt bằng 40m2 tại xã Ðại Kim, đất thổ cư, giá 700 triệu đồng. Nhà cấp 4, diện tích 40m2, mặt tiền 4m tại ngõ 663 Trương Ðịnh, ngõ rộng 5m, sổ đỏ, 25 triệu đồng/m2. Nhà mái bằng tại ngõ Gốc Ðề, Hoàng Văn Thụ, diện tích 52m2, mặt tiền 4m, ô tô đỗ cửa, hướng nam, sổ đỏ, 19,8 triệu đồng/m2. Nhà 3,5 tầng, mặt bằng 30m2 tại tổ 32 phường Mai Ðộng, điện nước tốt, sổ đỏ, 730 triệu đồng. Nhà 2 tầng nằm trong ngõ khu Hào Nam, mặt bằng 60m2, mặt tiền 3,5m, hướng tây nam, ngõ rộng 2,5m, ô tô cách nhà 30m, giá 1,18 tỷ đồng. Nhà 5 tầng, trong ngõ rộng 3m, mặt bằng 55m2, chờ sổ đỏ, hướng bắc, có 9 phòng chính, ô tô cách nhà 30m, giá 1,18 tỷ đồng. Nhà 4 tầng, trong ngõ rộng 3m, mặt bằng 42m2, mặt tiền 3,7m, hai mặt thoáng, hướng đông bắc, sổ đỏ, bán 1,14 tỷ đồng. Nhà 3,5 tầng tại ngõ 101/35 Hào Nam, hướng tây nam, mặt bằng 25m2, sổ đỏ, bán 670 triệu đồng. |